Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Thống nhất dân tộc là điều tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hơn 10 năm đằng đẵng chiến trường với nhiều vị trí chiến đấu khốc liệt, Nguyễn Văn Thọ đi đến cuối cuộc chiến và được chứng kiến ngày lịch sử 30/4/1975.
Chiến tranh kết thúc, ông trở về đời thường, bôn ba khắp chốn, cuối cùng tìm được bình yên, niềm đam mê bên những trang viết. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể, mỗi dịp 30/4, ông thường ngồi tĩnh lặng trong vườn, bên bàn viết văn, hồi tưởng lại một quãng đời đã qua, để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh cho hòa bình, thống nhất đất nước.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Thế hệ tôi trong vắt, tình yêu lớn nhất là “mối tình” với Tổ quốc
- Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng những ký ức ngày ông nhập ngũ có lẽ vẫn chưa phai. Hồi đó, ông tham gia quân ngũ như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Năm 16 tuổi, tôi vừa tốt nghiệp lớp 10, Mỹ ném bom Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh… Tôi đắn đo về hỏi ý kiến cậu (bố) tôi: “Giờ, nếu con làm công nhân thì đi lái tàu hỏa, hai là con sẽ ghi danh vào học ĐH Bách Khoa học Vật lý lý thuyết, ba là con đi bộ đội vì Mỹ đánh vào miền Bắc nước ta rồi”. Cậu tôi khuyên: “Con nên đi bộ đội vì “giặc đến nhà rồi”.
Tôi nghe lời bố, đi bộ đội. Hồi đó tất cả học sinh hết lớp 10, tuy chưa đủ tuổi đều được động viên tình nguyện đi, nếu không tình nguyện thì về đi học hoặc đi làm. Anh em lớp 10 đến hầu hết đều viết đơn bằng máu tình nguyện đi. Tôi nhập ngũ tháng 7/1965.
Tôi nghĩ, chắc chỉ đánh nhau chút thôi rồi về nhà, nhưng rồi cuộc chiến kéo dài hết năm này sang năm khác, hết cả tuổi xanh tôi.
- Trong quân ngũ, ông tham gia chiến đấu ở đâu, và những trận địa nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi bảo vệ miền Bắc trong hai năm, ở nhiều vị trí của pháo thủ. Khi thấy tôi có năng khiếu văn nghệ, người ta kéo tôi lên sư đoàn khi Mỹ tạm ngưng đánh  bom. Tôi được cử đi học bác sĩ ở Nga, nhưng khi xem lý lịch bố tôi là địa chủ kháng chiến, nên hồ sơ của tôi bị trả về đơn vị.
Trở về đơn vị, tôi rất buồn. Viết thư về cho cậu, nói rằng, trong bộ đội con có tiến bộ rồi, nhưng vì lý lịch nên không tiến xa. Cậu tôi bảo: "Thân tráng sĩ xá chi da ngựa”, tiến thân của con người ta đôi khi không nằm ở cấp bậc, mà phải vì Tổ quốc.
Tôi chiến đấu ở miền Bắc khoảng 300 trận trong suốt hơn 2 năm. Cứ máy bay địch vào đâu thì cao xạ bảo vệ vùng đất ấy. Tất cả những nơi ác liệt nhất đều có mặt đơn vị 37 cao xạ cơ động. Đơn vị bảo vệ khu Cao Xà Lá, Hòa Lạc, bảo vệ ở Quảng Ninh, Hải Dương… chặn địch đánh vào cầu Long Biên tại khu vực Văn Giang là nơi đơn vị tôi hy sinh nhiều nhất.
Có lần tôi vừa được mợ (mẹ) gửi cho chiếc gương, tôi để trong túi áo. Vào một trận đánh ở sân bay Hòa Lạc, quanh tôi, anh em hy sinh, bị thương la liệt. Tôi ngồi ở vị trí số 2, bắn điếc hết cả tai. Chiếc gương mợ tôi gửi vỡ nát, trong túi tôi đầy viên bom bi. Tôi vẫn sống. Tôi nghĩ con người ta có số phận!
