Nộp phí bảo trì đường bộ là một nghĩa vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau gần nửa tháng triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô cho thấy người sử dụng phương tiện bước đầu đã chấp hành tương đối tốt cũng như xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với quy định chung. Theo thống kê tại 3 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đứng chân trên địa bàn tỉnh, đến hết ngày 8-1-2013, đã có 731 xe nộp phí với tổng số tiền là 1,42 tỷ đồng.
 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 197/2012/TT-BTC ngày 16-11-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện, kể từ 1-1-2013, các phương tiện giao thông đường bộ phải đóng phí bảo trì đường bộ. Theo đó, mức phí thấp nhất đối với ô tô là 130.000 đồng/tháng, cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng. Đối với xe máy, thấp nhất 50.000 đồng/năm và cao nhất 150.000 đồng/năm. Việc thu phí này nhằm góp phần bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của mỗi cấp đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân trong cả nước. Đối với người dân, việc nộp phí bảo trì đường bộ là một nghĩa vụ khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Vận tải, Sở Giao thông-Vận tải cho biết: “Tính đến hết năm 2012, số lượng xe mô tô trên địa bàn tỉnh gần 570.000 chiếc (theo số liệu của Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh). Ngày 7-1-2013, UBND tỉnh đã có Công văn số 82/UBND-KTTH chỉ đạo các sở, ngành hữu quan tập trung triển khai công tác thu phí bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao Sở Giao thông-Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế, Công an và các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nội dung Thông tư nêu trên. Đến nay, công tác này đang được Sở Giao thông-Vận tải cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng phương án. Về xe máy, trước mắt sẽ áp dụng mức thu phí thấp nhất. Riêng đối với xe ô tô đã chính thức thu phí bảo trì đường bộ theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam từ ngày 1-1-2013 tại các Trung tâm đăng kiểm đứng chân trên địa bàn tỉnh. Việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ ở Gia Lai sẽ nhanh chóng được tổ chức nhằm điều hành việc thu phí kịp thời và để Quỹ Trung ương có cơ sở phân bổ kinh phí từ việc thu phí các phương tiện ô tô”.

Theo thông tin từ các Trung tâm đăng kiểm, tuy mới chỉ là những ngày đầu triển khai việc thu phí đường bộ, song các chủ xe đều có thái độ khá tự giác, vui vẻ khi đã hiểu được bản chất của vấn đề là: hệ thống đường bộ được bảo trì tốt sẽ làm giảm giá thành vận tải, theo đó cũng giảm giá thành sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, việc nộp phí sẽ dần thay đổi quan niệm sử dụng đường là đường nhiên, miễn phí sang quan niệm sử dụng đường bộ cũng như sử dụng những dịch vụ công cộng khác như nước sạch, điện sinh hoạt… Và người sử dụng đường cần phải trả tiền để nhận được dịch vụ ngày càng tốt hơn. Theo thống kê tại 3 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đứng chân trên địa bàn tỉnh, đến hết ngày 8-1-2013, đã có 731 xe thực hiện nộp phí với tổng số tiền 1,42 tỷ đồng.

Tuy vậy, Thông tư 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng nêu rõ một số trường hợp được miễn nộp phí như xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ an ninh… Đặc biệt, xe mô tô của các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo cũng sẽ được miễn nộp phí. Nhiều ý kiến cho rằng thu phí đường bộ phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác của người dân, song với phương thức giao về cho từng địa bàn, việc triển khai thu phí sẽ sâu sát và hiệu quả hơn. Thêm nữa, khi cơ quan Cảnh sát Giao thông nắm hết số lượng xe thì việc thu phí cũng trở nên đơn giản. “Vấn đề là phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan để việc thu phí diễn ra thuận lợi hơn”-ông Nguyên bày tỏ quan điểm.

Kim Linh

Thu phí bảo trì đường bộ: Nhiều ý kiến trái chiều

Xung quanh vấn đề về thu phí bảo trì đường bộ, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn một số doanh nghiệp vận tải và người dân về vấn đề này:

-Ông Nguyễn Sơn (đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tây Sơn, TP. Pleiku): Người dân chịu quá nhiều loại phí, phí chồng phí

Tôi cho rằng việc thu phí đường bộ là không công bằng bởi người dân đã đóng phí đường bộ rồi. Đó là chi phí bảo dưỡng đường bộ nằm trong xăng dầu (300 đồng/lít)-đây cũng là khoản thu hời vì đâu phải tất cả xăng đều dùng sử dụng để vận tải và phí trước bạ-ai mua xe cũng phải đóng, nhất là đối với xe mới.

-Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai: Khó khăn chồng chất khó khăn

Việc thu thêm phí bảo trì đường bộ đã tạo thêm gánh nặng cho công ty, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay, lượng khách đi xe taxi giảm, xăng liên tục tăng giá… Chủ trương thì đương nhiên phải thực hiện, tuy nhiên Nhà nước cần có cách tính phù hợp kiểu “bán sỉ, bán lẻ”. Hiện công ty có trên 150 chiếc xe nếu tính bình quân mỗi chiếc đóng trên 2 triệu đồng thì mỗi năm công ty phải chi trên 300 triệu đồng là khoản tiền không nhỏ. Mong rằng với những doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là taxi có số lượng xe nhiều nhà nước có chính sách hỗ trợ như giảm mức thu phí.

Lê Lan (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.