Ông Đoàn Ngọc Hải: Người con đặc biệt của mảnh đất Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bằng tấm lòng thiện nguyện, ông Đoàn Ngọc Hải-nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã trao tặng những phần quà ý nghĩa cho các em học sinh khó khăn và đồng bào nghèo tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. Từ đây, mối ân tình của ông và bà con được gắn kết. Trong nghi lễ thiêng liêng, ông Hải đã chính thức làm con nuôi của một gia đình Jrai bản địa. 
Mang yêu thương đến với học sinh Ayun Pa
Chỉ trong hơn 2 tháng, tiếp nối hành trình mang yêu thương đến với mọi miền Tổ quốc, ông Đoàn Ngọc Hải đã 2 lần đến thăm và tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho học sinh nghèo ở thị xã Ayun Pa. Lần đầu tiên vào ngày 19-1, ông ghé Ayun Pa một phần bởi muốn gặp nữ đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp-người đã có những phát biểu làm “nóng” nghị trường. Dịp này, ông đã đến thăm và tặng quà cho các em học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (xã Ia Rbol). Việc ông tự tay chọn giày, dép cho các em học sinh khiến nhiều người không khỏi xúc động. Ông còn nhờ người mua thêm 4 chiếc xe đạp tặng những em học sinh nghèo học giỏi của nhà trường.
Lần thứ 2, ngay sau khi hoàn thành cự ly chạy 42,195 km tại Giải Vô địch Quốc gia Manathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021 tổ chức tại Gia Lai, sáng 29-3, ông đã tiếp tục lái chiếc xe cứu thương quen thuộc vượt gần 100 km chở sữa, thịt hộp xuống cho các cháu học sinh Ayun Pa. Ông Hải đã chọn ngôi trường vùng tâm dịch Covid-19 cách đây hơn 1 tháng-Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (phường Cheo Reo) để tặng hơn 1.000 hộp sữa, thịt hộp cùng nhiều bánh, kẹo cho các em học sinh. Ông cũng dành tặng 1 chuyến du lịch Singapore cho 1 em học sinh lớp 9 có thành tích học tập xuất sắc trong năm học này.
Sau khi trao quà cho các em học sinh, ông Hải cùng lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đến thăm hỏi, động viên và trao 120 triệu đồng cho 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Ia Rtô và phường Sông Bờ để xây nhà ở. Hiện tại, 2 ngôi nhà tình thương do ông Hải hỗ trợ kinh phí xây dựng đang gấp rút thi công. Tại nhà bà Rah Lan H’Eir (buôn Phu Ama Miơng, xã Ia Rtô), không khí như vui hơn mọi ngày. Căn nhà mới rộng khoảng 50 m2 được xây ngay phần đất bên cạnh đã hoàn thành xong phần móng. 
Ông Đoàn Ngọc Hải và lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa tới thăm, trao quà, kinh phí xây dựng nhà tình thương cho gia đình bà Rah Lan Eir (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa). Ảnh: Vũ Chi
Ông Đoàn Ngọc Hải và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa tới thăm, trao kinh phí xây dựng nhà tình thương cho gia đình bà Rah Lan Eir (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa). Ảnh: Vũ Chi
Bà H’Eir chia sẻ: “Cả cuộc đời tôi chỉ mong có căn nhà vững chắc để ở mà không làm nổi. Nay tuổi đã cao, được ông Hải cùng chính quyền hỗ trợ, tôi mừng lắm. Các con, các cháu tôi sắp có nhà mới để ở rồi. Mọi người cũng hứa sẽ giúp tôi sửa lại căn nhà hiện tại thành bếp. Tôi xin cảm ơn mọi người”.
Dự kiến 2 căn nhà sẽ hoàn thành đúng dịp 30-4. Ông Đoàn Ngọc Hải hứa sẽ đích thân về trao chìa khóa, mở cửa vào nhà mới cùng 2 gia đình. Cùng đi với ông lúc đó sẽ có thêm các Mạnh Thường Quân từ TP. Hồ Chí Minh và sẽ tặng thêm đồ dùng, vật dụng thiết yếu; đồng thời, sẽ tặng quà cho một số gia đình khó khăn trên địa bàn thị xã.
Gần 1 năm nay, sau nhiều chuyến xe miễn phí chở bệnh nhân nghèo về quê, ông Đoàn Ngọc Hải đã trực tiếp đến thăm, tặng quà học sinh tại nhiều vùng khó khăn khắp mọi miền Tổ quốc. Việc làm của ông đã lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng, được nhiều tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ.
Ông Trịnh Văn Lương-Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa-bày tỏ: “Tấm lòng của ông Hải thật đáng quý. Mong ông sẽ có thật nhiều sức khỏe để nối dài hành trình thiện nguyện của mình”.
Trở thành người Tây Nguyên
Cảm phục trước tấm lòng của ông Đoàn Ngọc Hải, trong chuyến thiện nguyện lần thứ 2 của ông tại thị xã Ayun Pa, bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tha thiết muốn làm lễ cúng cầu sức khỏe cho ông, mong ông “chân cứng đá mềm”. Tuy nhiên, nghi lễ này vốn chỉ được thực hiện cho con cái trong nhà, không cúng cho người ngoài.