Miền Bắc tạm yên, tôi được tham gia B ngắn với bốn chiến dịch. Sau đó, tôi thuộc E.593 (Trung đoàn cao xạ) phối thuộc F 320, Mặt trận Tây Nguyên với cấp hàm Chuẩn úy. Lại tham gia chiến đấu ở Nam Lào và miền Nam. Tôi làm nhiều công việc, khi pháo giải tán thì tôi đi trinh sát, đói quá thì tôi đi gùi hàng… bất kỳ công việc gì tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ.
-Trong những năm tháng chiến đấu ở các chiến trường, kỷ niệm nào khiến ông xúc động, nhớ nhất?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Khi chiến tranh ác liệt, chính trị viên gọi tôi lên bảo tôi phải vào Đảng, tôi bảo lý lịch của tôi xấu lắm, bố tôi là địa chủ. Nhưng chính trị viên (anh Gội người Hà Tây nay còn sống) bảo: “Em là một người dũng cảm, là trung đội trưởng, em cần vào Đảng, Đảng cần người như em”. Tôi không học trường sĩ quan, nhưng khá thạo việc tháo lắp pháo, binh khí, sửa chữa Pháo.
Tôi viết đơn, nội dung rất đơn giản, đại ý tôi là Nguyễn Văn Thọ, muốn vào Đảng để hy sinh vì Tổ quốc. Một số người phản đối vì lý lịch, nhưng anh Gội bảo “đồng chí Thọ phải được kết nạp, vì đồng chí ấy dám chết cho Tổ quốc”. Tôi được kết nạp trong hầm, một lá cờ đỏ bé xíu. Tôi khóc nức nở vì có người tin mình! Từ phút ấy, tôi mãi mãi là Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi nghĩ, cuộc đời chiến đấu của một người lính, tôi đã hoàn thành trong suốt hơn 11 năm. Chúng tôi là một thế hệ trong vắt. Tôi không biết một nụ hôn, tôi không hiểu bàn tay con gái, tất cả khái niệm về tình yêu của tôi thời ấy, trong tôi chỉ có một mối tình, đó là tình yêu lớn của cá nhân tôi với gia đình, bạn bè và cao nhất là đất nước.
-Trong những ngày tháng 4/1975, ông làm nhiệm vụ ở đâu, trong những vị trí nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Lần chuẩn bị đánh Tây Nguyên (ngày 19/3/1975), đại đội trưởng Khai rất tin cậy luôn coi tôi là cánh tay phải. Tôi chức vụ trung đội trưởng, cấp hàm chuẩn úy, nhưng quyền như Đại đội phó tác chiến. Lần ấy tôi đeo băng tang ra trận (Mẹ tôi mất mà lá thư báo tử đi vòng vèo tận ba năm sau mới đến tay tôi).
Đơn vị chúng tôi giải phóng Ban Mê Thuật, rồi đánh Cheo Reo, Phú Bổn. Sau đó về ấp Hố Bò, chuẩn bị tiến vào TP.HCM. Nhìn về phía Bắc, thấy mặt trận Xuân Lộc khốc liệt. C130 thả từng chùm bom lửa, đạn cực nhanh  20 li, 6 nòng  bắn như rắc thóc, địch đánh cả  bom ngạt CPU bộ đội ta hy sinh  nhiều.
Lúc bấy giờ ai cũng biết đây là trận cuối. Trận cuối ai cũng muốn sống. Đêm trước trận đánh, anh Hội - một lính Hà Nội trẻ mới vào chiến trường - nằm trên võng kế bên hỏi tôi: sau chiến tranh, anh Thọ sẽ về đâu? Trở về là điều ai cũng nói. Nhưng anh Hội bảo anh không thể trở về. Anh kể mình có lỗi lớn với anh trai, mà vào chiến trường 2 năm tìm anh trai để thú tội không gặp được. Kể xong câu chuyện, thì mưa lớn, sét đánh qua võng hai chúng tôi nằm, xanh lét, hất tôi ngã xuống đất. Anh Hội bị sét đánh chết. Chiến tranh có những điều vô lý như thế!
