Nông sản Gia Lai rộng hướng trời Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, các doanh nghiệp ở Gia Lai chú trọng xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam ký kết và tham gia cũng đã mở lối cho mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vươn tới trời Tây.

Từng bước khẳng định thương hiệu

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) là 1 trong 3 đơn vị của Gia Lai được Bộ Công thương công nhận là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021. Kể từ khi xuất khẩu lô sản phẩm cà phê đầu tiên đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA (tháng 9-2020), Công ty Vĩnh Hiệp đã nỗ lực nắm bắt tốt cơ hội mới, phát triển sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính này. Chưa dừng lại ở đó, Công ty còn linh hoạt thích ứng để mở rộng thị trường xuất khẩu khi những năm gần đây, nước ta không ngừng ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Niên vụ 2021-2022, Công ty đã xuất khẩu được 160.000 tấn cà phê các loại với kim ngạch đạt gần 300 triệu USD, trong đó, thị trường châu Âu chiếm 40% sản lượng. Hiện các sản phẩm của Vĩnh Hiệp đã đạt toàn bộ các chứng chỉ quốc tế cho 22.000 ha cà phê nguyên liệu, từ các chứng chỉ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu đến chứng chỉ của các tổ chức bền vững về FOSI, DELFORES. Đặc biệt, Vĩnh Hiệp cũng là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Đóng gói sản phẩm cà phê Lamant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Đóng gói sản phẩm cà phê Lamant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy


Theo ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều liên quan tới phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó, Gia Lai có một số mặt hàng nông sản chịu tác động như: cà phê, chanh dây, sầu riêng… Hầu hết các hiệp định này đều có sự tương đồng, song tùy theo mỗi quốc gia mà sự ràng buộc về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa gắn liền với trách nhiệm về sản phẩm sẽ khác nhau. “Mặc dù sân chơi này rất khó khăn nhưng với một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu như Vĩnh Hiệp, đây là cơ hội rất hấp dẫn để hội nhập thương mại hóa toàn cầu. Sản phẩm cà phê Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội được quảng bá rộng rãi ở các thị trường khó tính; qua đó, nâng cao giá trị gia tăng và kế sinh nhai cho người sản xuất, tạo sự công bằng và minh bạch liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn”-ông Hiệp chia sẻ.

Ông Hiệp cũng cho rằng, để nắm bắt cơ hội, bản thân mỗi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chu đáo và lâu dài, từ việc xây dựng lại quy trình, quy chuẩn về canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đến thay đổi nhận thức, kỹ năng của người lao động để chuyển từ cách làm truyền thống lạc hậu, kém hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến môi trường sang hội nhập phương thức canh tác mới về công nghiệp số, nông nghiệp số, chuẩn hóa số từ bao bì, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... nhằm đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn mà các hiệp định thương mại đưa ra.

Bên cạnh mở rộng vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) cũng xây dựng quy trình sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Cùng với đó, Công ty được ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 2 mã số này.

 Vùng nguyên liệu chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Quang Tấn
Vùng nguyên liệu chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Quang Tấn



Chủ tịch Công ty Nguyễn Quang Anh cho biết: Thị trường xuất khẩu chuối hiện nay đòi hỏi rất khắt khe, nếu không đáp ứng được thì sẽ bị đào thải. Vì thế, ngay từ khi thành lập, Công ty đã chú trọng xây dựng quy trình sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn GlobalGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cũng như cơ sở đóng gói đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, sản phẩm chuối tiêu hồng của Công ty được người tiêu dùng đánh giá cao và có thị trường xuất khẩu ổn định tại các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Riêng năm 2022, tổng doanh thu xuất khẩu của Công ty đạt hơn 8 triệu USD. “Bên cạnh những đối tác truyền thống, vừa qua, chúng tôi cũng được nhiều đối tác mới ở Trung Đông, châu Âu liên hệ đặt hàng với số lượng lớn nhưng chưa thể đáp ứng vì quy mô vùng nguyên liệu còn hạn chế. Do đó, Công ty đã và đang tập trung liên kết với người dân mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Đak Đoa cũng như các huyện lân cận. Hiện nay, Công ty sản xuất trên 600 ha chuối tiêu hồng, trong đó có 200 ha liên kết với người dân”-ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ.

Tiếp tục chinh phục thị trường khó tính

Toàn tỉnh có hơn 237.346 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng tham gia liên kết gồm: 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 11.862 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 94 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực như: chuối, chanh dây, dưa hấu, thanh long, xoài, mít... với tổng diện tích hơn 6.346 ha; có 22 mã số cơ sở đóng gói nông sản với tổng công suất đóng gói khoảng 665-795 tấn quả tươi/ngày. Sở Nông nghiệp và PTNT đã trình Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp thêm 36 mã số vùng trồng với diện tích 768,29 ha và 10 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 480-485 tấn quả tươi/ngày. Đây sẽ là cơ sở góp phần giúp các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh từng bước đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy chuẩn khắt khe từ những thị trường khó tính như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng thâm canh tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt gắn với công nghiệp chế biến. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… nhằm xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, các công nghệ lõi, hợp tác liên kết; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả như: mì, mía, cao su… sang trồng cây ăn quả gắn với nhà máy sơ chế, chế biến để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Sản phẩm chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) đã tiếp cận nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: Quang Tấn
Sản phẩm chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) đã tiếp cận nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: Quang Tấn


Theo thống kê từ Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu với các ngành hàng chính gồm: cà phê, hồ tiêu, gỗ, trái cây…; trong đó có 6 doanh nghiệp đang xuất khẩu hiệu quả sang thị trường châu Âu. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước thực hiện 660 triệu USD (đạt 100% kế hoạch, tăng 8,2% so với năm 2021).

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh phát triển hơn nữa trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho hay: Sở sẽ tiếp tục tích cực mời gọi, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công thương và các đơn vị khác. Song song với đó, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngành sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do; phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, chính sách, pháp luật thương mại của các nước cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời nắm bắt những thời cơ và ứng biến linh hoạt trước thách thức khi hội nhập với quốc tế cũng như có biện pháp tích cực và chủ động phòng tránh rủi ro để phát triển xuất khẩu.

“Công tác tư vấn, hỗ trợ đào tạo, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh cũng sẽ được tập trung đẩy mạnh để giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp cận được các thị trường khó tính và khai thác hiệu quả lợi ích mang lại từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia”-ông Binh thông tin thêm.

NGUYỄN QUANG - MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Internet

VinFast VF5 là xe ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam năm 2024

(GLO)- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nhập khẩu về thị trường Việt Nam năm 2024 đạt 173.561 chiếc, trị giá 3,62 tỷ USD (tăng 45,8% về lượng và tăng 27,6% về trị giá so với năm 2023). Còn tại thị trường trong nước, VinFast VF5 là xe ô tô bán chạy nhất năm với 32.000 chiếc.