Cụ thể, tổng doanh số giao dịch trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ đa ngành lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) đạt 318,9 ngàn tỷ đồng (tăng 37,36% so với năm 2023) với 3,42 triệu sản phẩm được bán ra (tăng 50,76% so với năm 2023). Con số này chiếm gần 6,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2024. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người Việt chi khoảng 873,6 tỷ đồng để mua sắm online.
Trong đó, sàn Shopee tăng trưởng 34% về doanh số với thị phần lớn nhất (chiếm 64%). Tiếp theo là sàn TikTok Shop tăng trưởng 121% về doanh số, mở rộng thị phần lên 29%. Trong khi đó, sàn Lazada, Tiki và Sendo ghi nhận tăng trưởng âm 50-54% do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sàn thương mại điện tử khác. Hiện Lazada chỉ còn chiếm 6% thị phần.
![Ảnh: Internet untitled-1330.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a2485fe0fe5f603005c790e044b9701af5b16a39eb3f00e53025e4a6f59b0fc5e65c/untitled-1330.jpg)
Cũng theo Metric, năm 2024 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, trị giá 14.200 tỷ đồng. Điều này cho thấy, người tiêu dùng không còn quá e ngại khi đặt mua sản phẩm từ nước ngoài do hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ thất lạc.
Cùng với đó, các nền tảng cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ khách hàng tốt hơn. Hơn nữa, giá của hàng quốc tế cũng là yếu tố quan trọng, khi nhiều sản phẩm có giá thấp hơn trong nước nhờ chi phí sản xuất thấp.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 của Việt Nam đã vượt 25 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2023), cao hơn dự báo 22 tỷ USD của các công ty Google, Temasek, Bain & Company.