Phát huy vai trò Mặt trận trong công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Phú (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Giúp người nghèo ổn định cuộc sống

Nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Nam (tổ 8) và người con út bị bệnh ung thư máu phải sinh sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, giữa năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê hỗ trợ 20 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường hỗ trợ 10 triệu đồng, Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã và Hội Liên hiệp phụ nữ phường hỗ trợ 5 triệu đồng giúp bà Nam sửa chữa ngôi nhà.

Bà Nam kể: Chồng bà qua đời năm 2012. 3 người con đầu đã lập gia đình ra ở riêng nhưng cuộc sống cũng rất khó khăn nên chẳng thể đỡ đần bà. Hàng ngày, bà đi bán vé số. Khoản thu 50-60 ngàn đồng/ngày không đủ chi phí cho 2 mẹ con. “Tháng 8 vừa qua, bệnh tình con tôi trở nặng, không thể cứu chữa được nữa. Trong lúc lo hậu sự cho con, gia đình tôi nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận cùng bà con trong tổ. Trước đó, vào dịp lễ, Tết, chính quyền địa phương và các đoàn thể đều đến thăm hỏi, tặng quà chia sẻ khó khăn với gia đình”-bà Nam tâm sự.

Chị Mai Thị Tuyết Nhung (tổ 2, phường An Phú) áp dụng kiến thức học hỏi từ các lớp tập huấn vào chăn nuôi bò lai sinh sản. Ảnh: N.M

Chị Mai Thị Tuyết Nhung (tổ 2, phường An Phú) áp dụng kiến thức học hỏi từ các lớp tập huấn vào chăn nuôi bò lai sinh sản. Ảnh: N.M

Năm 2020, chị Mai Thị Tuyết Nhung (tổ 2) cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ 25 triệu đồng, phường An Phú hỗ trợ 25 triệu đồng, người thân giúp đỡ 120 triệu đồng và các hội, đoàn thể của phường luân phiên cử hội viên hỗ trợ ngày công giúp gia đình xây dựng ngôi nhà kiên cố. Năm 2021, thông qua kênh vay vốn của Hội Nông dân phường, chị Nhung vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để mua 1 con bò sinh sản và làm chuồng trại chăn nuôi. Hiện bò mẹ đã đẻ 1 bê con.

Chị Nhung kể: “Tôi là hội viên Hội Nông dân và cũng là hội viên Hội Phụ nữ. Năm 2013, sau khi ly hôn, do không có nhà ở, tôi đã đưa 3 đứa con về nhà bố mẹ đẻ. Hàng ngày, tôi đi làm thuê kiếm tiền nuôi các con ăn học. Sau đó, tôi được bố mẹ cho mảnh đất để xây nhà như hiện nay và cho 1 sào đất trồng lúa. Bản thân tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do chính quyền và các đoàn thể tổ chức. Hiện nay, 2 người con đã đi làm, có thu nhập nên kinh tế gia đình ổn định hơn”.

Bà Châu Thị Ánh-Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ 2-cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban Công tác Mặt trận tổ 2 phối hợp với tổ dân phố, các ban, ngành, hội, đoàn thể phường rà soát, lập danh sách hộ khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo để đề xuất cấp trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, Mặt trận còn phối hợp với các hội, đoàn thể phường truyền thông công tác giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ vay vốn, phòng-chống dịch bệnh, xây dựng tuyến phố văn minh, tổ dân phố không rác, các mô hình phát triển sản xuất kinh doanh với 4 đợt/năm.

“Đầu năm 2023, tôi vận động xây dựng thành công “Hũ gạo tình thương”. Kết quả đã thu được 50 kg gạo và 300 ngàn đồng tiền mặt. Sắp tới, tôi phối hợp với hội, đoàn thể hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn; chung tay chăm lo, giúp đỡ những người kém may mắn. Tổ dân phố hiện chỉ còn 1 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo; giảm 1 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo so với năm 2022”-bà Ánh phấn khởi nói.