Đáp lại tấm chân tình của bà con, ông Hải đã xin được làm con nuôi của một gia đình người Jrai. Đó là gia đình ông Ksor Chuel (SN 1949) và bà Nay H’Piơi (SN 1953, buôn Rưng Ma Nhiu, xã Ia Rbol). Đây là một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông Ksor Chuel là giáo viên đã nghỉ hưu, 6 người con của ông hiện đều là công chức, viên chức và có cuộc sống ổn định.
Theo ông Ksor Chuel, trước mỗi sự kiện trọng đại trong cuộc đời con người, cha mẹ sẽ làm lễ cúng cầu sức khỏe cho con. Lần đầu tiên là sau khi con chào đời, lần thứ 2 trước khi con đi xa hoặc sau khi con đi xa trở về và lần 3 là sau khi khỏi bệnh nặng. Tối đa trong cuộc đời mỗi con người sẽ được cúng cầu sức khỏe 3 lần.
“Việc nhận Hải làm con nuôi là một sự tình cờ, là mối lương duyên đối với gia đình. Trước giờ, tôi đã nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về Hải rất nhiều. Tôi rất ngưỡng mộ, yêu mến Hải. Hôm nay, rất vui được gặp Hải, càng vui hơn nữa khi nhận Hải làm con. Vợ chồng tôi có thêm một người con, các con tôi có thêm một người anh, các cháu có thêm người bác giàu lòng nhân ái”-ông Chuel bộc bạch.
Thầy cúng rót chén rượu đầu tiên cho ông Đoàn Ngọc Hải với mong muốn ông sẽ nhận được sự phù hộ của thần linh. Ảnh: Vũ Chi
Thầy cúng rót chén rượu đầu tiên cho ông Đoàn Ngọc Hải với mong muốn ông sẽ nhận được sự phù hộ của thần linh. Ảnh: Vũ Chi
Nghi lễ cầu sức khỏe cho ông Hải được thực hiện theo đúng phong tục truyền thống. Thầy cúng Ksor Beng giỏi nhất làng được mời đến thực hiện nghi lễ. Lễ vật gồm 1 con heo và 3 ghè rượu. Thầy cúng và người được cúng ngồi đối diện nhau qua mâm lễ vật, cha mẹ ngồi bên cạnh và anh em, bà con họ hàng ngồi xung quanh. Trong suốt quá trình cúng, chân phải ông Hải đặt trên một miếng bông dệt vải và một vật bằng kim loại (có thể là lưỡi rìu, lưỡi cuốc…). Theo thầy cúng, nghi thức này tượng trưng cho câu thành ngữ “chân cứng đá mềm”, mong muốn Hải luôn cứng rắn như sắt thép, vượt qua mọi khó khăn.
Trong không khí thiêng liêng, thầy cúng Ksor Beng bắt đầu bài khấn: “Cầu xin Yàng, cầu xin thần nhà, thần cửa, thần tổ tiên quan tâm, phù hộ cho Hải luôn luôn có sức khỏe, đi đến nơi, về đến chốn, làm việc gì cũng thành công…”.
Vừa khấn, thầy cúng vừa thổi 7 lần lên một chiếc vòng bằng đồng được chuẩn bị sẵn rồi đeo vào tay cho ông Hải để phù hộ cho ông. Kết thúc bài cúng, ông Hải lần lượt vít cần uống từng ghè rượu rồi tự mình rót rượu mời thầy cúng, cha mẹ, anh chị em trong nhà để tạ ơn. Tiếp nối, khách mời, bà con dân làng cùng uống rượu chung vui với gia đình.
Anh Nay Weh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rtô, người con trưởng của ông Chuel-cho biết: “Vì anh Hải lớn hơn tôi 4 tuổi nên anh ấy là con cả trong nhà. Trong thời gian tới, gia đình dự định sẽ tổ chức lễ cúng trưởng thành cho anh Hải. Đây là nghi lễ lớn, cần có sự chuẩn bị chu đáo. Lễ vật sẽ phải có 1 con heo trên 1 tạ và 7 ghè rượu. Ngoài ra, anh em, bà con tới tham dự sẽ mang thêm mỗi người 1 ghè rượu, sẽ tổ chức múa cồng chiêng ăn mừng. Do thời gian không cho phép nên lần này anh Hải không ở lại cùng gia đình được lâu”. 
Theo chế độ mẫu hệ của đồng bào Jrai, ông Hải sẽ có một tên gọi khác là Nay Hải. Rời thị xã, món quà gia đình, bà con gửi cho ông đơn giản là chiếc áo thổ cẩm, 1 bộ nỏ và cung tên, một chút lễ vật gồm đùi heo và ghè rượu cần. Lưu luyến khi phải chia tay, ông Hải hứa với cha mẹ nuôi, với bà con sẽ sớm trở lại Gia Lai, mảnh đất nặng nghĩa ân tình trong một ngày gần nhất.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Ông Ksor Nai (thứ 2 từ phải sang) cùng người dân xã Chư Mố trao đổi về công tác hòa giải ở địa phương. Ảnh: H.M

Ksor Nai nhiệt tình với công tác hòa giải

(GLO)- Ngoài đảm nhận vai trò hòa giải viên tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ia Pa, từ năm 1978 đến nay, ông Ksor Nai (SN 1956, thôn Plơi Apa Ama H’lắk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương.

Người dân làng Kmông phấn khởi khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.H

Nước sạch về làng

(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở làng Kmông và De Lung 1 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi công trình nước sạch do Hội Liên hiệp phụ nữ xã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.