Nữ sinh vướng tội mua bán trẻ sơ sinh sau lần "làm mẹ trên giấy"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi mua được trẻ sơ sinh từ một cặp đôi, Đỗ Thị Thư Trang lôi kéo Nguyễn Phương Thảo đứng tên trong các giấy tờ giả với tư cách là mẹ của bé.
4 bị cáo trong vụ án mua bán trẻ sơ sinh tại phiên xử hôm 12.6. Ảnh: Quang Việt

4 bị cáo trong vụ án mua bán trẻ sơ sinh tại phiên xử hôm 12.6. Ảnh: Quang Việt

Theo hồ sơ vụ án, Phạm Thị Thu Uyên (26 tuổi, ở Bảo Thắng, Lào Cai), Lê Diên Dũng (30 tuổi, ở Bắc Kạn) và Đỗ Thị Thư Trang (30 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là các đối tượng không có nghề nghiệp ổn định.

Nhóm này thường xuyên tham gia hội nhóm “Hội cho và nhận con nuôi 3 miền (không đi Trung)” trên Facebook nhằm tìm kiếm, liên hệ với những người không có khả năng nuôi con để xin con của họ rồi bán kiếm tiền.

Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi, quê Nghệ An) là người giúp việc gia đình cho Trang cũng tham gia cùng chủ nhà mua bán người dưới 16 tuổi.

Thời điểm giúp sức cho Trang mua bán trẻ em, Thảo là sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Cơ quan chức năng xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12.2021, Uyên, Dũng và Trang thông qua mạng xã hội Facebook kết bạn, làm quen để giao dịch tìm mua con của người đang mang thai, người mới sinh con, sau đó đem bán để hưởng lợi. Trang đã chỉ đạo Nguyễn Phương Thảo giúp sức trong việc mua bán người dưới 16 tuổi.

Cụ thể, Uyên và Dũng đã thực hiện hành vi mua bán 2 trẻ để hưởng lợi 29,5 triệu đồng. Trang đã thực hiện hành vi mua bán 2 trẻ để hưởng lợi 45 triệu đồng.

Ngoài ra, Trang còn có hành vi làm giả 3 giấy tờ gồm “Giấy ủy quyền nuôi dưỡng trẻ”; “Giao nhận tiền tình nguyện” của một công ty luật, rồi giao cho chị Hoàng Thị Th (SN 1981, trú ở Thái Nguyên, người hiếm muộn muốn xin con nuôi).

Trong các giấy tờ đó, Trang đều thể hiện bé là con do Thảo sinh ra để chị này tin tưởng và chi ra 60 triệu đồng. Thực tế, bé này là con của một phụ nữ được Uyên mua. Sau đó Uyên bán lại cho Trang.

Đối với 5 vụ mua bán người dưới 16 tuổi theo lời khai của Phạm Thị Thu Uyên và Lê Diên Dũng, do cả hai không xác định được nhân thân, lai lịch của người cho con, người mua con nên chưa có đủ cơ sở kết luận.

Do đó, Cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án hình sự liên quan đến hành vi này của Uyên và Dũng để tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau.

Đối với người mua con là chị Hoàng Thị Th, theo cơ quan điều tra, chị Th mua bé về nuôi dưỡng, không phải mua bán nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Đối với người cho con là chị Trần Thị Thu U, do không có khả năng nuôi con nên sau khi sinh đã cho và được Uyên biếu 5 triệu đồng bồi dưỡng sau sinh. Hành vi của chị U không cấu thành tội phạm nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Hôm 12.6 vừa qua, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Trang, Uyên, Dũng và Thảo về các tội "Mua bán người dưới 16 tuổi", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Toà sơ thẩm đã tuyên phạt Trang 16 năm tù, Uyên 13 năm, Dũng 10 năm 6 tháng và Thảo 3 năm tù.

Liên quan đến việc cho và nhận con nuôi, luật sư Nguyễn Thị Hường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Việt Nam đã ban hành Luật nuôi con nuôi số 52/2010/QH12.

Theo đó, “Nhà nước bảo hộ quyền nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Tuy nhiên, việc cho và nhận con nuôi phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều kiện của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, cũng như phải thực hiện các thủ tục đăng ký tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp xã, Sở Tư pháp cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) theo đúng quy định của pháp luật.

Các hành vi: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi... đều vi phạm pháp luật.

Việc xuất hiện nhiều nhóm, diễn đàn cho và nhận con nuôi trên các mạng xã hội, theo luật sư, luôn tiềm ẩn rủi ro lớn cả đối với người cho và người nhận.

Họ có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo hoặc lợi dụng việc nhận con nuôi để trục lợi, thậm chí là mua bán trẻ em như vụ án trên.

Đây đều là các hành vi trái pháp luật, tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể bạn quan tâm

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Liên quan đến vụ Tổng biên tập Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam cùng đồng phạm bị bắt, ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018 đến 2024, Tạp chí này đã ký kết gần 3.200 hợp đồng tài trợ và quảng cáo với các tổ chức, doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong đó, có việc các đối tượng giả mạo chương trình của đài truyền hình lớn để lừa đảo tặng quà nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.