Còn ông Lê Văn Cư-Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ 15 thì chia sẻ: Song song với vận động toàn dân thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào, các thành viên Ban Công tác Mặt trận tổ thường xuyên vận động người dân đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, vận động các Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí, vật chất giúp các hộ khó khăn đột xuất, hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Từ đầu năm đến nay, tôi đã vận động được hơn 100 suất quà với tổng giá trị hơn 25 triệu đồng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo”-ông Cư nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Phi Điềm cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết phát huy dân chủ trong cộng đồng dân cư từng bước được nâng lên; đại bộ phận người dân đã có ý thức chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng hệ thống cơ sở chính trị địa phương ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh, người An Khê thân thiện” với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm được người dân hưởng ứng và tham gia nhiệt tình.

Theo đó, giai đoạn 2018-2023, Mặt trận đã vận động người dân đóng góp xây dựng 5.069 m đường bê tông với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng; vận động lắp điện chiếu sáng 69 tuyến đường hẻm với 329 bóng điện, 13.089 m dây, tổng kinh phí hơn 408 triệu đồng; vận động bà con xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Qua bình xét chất lượng hàng năm, trên 90% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”…

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Phú (thị xã An Khê) và các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào phát triển sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Ảnh: N.M

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Phú (thị xã An Khê) và các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào phát triển sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Ảnh: N.M

Bên cạnh đó, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động người dân, hội viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi; tiếp cận thông tin về hỗ trợ sinh kế, vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; vận động hội viên chung tay đóng góp kinh phí sửa chữa nhà cho hội viên nghèo, xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”, giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cấp nhà ở, cải thiện đời sống.

“Từ năm 2003 đến nay, các hội, đoàn thể của phường đã vận động được 650 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của phường, nguồn phân bổ của thị xã và tỉnh, các quỹ cứu trợ, tài trợ khác, phường đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 45 căn nhà “Đại đoàn kết” với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Dịp Tết Nguyên đán, phường hỗ trợ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND phường, MTTQ và các hội, đoàn thể còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo; động viên ý chí phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo; góp phần từng bước giảm số hộ nghèo của địa phương. Năm 2003, tỷ hộ nghèo toàn phường chiếm 3,96%, đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 0,58%”-ông Điềm thông tin.

Để tiếp tục giúp hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường ra sức đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các tổ dân phố, các hội, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo; phấn đấu giúp đỡ từ 1 đến 2 hộ thoát nghèo/năm. Tiếp tục huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho các hộ nghèo theo thứ tự ưu tiên.

“Mặt trận tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, xây dựng các phong trào, cuộc vận động, các mô hình đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa bàn khu dân cư; đồng thời, chú trọng triển khai các chủ trương, biện pháp, kế hoạch vận động hợp lòng dân, vừa sức dân, vì lợi ích và yêu cầu của đời sống người dân. Lồng ghép cuộc vận động, phong trào thi đua, các mô hình với việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn với phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường thông tin thêm.

Về việc phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam phường với chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, bà Trịnh Thị Lê-Bí thư Đảng ủy phường-cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phường thường xuyên có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, từ phong trào đền ơn đáp nghĩa đến công tác an sinh xã hội, tương thân tương ái giúp nhau vượt khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường chủ động ký kết chương trình phối hợp với UBND phường, các tổ chức thành viên về triển khai thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Quỹ “Vì người nghèo”. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả trong việc huy động sự đóng góp từ các thành phần kinh tế, nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân chung tay giúp đỡ người nghèo với ý thức trách nhiệm và nghĩa tình. Đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo trên địa bàn.

“Đến nay, phường còn 14 hộ nghèo, chiếm 0,43%, 80 hộ cận nghèo, chiếm 2,44%; so với năm 2022 giảm 5 hộ nghèo và giảm 12 hộ cận nghèo. Nhiều năm liền phường không có hộ tái nghèo. Để đạt được những kết quả này, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội phường có phần đóng góp rất lớn”-bà Lê nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).