(GLO)- Thực hiện thỏa thuận giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 160 trường hợp vượt biên sang Campuchia, Thái Lan hồi hương. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự khoan dung tha thứ của dân làng, những người hồi hương đã nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Đầu năm 2014, một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai rộ lên tin đồn “trốn sang Thái Lan sẽ được người của Liên hợp quốc đón đi Mỹ, hưởng cuộc sống giàu sang sung sướng”. Bài học từ hàng trăm người bị lừa phỉnh vượt biên trước đây chịu bao đau thương, khổ cực vẫn còn đó, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, ở Gia Lai vẫn có một số người dân tộc thiểu số “sập bẫy”.
Đại diện UNHCR thăm người hồi hương ở Gia Lai. Ảnh: L.Á |
Với đạo lý truyền thống nhân ái “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, những năm qua, chính quyền tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận, tạo mọi điều kiện giúp đỡ những người hồi hương từ Campuchia, Thái Lan trở về ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 160 trường hợp hồi hương, đa số đã tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong đó, có 14 trường hợp kinh tế khá giả, 56 trường hợp kinh tế khó khăn đã được chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi và nhu yếu phẩm…
Tiêu biểu như trường hợp Siu Lomôn ở thôn Ia Tong, xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Trong ký ức của Siu Lomôn, những ngày tháng vượt biên sống chui lủi nơi xứ người vẫn luôn ám ảnh. Siu Lomôn tâm sự: “Sau nhiều ngày băng rừng lội suối, chúng tôi đến đất Campuchia và được bố trí ở trong căn lều tạm bợ, ăn uống rất kham khổ, mỗi ngày chưa được một lon gạo và bị canh chừng không cho đi đâu cả. Hơn 14 tháng sống như bị cầm tù, tôi xin hồi hương. Hiện tại, với 2 suất lương công nhân cao su của hai vợ chồng, lại có thêm 1.400 trụ tiêu và 5 sào lúa, hoa màu nên kinh tế gia đình ổn định. Vừa rồi, tôi được chính quyền và dân làng tín nhiệm bầu làm cán bộ Mặt trận 2 thôn Kênh Mek và Ia Tong.
Còn Ksor Iuh (SN 1979, ở làng Tiêng 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) không giấu được niềm vui cho biết: “Khi từ Thái Lan trở về, tôi đã làm được rất nhiều việc cho gia đình. Ngoài trồng lúa, trồng bắp, tôi đã đi làm thuê kiếm tiền nuôi vợ con, sửa sang nhà cửa. Mừng nhất là chính quyền xã đã tạo điều kiện cho vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu, cà phê, hứa hẹn cho thu nhập cao. Giờ có ai rủ vượt biên để đi Mỹ tôi cũng không tin nữa”.
Đến Tây Nguyên để tìm hiểu về người hồi hương, các đoàn khách quốc tế, trong đó có đại diện UNHCR đã không giấu được niềm vui khi chứng kiến cuộc sống sum vầy, hạnh phúc của họ và càng hiểu hơn chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người lầm đường lạc lối. Trong 3 ngày (từ ngày 12 đến 14-9-2016), đoàn công tác của UNHCR do bà Yoko Iwasa-nhân viên đại diện UNHCR tại Thái Lan làm trưởng đoàn đã trực tiếp thăm hỏi 29 trường hợp hồi hương trên địa bàn Gia Lai. Những gì đoàn công tác của UNHCR chứng kiến về cuộc sống hạnh phúc, sum vầy của người hồi hương trái ngược hoàn toàn với luận điệu xuyên tạc, vu cáo của bọn phản động FULRO cho rằng chính quyền đàn áp, phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số hồi hương. Đoàn công tác cũng đã động viên những người hồi hương yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương mình.
Mỗi người trong số những người hồi hương có một hoàn cảnh riêng, song đều là nạn nhân của bọn phản động FULRO. Hơn ai hết, họ thấm thía sâu sắc những mất mát, đau thương của bản thân, gia đình khi mắc mưu bọn phản động. Đối với họ, bây giờ miền đất hứa không đâu xa mà chính là quê hương, buôn làng mình.
Quốc Thành-Lê Ánh