Ngày 29/4/1975, Đại đội tôi đánh vào Đồng Dù, tôi được tham mưu trưởng chọn vào đội trinh sát. Phòng lính Mỹ sẽ quay lại, bọn tôi đi theo xe tăng, xe tăng đi đến đâu là lính VNCH dãn ra. Tăng qua, lại ùa ra đánh chúng tôi. Bọn tôi đánh từ Củ Chi tới ngã tư Bảy Hiền. Tới Bảy Hiền là lúc 9h, Dương Văn Minh khi ấy đã đơn phương ngừng chiến.
Ở gần ngã tư Bảy Hiền, một tay sĩ quan ngụy trước đó đã giết hại người của ta, khi quân ta bắt được, hắn bị thương máu ra nhiều. Có anh bức xúc định giết hắn. Tôi đã hạ lệnh tha cho người lính ấy được sống, vì tôi nghĩ, sắp ngưng chiến rồi. Tôi nghĩ chiến tranh đã chấm dứt.
“Hòa bình rồi, tôi cầm khẩu tiểu liên bắn hết băng đạn lên trời”
- Thời điểm lịch sử 30/4 ấy, ông được chứng kiến những gì trên phố phường Sài Gòn?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Quân VNCH lúc đó tìm cách trốn! Chúng tôi ùa vào Sài Gòn. Tôi đến gần sân bay Tân Sơn Nhất đúng lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên sóng phát thanh. Súng đạn, quân tư trang lính VNCH đầy mặt đường. Ở Sài Gòn tôi thấy ba khuôn mặt: Một khuôn mặt ra đường là nhìn các anh giải phóng với sự tò mò, không biết bộ đội giải phóng như thế nào có phải “ Tụi Việt Cộng bám cọng  đu đủ không gãy không?”; một bộ phận nhìn chúng tôi lấm lét, sợ sệt; và nhiều khuôn mặt mừng vui, đó là những người sinh viên, du kích mật, người mặt trận thứ ba, và cả những người căm ghét Mỹ.
Sinh viên ùa ra nhiều lắm. Những nữ sinh mặc áo dài trắng đứng hai bên đường phát bánh mì kẹp dưa chuột và thịt cho chúng tôi. Khi đi lính, tôi 16 tuổi, 10 năm chinh chiến, tôi nào biết con gái, phụ nữ. Một nữ sinh đưa bánh mì, tôi không lấy bánh, mà chìa tay ra: “chào em gái Sài Gòn, tôi là trai Hà Nội đây!”. Trong một tiệm bán thuốc, tôi đọc mấy câu thơ miền Nam, họ ùa ra, cởi mở hơn. Hóa ra họ từ các phòng nách, khe cửa, quan sát ông Việt Cộng. Họ ngạc nghiên hỏi, sao lại biết thơ miền Nam, rồi mời chúng tôi ăn cháo. Một bà má miền Nam cho tôi dăm bao Capstan,  y như câu thơ tôi đã đọc.
Hôm đó tôi lái chiếc xe Jeep, trên xe có hai cậu lính đi cùng, chạy theo xe của trung đoàn. Chúng tôi đi trong Sài Gòn, đi để chấm tọa độ, nơi có thể đặt được pháo, đề phòng Mỹ có thể quay lại. Lúc đó bọn tôi nhận lệnh cấm không bắn vào lực lượng Mỹ, để họ di tản. Nhưng khi ta đã vào trung tâm rồi, thì vẫn phải bảo vệ, đề phòng máy bay Mỹ đánh lại.
Trong lòng Sài Gòn, không phải ai cũng theo chính quyền cộng hòa, mà nhiều người hiểu, yêu bộ đội cụ Hồ.
