Ông Ksor Kol: “Đại thụ” của làng Kép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều năm qua, già làng Ksor Kol (làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã phát huy vai trò cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Ksor Kol sinh ra và lớn lên ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Năm 1976, ông lấy vợ rồi về làng Kép sinh sống. Nhờ chăm chỉ lao động, ông trở thành tấm gương sáng để người dân nơi đây học tập và làm theo.

Ông kể: “Ban đầu, vợ chồng tôi có 6 sào cà phê được bố vợ cho. Sau nhiều năm tích góp từ tiền bán sản phẩm và làm thuê, vợ chồng tôi mua thêm đất sản xuất. Lúc nhiều nhất, vợ chồng tôi có 3 ha cà phê và hơn 2 ha lúa. Sau khi chia bớt đất cho các con, tôi chỉ giữ lại 6 sào cà phê và 8 sào lúa nước. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm, gia đình tôi thu gần 3 tấn cà phê nhân và hơn 100 bao thóc”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Kol còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho người dân trong làng. Đồng thời, ông cũng gương mẫu trong thực hiện các phong trào, hoạt động ở địa phương. Vì vậy, ông được người dân tín nhiệm bầu làm già làng vào năm 2013. Trong vai trò mới, ông tích cực tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên, phải tích cực gìn giữ an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, ông cũng tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong làng. “Điều đáng mừng là những năm gần đây, làng rất ít khi xảy ra mâu thuẫn, xích mích. Người dân chăm chỉ sản xuất nên cả làng chỉ còn 1 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo”-ông Kol vui mừng cho biết.

Già Kol và vợ đang tích cực tập luyện chơi các nhạc cụ truyền thống. Ảnh: N.H

Già Kol và vợ đang tích cực tập luyện chơi các nhạc cụ truyền thống. Ảnh: N.H

Ông Hnak (làng Kép) cho hay: “Nhờ có già Kol thường xuyên tuyên truyền mà người dân chúng tôi biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Noi theo già, người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia hiến đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng làm các tuyến đường hẻm, dọn vệ sinh để tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp”.

Già làng Ksor Kol cũng tích cực đóng góp cho việc gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Hiện nay, người dân làng Kép vẫn còn lưu giữ hơn 30 bộ cồng chiêng. Riêng bộ cồng chiêng của gia đình ông Kol từng có người tới trả giá 40 triệu đồng nhưng ông không bán mà để cho dân làng sử dụng.

Ông cũng vận động dân làng tích cực gìn giữ các bộ cồng chiêng. Mỗi khi hộ nào có chiêng bị lạc âm thanh, với khả năng chỉnh chiêng giỏi từ năm 17 tuổi, ông Kol đều sẵn sàng hỗ trợ chỉnh sửa.

Cũng theo già làng Ksor Kol, trước đây, ông từng là thành viên xuất sắc của đội cồng chiêng làng Kép. Vài năm gần đây, vì tuổi cao, ông không tham gia nữa nhưng vẫn đứng ra tập hợp thành lập đội để tập luyện, tham dự các sự kiện văn hóa được tổ chức ở địa phương.

Năm 2018, ông vận động vợ là bà Ksor H’Chyah cùng với phụ nữ trong làng thành lập đội cồng chiêng nữ. Năm 2022, ông tiếp tục phối hợp với Chi Đoàn làng Kép thành lập đội cồng chiêng thanh-thiếu niên. Bản thân ông Kol đứng ra phối hợp với các nghệ nhân trong làng hướng dẫn các đội cồng chiêng luyện tập.

Ông Ksor Kol (thứ 5 từ trái sang) tích cực phối hợp truyền dạy cồng chiêng cho người dân trong làng. Ảnh: N.H

Ông Ksor Kol (thứ 5 từ trái sang) tích cực phối hợp truyền dạy cồng chiêng cho người dân trong làng. Ảnh: N.H

“Hiện nay, làng có 3 đội cồng chiêng. Trong đó, đội cồng chiêng người lớn đã tham dự nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và thành phố; 2 đội cồng chiêng còn lại cũng tham dự nhiều sự kiện. Đặc biệt, mới đây, TP. Pleiku đã hỗ trợ làng mua thêm 1 bộ cồng chiêng để người dân luyện tập nên ai cũng phấn khởi”-ông Kol khoe.

Ngồi bên cạnh, bà Ksor H’Chyah cũng vui vẻ cho hay: “Hiện nay, đội cồng chiêng nữ của làng có hơn 20 người tham gia. Những năm gần đây, đội được tham gia biểu diễn tại một số sự kiện văn hóa của phường và ở làng nên ai cũng phấn khởi, tích cực tập luyện”.

Ông Ksor Yát-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kép-cho biết: Với sự đóng góp của ông Ksor Kol, nhiều năm liền, làng Kép được công nhận danh hiệu văn hóa.

Còn ông Trần Văn Hải-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đống Đa thì khẳng định: Già Ksor Kol rất được dân làng tín nhiệm. Nhiều năm qua, ông đã phát huy tốt vai trò, tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc và bảo vệ an ninh trật tự. Ông nhiều lần được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cấp, ngành khen thưởng vì đã có những đóng góp tích cực trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết ở khu dân cư.

Có thể bạn quan tâm

Các đảng viên, cán bộ, công chức xã Phú Cần sinh hoạt định kỳ hàng tuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nam

Phú Cần áp dụng công nghệ số trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(GLO)- Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, Đảng uỷ xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đã áp dụng công nghệ thông qua phần mềm Kahoot (Phần mềm trắc nghiệm online miễn phí) và đã được đội ngũ cán bộ, công chức của xã đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Chuyện gùi hàng về căn cứ

Chuyện gùi hàng về căn cứ

(GLO)- Dốc An Toàn, dốc Ông Hương, đường Ông Dũng, dốc Thò Lò... là những địa danh mà ai đã từng tham gia gùi hàng từ Bình Định, Quảng Ngãi về căn cứ tỉnh Gia Lai trong kháng chiến đều không thể nào quên.

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.