Người miền Trung lên đường ra giúp bà con ở tâm bão Yagi: Trả ân tình những mùa bão lũ trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bão Yagi vừa quét qua, các nhóm thiện nguyện, hội phản ứng nhanh ở Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng… đã sẵn sàng lên đường ra miền Bắc. Đó là cách mà khúc ruột miền Trung bày tỏ lòng biết ơn vì đã nhận được nhiều ân tình của bà con cả nước, trong những trận bão lũ trước đây.

Sau khi bão Yagi quét qua miền Bắc, các hội nhóm thiện nguyện trên MXH đã bàn nhau kế hoạch hỗ trợ những khu vực bị ảnh hưởng lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng...

Ấm lòng hơn, các nhóm tiên phong đều ở khu vực miền Trung như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng...

Trong nhiều cuộc trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện các nhóm cho biết trong các trận bão, lũ lịch sử từng đổ bộ vào miền Trung, bản thân họ và bà con quê nhà đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của đồng bào cả nước. Nên ngay lúc này, mọi người đang đứng ngồi không yên, tha thiết được sớm lên đường để hỗ trợ người dân miền Bắc khắc phục thiệt hại sau bão.

Thành viên nhóm PUN75 đã chuẩn bị vật dụng cần thiết chuẩn bị lên đường

Thành viên nhóm PUN75 đã chuẩn bị vật dụng cần thiết chuẩn bị lên đường

Sẵn sàng lên đường

Trưa ngày 8.9, Hội phản ứng nhanh PUN75 do anh Nguyễn Đình Anh Khoa làm trưởng nhóm mong muốn cùng 100 tình nguyện viên ra miền Bắc hỗ trợ người dân sau bão.

Anh Khoa cho biết: "Rút kinh nghiệm từ những đợt bão, lũ gây thiệt hại lớn ở Huế, khi đoàn hỗ trợ 2 miền Bắc – Nam ra tới nơi thì lực lượng địa phương đã dọn dẹp gần xong. Vì thế, dù rất muốn ra miền Bắc hỗ trợ ngay nhưng cả nhóm vẫn chờ để hỏi thăm tình hình, từ đó có kế hoạch phù hợp".

Sau khi nhận được thông tin Quảng Ninh, Hải Phòng "tan hoang sau bão", rất cần một lực lượng nhân sự lớn để dựng lại nhà cửa, dọn dẹp đường phố, đặc biệt là trường học… nhóm quyết định lên đường.

"Chiều nay, tôi và một số thành viên trong nhóm sẽ ra Hải Phòng, Quảng Ninh tiền trạm. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hỗ trợ vé khứ hồi cho 100 tình nguyện viên thẳng tiến Hải Phòng trong ngày mai với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Đồng thời, nhóm cũng liên hệ và sẽ phối hợp với tỉnh đoàn các tỉnh để hỗ trợ bà con một cách tốt nhất", anh Khoa nói.

Hội phản ứng nhanh được thành lập từ đợt dịch Covid -19 đến nay vẫn còn hoạt động hỗ trợ bà con địa phương

Hội phản ứng nhanh được thành lập từ đợt dịch Covid -19 đến nay vẫn còn hoạt động hỗ trợ bà con địa phương

Với kinh nghiệm "phản ứng nhanh" từ đợt dịch Covid - 19, PUN75 đã huy động sẵn nhân sự trong nhóm và lực lượng tình nguyện bên ngoài bằng cách liên kết với các trường đại học, tỉnh đoàn. Các xe ô tô cá nhân đã có, thành viên nhóm đã chuẩn bị cưa máy, găng tay, bao rác, máy xịt khử trùng...

Song song với việc di chuyển ra miền Bắc, nhóm cũng huy động kinh phí từ người dân Thừa Thiên Huế góp vào quỹ chung, sau đó mang ra trực tiếp để hỗ trợ hoặc chuyển vào tài khoản của MTTQ 2 tỉnh bạn.

Nhóm của chị Trà chèo ghe đưa nhu yếu phẩm của bà con cả nước đến tay người dân Quảng Bình bị cô lập trong trận lũ lớn, năm 2021

Nhóm của chị Trà chèo ghe đưa nhu yếu phẩm của bà con cả nước đến tay người dân Quảng Bình bị cô lập trong trận lũ lớn, năm 2021

Tại Quảng Bình, cũng trong buổi sáng, nhóm thiện nguyện Từ bi hỉ xả của chị Nguyễn Thị Phương Trà cho biết, với kinh nghiệm gần 10 năm hỗ trợ người dân sau bão, lũ, nhóm đã bàn nhau kế hoạch hỗ trợ.

Hiện tại, chị Trà đang kết nối với các hội nhóm ở Quảng Ninh, Hải Phòng nắm tình hình. "Bão quét qua nhưng không gây lũ lụt hay chia cắt giao thông như ở miền Trung nên chúng tôi không tính đến phương án tặng nhu yếu phẩm. Nhóm sẽ vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mặt, mua mái tôn cho người dân vùng bão", chị Trà cho hay.