- 10 năm đằng đẵng chinh chiến, đến ngày cuối của cuộc chiến, cảm xúc của ông ra sao?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Vui mừng, hạnh phúc là điều đương nhiên. Lúc ấy tôi nghĩ: sống rồi! ta sẽ được trở về. Tôi cầm khẩu tiểu liên bắn hết băng đạn lên trên trời.
Nếu như ban ngày hân hoan, thì đêm hôm ấy tôi có chút suy tư. Buổi tối, chúng tôi đã uống bia say, tôi gục trên tay lái, tỉnh dậy đã là 3h sáng. Tôi không ngủ lại được, dù đã 7 đêm không ngủ rồi. Tôi nghĩ: chiến thắng rồi, ta về sẽ làm gì đây? Bố đã về hưu, mẹ đã mất. Ta chỉ quen đi bộ, quen đường rừng, giờ ta làm gì để sống không ăn bám?
Lúc bấy giờ tôi nhớ nhà kinh khủng. Tôi nhớ ngôi nhà với vỉa hè lát đá hoa, tôi hình dung “ông già” sẽ đón mình như thế nào, giàn hoa violet mình trồng còn không, cây bàng mình trồng năm 1960 còn không? Những cô bạn gái cũ của mình đã lấy chồng chưa? Lớp tôi có hơn 10 thằng học sinh miền Nam đã viết thư bằng máu xin vào chiến trường, thằng nào còn, thằng nào mất…
- Ngoài những hoài niệm về ngôi nhà, gia đình, bạn bè trước khi tham chiến, hẳn ông còn những suy tư khác?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Chiến tranh xảy ra, là con trai, chúng tôi lên đường để bảo vệ đất nước. Tất nhiên, chúng tôi đã chịu nhiều cảnh: đau đớn, bệnh tật, mất bạn trên tay mình… và tôi may mắn đi tới phút cuối của cuộc chiến.
Sài Gòn giải phóng như một định mệnh lịch sử. Nó mang lại hân hoan không phải của riêng ai. Một quốc gia muốn mạnh phải toàn vẹn. Mọi sự chia cắt đều làm suy yếu dân tộc. Thống nhất đất nước bằng vũ lực hay bằng điều gì đó đều là tất yếu, không riêng nước nào cả.
Mọi cuộc chiến tranh xảy ra thế nào đi nữa cũng mang lại cái chết thuộc về người đàn ông. Cái chết ấy mang lại đau thương cho đàn bà, phụ nữ, đứa con, và để lại những tiếng khóc. Chiến tranh có ta và địch, nhưng tiếng khóc thì không có ta, có địch, đó là tiếng khóc của những bà mẹ, người vợ, đứa con. Nhiệm vụ của chúng ta làm sao để hòa hợp, hòa bình, để đất nước không còn tiếng khóc của bên này hay bên kia nữa. Phương ngôn có câu cần tôn trọng: Máu đỏ, da vàng.
Trải qua cuộc chiến đẫm máu này, mỗi người phải góp hạt cát để ngăn không cho có bất cứ cuộc chiến nào xảy ra nữa.
- Là người lính hơn 10 năm trong chiến trường, với ông ngày 30/4 hẳn có ý nghĩa đặc biệt? Ông thường làm gì vào ngày này?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Mỗi người có một cách để ăn mừng, ôn lại chuyện cũ, hoặc giải quyết những trăn trở trong lòng mình. Trong ngày 30/4, rất nhiều người tập hợp cựu binh ăn mừng, hoài niệm. Tôi cũng thích tụ bạ, chè chén nhưng vào dịp khác. Tôi dành ngày 30/4 để tưởng niệm. Trận cuối ấy, 5.000 người lính đã không bao giờ trở về, trong đó có bạn thân của tôi, bao đồng đội tôi.
Đó là ngày tôi dành cho sự ngồi tĩnh lặng trong vườn sớm, nhớ lại những khuôn mặt đồng đội đã đi qua đời tôi. Thiền và âm thầm dâng lời cầu nguyện cho đất nước Việt Nam của chúng tôi luôn được hòa bình.
Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
CTV Đỗ Hiền/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm