An Tân giúp người dân tiếp cận chính sách giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, phường An Tân (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đặc biệt, phường tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận thông tin để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực

Dẫn chúng tôi xuống thăm vườn chanh dây trĩu quả, bà Nguyễn Thị Tuyết Băng (tổ 3) phấn khởi nói: “Tôi là hội viên phụ nữ, chồng là hội viên nông dân. Vì vậy, những lần tập huấn do Hội phối hợp tổ chức, vợ chồng tôi đều tham gia. Với những kiến thức, kinh nghiệm tiếp thu được sau khi tham gia tập huấn, gia đình tôi đã đầu tư trồng 1 sào chanh dây trên diện tích đất của gia đình và thuê thêm 5 sào đất để trồng chanh dây và ớt. Tôi vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để mua 2 con bò giống, số dư còn lại dùng làm vốn để thu mua chanh dây”. Với cách làm phù hợp, kinh tế gia đình bà Băng đã dần ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Ông Trần Xuân Kiếm (bìa phải)-Chủ tịch UBND phường An Tân thăm hỏi, động viên gia đình ông Phạm Văn Ngọ (tổ 2) phát triển kinh tế. Ảnh: H.P

Ông Trần Xuân Kiếm (bìa phải)-Chủ tịch UBND phường An Tân thăm hỏi, động viên gia đình ông Phạm Văn Ngọ (tổ 2) phát triển kinh tế. Ảnh: H.P

Tương tự, năm 2020, gia đình ông Phạm Văn Ngọ (tổ 2) vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để mua 2 con bò giống về nuôi và trồng keo lai. Từ các lớp tập huấn do phường tổ chức, ông Ngọ có thêm kiến thức về chăn nuôi. Ông Ngọ còn tận dụng các khoảnh đất trống quanh nhà để trồng cỏ làm thức ăn cho vật nuôi.

“Dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn làm việc để tăng thu nhập cho gia đình, làm gương cho con cháu. Sau một thời gian ngắn, 2 con bò giống đã đẻ 4 con bê. Năm vừa rồi, tôi bán 4 con bê cùng với cây trái trong vườn trả được 46 triệu đồng tiền vay ngân hàng. Riêng 3 ha keo lai khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Đến lúc đó, kinh tế gia đình sẽ không còn khó khăn nữa”-ông Ngọ chia sẻ.

Bên cạnh việc tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phường An Tân đã huy động cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa... Bà Trần Thị Thu Thủy-công chức Văn hóa-Xã hội phường-thông tin: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, địa phương đã tiếp nhận và hỗ trợ 15 con bò giống cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc Dự án đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 246 triệu đồng.

Ngoài ra, địa phương tiếp nhận 30 triệu đồng từ Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” thị xã, dùng 10 triệu đồng hỗ trợ mua bò giống và 20 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Địa phương cũng vận động thêm các cơ quan, đơn vị, gia đình và trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của phường để hỗ trợ xây dựng nhà ở, trao sinh kế cho hộ nghèo. Phường cũng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thị xã khởi công xây dựng nhà ở cho hộ cận nghèo từ nguồn tài trợ 50 triệu đồng của nhóm thiện nguyện Ngọc Diệu (TP. Hồ Chí Minh).

Đa dạng hình thức tiếp cận thông tin

Phường An Tân có 3 tổ dân phố với 1.015 hộ dân. Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách liên quan đến giảm nghèo cho hội viên, Hội Nông dân phường còn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các nông hội, tổ hội nghề nghiệp nhằm liên kết hỗ trợ những nông dân có chung ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch UBND phường An Tân Trần Xuân Kiếm (thứ 2 từ phải sang) thăm tổ hội trồng và chăm sóc hoa thương phẩm phường An Tân. Ảnh: Huy Phan

Chủ tịch UBND phường An Tân Trần Xuân Kiếm (thứ 2 từ phải sang) thăm tổ hội trồng và chăm sóc hoa thương phẩm phường An Tân. Ảnh: Huy Phan

Tổ hội trồng và chăm sóc hoa thương phẩm phường An Tân được thành lập năm 2019 với 35 thành viên. Định kỳ 1 tháng/lần, các thành viên tham gia sinh hoạt. Họ thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng hoa. Bên cạnh đó, thông qua tổ hội, các thành viên còn được tập huấn, chuyển giao công nghệ chiếu sáng bằng đèn led; được tham quan, học tập kinh nghiệm từ các tổ hội trồng hoa trên địa bàn thị xã.

Ông Nguyễn Văn Hòa-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 1, Tổ trưởng Tổ hội trồng và chăm sóc hoa thương phẩm phường An Tân-cho hay: “Gia đình tôi có 1,5 sào đất trồng hoa thương phẩm, mỗi năm thu khoảng 200 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Việc tham gia tổ hội giúp các thành viên có thêm kinh nghiệm sản xuất và tìm đầu ra ổn định. Các thành viên trong tổ hội đều phấn khởi vì có cuộc sống ổn định hơn trước”.

Ngoài tổ hội trồng và chăm sóc hoa thương phẩm, phường An Tân còn 1 tổ hội trồng rau xanh theo hướng VietGAP, 1 nông hội trồng rau. Các tổ hội, nông hội này đều hoạt động hiệu quả, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên. Chủ tịch Hội Nông dân phường Trần Văn Toàn cho biết: “Hội khuyến khích hội viên đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi cách làm để vươn lên cải thiện thu nhập và làm giàu. Hội cũng phát động phong trào “Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi”, tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình trong phát triển sản xuất để tạo sự lan tỏa trong công tác giảm nghèo”.

Tổ dân phố 3 có 346 hộ, trong đó, 60% số hộ là công chức, viên chức, cán bộ hưu trí; còn lại là hộ kinh doanh, buôn bán và sản xuất nông nghiệp. Ông Hồ Ngọc Ánh-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 3-thông tin: Mỗi đối tượng có nhu cầu tiếp cận thông tin khác nhau. Do đó, trong công tác tuyên truyền, tổ dân phố lựa chọn hình thức và chắt lọc nội dung phù hợp để chuyển tải cũng như định hướng cho người dân. Đồng thời, phân công các chi hội, đoàn thể và cụm trưởng 5 cụm dân cư thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời hướng dẫn, giúp người dân nắm bắt đầy đủ thông tin hữu ích, nhất là kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, vay vốn và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả...

“Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân trong tổ dân phố chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đồng thuận trong quy hoạch đô thị, giải tỏa hành lang an toàn giao thông, xây dựng khu dân cư đô thị văn minh, sáng-xanh-sạch-đẹp”-ông Ánh thông tin thêm.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND phường Trần Xuân Kiếm nhấn mạnh: Đến cuối năm 2022, phường còn 11 hộ nghèo (chiếm 1,08%) và 45 hộ cận nghèo (chiếm 4,33%). Mục tiêu của phường là đến cuối năm 2025 giảm còn 7 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi chỉ đạo các tổ dân phố thường xuyên rà soát, xác định hộ nghèo, cận nghèo.

Trên cơ sở đó, phường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp, cách làm phù hợp nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin trong cộng đồng dân cư. Trong đó, chú trọng hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động kết hợp giới thiệu, nhân rộng điển hình sản xuất hiệu quả để các hộ học tập, làm theo.

Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể sâu sát cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo để có hình thức hỗ trợ phù hợp; tiếp tục vận động và lồng ghép các nguồn lực giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.