Những nữ triệu phú Jrai ở Ia Tiêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với sự chăm chỉ, cần cù, nhiều phụ nữ người Jrai ở xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã vượt khó vươn lên với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Làm giàu nhờ tiết kiệm

Ngôi nhà của bà Rơlan Blem to nhất nhì làng Nú. Ít ai biết rằng, để có được cơ ngơi này, bà Blem đã trải qua không ít khó khăn. Năm 1983, bà lập gia đình. Cuộc sống luôn chật vật khi 4 đứa con lần lượt ra đời, trong khi nhà chỉ có 1 sào lúa nước của bố mẹ để lại. “Lúc ấy, tôi bàn với chồng phải tích lũy lúa đổi lấy 1 con bò để phát triển chăn nuôi. Vậy là vợ chồng tôi quyết tâm chăm sóc 1 sào lúa thật tốt để đạt năng suất cao. Mỗi vụ, chúng tôi thu về được 6 bao lúa, tôi chỉ ăn 2 bao, còn 4 bao để lại tích trữ. Sau 2 vụ, gia đình có được 8 bao lúa để đổi lấy 1 con bò nhỏ gây dựng cơ nghiệp”-bà Blem chia sẻ.

Chị Siu Yăm (37 tuổi, làng Hlú, xã Ia Tiêm) mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất để làm giàu. Ảnh: Mai Ka

Chị Siu Yăm (37 tuổi, làng Hlú, xã Ia Tiêm) mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất để làm giàu. Ảnh: Mai Ka

Cứ như thế, với sự cần cù, chịu thương chịu khó và biết cách tích lũy, 2 năm sau, gia đình bà Blem đã có 3 con bò. Bà bàn với chồng bán bớt 1 con bò và lúa tiết kiệm để mua 1 ha đất trồng cà phê. Đến năm 2016, gia đình bà đã sở hữu 7 ha cà phê, 6 sào lúa và 60 con bò. Với thu nhập 800 triệu đồng/năm, vợ chồng bà đã xây dựng được căn nhà trị giá 700 triệu đồng; đồng thời sắm thêm máy cày, công nông, mua xe ô tô phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của gia đình. Bà phấn khởi nói: “Nhờ chăm chỉ lao động và biết tiết kiệm, tích lũy mà vợ chồng tôi gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Bà Kpăh Mung-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Nú-cho hay: “Bà Blem là tấm gương phụ nữ tiêu biểu của làng. Bà đã không ngừng nỗ lực để thay đổi cuộc sống. Đặc biệt, bà Blem còn giúp đỡ lúa gạo cho một số hội viên phụ nữ nghèo trong làng, hỗ trợ một số hộ vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế. Mong rằng hội viên phụ nữ trong làng mình sẽ học theo bà Blem để làm giàu chính đáng”.

Thay đổi cách nghĩ để làm giàu

Với suy nghĩ, muốn làm giàu thì phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chị Siu Yăm (làng Hlú) đã thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp để thu về gần 500 triệu đồng/năm. “Phụ nữ trong gia đình thì phải chăm lo, vun vén và cùng chồng chia sẻ, gánh vác kinh tế. Để kinh tế ổn định, mình phải biết thay đổi phương thức sản xuất”-chị Yăm chia sẻ.

Chị Rơlan Blem luôn chia sẻ, giúp đỡ phụ nữ khó khăn trong làng. Ảnh: Mai Ka

Chị Rơlan Blem luôn chia sẻ, giúp đỡ phụ nữ khó khăn trong làng. Ảnh: Mai Ka

Năm 2013, chị Yăm bàn với chồng thuê 1 ha đất để trồng bắp, mì, khoai lang… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng. Sau 3 năm, với số vốn tích lũy được và mạnh dạn vay vốn thêm, chị Yăm đã mua được 4 ha đất để trồng cà phê và bơ. “Gia đình quyết định trồng cà phê xen với bơ để tăng hiệu quả trên cùng một diện tích. Tôi tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm để cây trồng phát triển. Nhờ vậy, mỗi vụ, gia đình tôi thu về trên 300 triệu đồng từ cà phê và gần 200 triệu đồng từ cây bơ”-chị Yăm vui mừng nói.

Nhờ biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chị Yăm trở thành tấm gương tiêu biểu làm ăn kinh tế giỏi. Ngoài trồng cà phê và bơ, chị còn chăn nuôi thêm heo, gà và canh tác 4 sào lúa. “Làng mình có 108 hội viên, trong đó còn khoảng 12 hội viên nghèo và cận nghèo. Để giúp các hội viên này, chị Yăm thường xuyên động viên, khích lệ và trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất cho họ”-chị Ralan Phom-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Hlú-cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thảo-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Tiêm: Điều đáng quý ở bà Blem, chị Yăm chính là sự cần cù, chịu khó, biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích lũy để thoát nghèo và vươn lên làm giàu một cách bền vững. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều phụ nữ khác trong làng; tham gia tích cực các phong trào, hoạt động tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.