Còn ở Đà Nẵng, anh Phạm Quốc Huy, trưởng CLB Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Hương Lam cũng đang bàn với các thành viên kế hoạch giúp đỡ người dân sau bão. Quê của anh Huy ở Quảng Ninh, những ngày qua vẫn luôn theo dõi tình hình bão Yagi. Bão tan, anh Huy đã liên hệ với Hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh và đang lên phương án hỗ trợ mọi người.

'Trả nợ ân tình với bà con cả nước'

Trong khi đó, một câu chuyện kêu gọi giúp nhau cảm động sau siêu bão Yagi trên MXH khác cũng được nhiều người quan tâm. Đó là nội dung đoạn tin nhắn của chị Phan Thị Thìn được tài khoản FB Huy Nguyễn đăng tải.

Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, chị Thìn cho biết bản thân sinh ra và lớn lên tại xã Cao Quảng, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình. Nơi đây là một xã miền núi, nằm thu nhỏ giữa những ngọn núi bao quanh. Do đó, hằng năm những trận lũ cứ lần lượt kéo tới, quét đi tất cả những gì bà con đã gầy dựng.

Trong những lần bão lũ trước đây, chị Thìn nhớ nhất là thời điểm năm 2016. Lúc ấy, gia đình chị rất khó khăn, căn nhà cấp 4 yếu ớt bị tốc mái, không chống chọi nổi với cơn bão lớn. Trong khi đó, chị lại mới sinh đứa con thứ 3, gia đình đã khó khăn thì gần như kiệt quệ vì bão lũ.

Lúc khó khăn cùng cực đó, chị cảm thấy bản thân quá may mắn khi được sự giúp đỡ từ bà con miền Nam và Bắc với nhiều quà tặng vật dụng thiết yếu. "Tôi nhận được áo quần cũ, gạo, tiền, sách vở cho các con và các nhu yếu phẩm khác. Mỗi món quà nhận được tôi đều trân trọng và cất giữ trong trái tim", chị Thìn nói đầy xúc động.

Cùng thời điểm, chị Thìn cũng được đoàn công tác của Báo Thanh Niên đến thăm và hỗ trợ. Lúc đó chị Vũ Phương Thảo, nguyên Trưởng văn phòng đại diện Báo Thanh Niên – khu vực Duyên hải miền Trung trao tặng số tiền 5 triệu đồng từ đóng góp của bạn đọc trao cho chị Thìn để sửa lại ngôi nhà bị tốc mái. Điều này làm chị Thìn cảm động và khắc ghi đến tận hôm nay.

Hình ảnh chị Thìn (áo xanh) được đoàn công tác của Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên - khu vực Duyên hải miền Trung thăm và trao tặng tiền năm 2016 làm chị nhớ mãi

Hình ảnh chị Thìn (áo xanh) được đoàn công tác của Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên - khu vực Duyên hải miền Trung thăm và trao tặng tiền năm 2016 làm chị nhớ mãi

"Sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên tôi cảm nhận được những vất vả của bà con quê mình. Từ khi nhận được những tình cảm của bà con khắp mọi miền, mơ ước được thoát nghèo với bao nhiêu năm cố gắng của tôi đã trở thành hiện thực. Do vậy, tôi muốn làm gì đó để trả món nợ ân tình với bà con cả nước. Lần này miền Bắc đang gặp bão lớn, bản thân tôi và bà con xã Cao Quảng muốn gửi gắm tình yêu thương cho bà con ngoài đó", chị Thìn chia sẻ.

Sau khi đọc thông tin bão Yagi gây thiệt hại lớn, chị Thìn lại nhớ đến tình yêu thương của bà con với từng chiếc áo quần được xếp thật kỹ và rất thơm tho khi xưa. Cho nên, chị đã bàn với chồng là anh Trương Huy Sơn sẽ làm gì đó để giúp đỡ lại bà con miền Bắc.

Anh Sơn cho biết hiện tại anh và vợ đang chờ tình hình ổn định, những nơi nào khó khăn để có phương án giúp đỡ. Trước mắt anh và vợ rất sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng người dân xã Cao Quảng, H.Tuyên Hóa cùng chung tay đóng góp tiền, vật lực để giúp đỡ lại bà con miền Bắc.

Theo Phan Diệp - Phạm Hữu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

(GLO)- Chỉ sau hơn 2 tuần hoạt động, "Bếp ăn 0 đồng" bên hông Bệnh viện Nhi Gia Lai của đôi bạn thân Phạm Thị Diễm và Huỳnh Thị Trúc Lâm đã trở thành nơi sẻ chia yêu thương và mang lại những suất cơm miễn phí giúp ấm lòng những người bệnh và gia đình khó khăn.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

(GLO)- Ngày 28-10, Chương trình “Phòng Tin học cho em” do Trung tâm tình nguyện Quốc gia (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh tặng 1 “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh).