Nỗ lực hoàn thiện mạng lưới giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến tỉnh lộ để tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, nối liền các vùng miền trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống và đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện...

Sau khi tuyến tỉnh lộ 670 có chiều dài 45 km được chuyển thành quốc lộ 19D, hiện nay, trên toàn tỉnh có 11 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 386 km. Các tuyến đường này giúp nối liền các địa phương trong tỉnh và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của các địa phương và tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

 

Sửa chữa các tuyến tỉnh lộ. Ảnh: Đ.T
Sửa chữa các tuyến tỉnh lộ. Ảnh: Đ.T

Trong 5 năm trở lại đây, bằng các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, tỉnh ta đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bê tông láng nhựa, bê tông xi măng các tuyến tỉnh lộ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 314 km/386 km tỉnh lộ được nhựa hóa và bê tông hóa, mặt đường đạt cấp IV, rộng từ 3,5 mét đến 5 mét. Hiện còn 3 tuyến tỉnh lộ với 72 km đường đất. Cụ thể, tỉnh lộ 665 có tổng chiều dài 58 km hiện vẫn còn 24 km đường đất. Trong thời gian tới, tỉnh lộ 665 sẽ được nâng cấp, làm mới bằng nguồn vốn của ADB (hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án). Tỉnh lộ 666 dài 61,2 km đang còn 33 km đường đất cũng đã được đưa vào dự án đầu tư công giai đoạn 2017-2020. Riêng tỉnh lộ 663 còn 15 km đường đất đang tìm nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Dự kiến tổng số vốn để nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến trên là hơn 700 tỷ đồng.

Để hoàn thiện hạ tầng giao thông các tuyến tỉnh lộ như hiện nay là sự nỗ lực lớn của tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số tuyến tỉnh lộ đầu tư xây dựng đã hàng chục năm nên bị hư hỏng, xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này, nhiều năm nay, tỉnh sử dụng nguồn kinh phí 35% được trích từ nguồn phí đường bộ và một phần trích từ ngân sách của tỉnh để bố trí vốn sửa chữa định kỳ các tuyến tỉnh lộ và một phần dùng để sửa chữa thường xuyên. Thế nhưng, nguồn kinh phí này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo dự toán hiện nay, định mức duy tu, bảo dưỡng đường bộ trên địa bàn tỉnh bình quân là 160 triệu đồng/km/năm với đường bê tông nhựa, đường đá dăm láng nhựa. Năm 2017, tổng kinh phí được cấp phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên hạ tầng giao thông là 36,2 tỷ đồng nên chỉ mới đáp ứng được hơn 40% nhu cầu thực tế.

Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông (Sở Giao thông-Vận tải), cho biết: “Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, nhất là các tuyến tỉnh lộ. Đến nay, hầu hết các tuyến đã được đầu tư nâng cấp, làm mới hoặc đã có dự án đầu tư trong thời gian tới. Còn nguồn kinh phí dùng để sửa chữa định kỳ và sửa chữa thường xuyên dù chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nhưng chúng tôi đã có tính toán, phân bổ hợp lý nhằm khắc phục sự cố trên các tuyến, đảm bảo giao thông luôn thông suốt cũng như đảm bảo sự an toàn của phương tiện và người dân khi tham gia giao thông…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.