Bão số 3 khiến mực nước sông Mekong tăng mạnh, lũ đạt đỉnh vào tháng 10

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tính đến cuối tuần này, mực nước sông Mekong vẫn thấp do các thủy điện tăng cường tích nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) nên trong 1 - 2 tuần tới, mực nước sông tăng mạnh, đỉnh lũ có thể xuất hiện vào tháng 10.

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong), hiện tại, các con đập thủy điện thượng nguồn vẫn tiếp tục tích cực tích trữ một lượng lớn nước. Tuần qua, lượng nước tích trữ tổng cộng của các con đập vẫn trên 1,3 tỉ m3; trong đó đáng chú ý đập Nọa Trát Độ (Trung Quốc) và Nam Ngum 1 (Lào) đều trên 300 triệu m3. Những hoạt động tích nước này gây tác động nghiêm trọng đối với ngành thủy sản và sản lượng nông nghiệp trên sông Mekong, vốn phụ thuộc vào mực nước sông dâng cao trong suốt mùa mưa. Tuy nhiên, mực nước sông Mekong có thể cải thiện trong những tuần tới do ảnh hưởng của bão số 3.

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long vẫn ở mức thấp so với trung bình nhiều năm

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long vẫn ở mức thấp so với trung bình nhiều năm

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Tuần qua mực nước trên các trạm hạ lưu sông Mekong có xu thế tăng. Ngày 5.9, tại Kratie mực nước đạt mức 18,13m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,58m nhưng cao hơn năm 2023 là 1,64m. Còn tại Biển Hồ, mực nước đạt 5,72m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 1,07m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,59m.

Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, ngày 4.9, mực nước tại Tân Châu đạt 2,41m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,76m và thấp hơn năm 2023 là 0,03m. Tại Châu Đốc, mực nước đạt 2,36m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,43m và thấp hơn năm 2023 là 0,06m.

Trong tuần tới, lượng mưa trên khu vực hạ lưu sông Mekong dự báo ở mức khá cao và có xu thế tăng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Yếu tố này sẽ giúp nước nước trên dòng chính sông Mekong và vùng đầu nguồn sông Cửu Long tăng mạnh trong tuần tới. Trên vùng ĐBSCL lượng mưa trung bình phổ biến từ 50 - 80mm.

SIWRP dự báo từ nay đến cuối năm, La Nina sẽ xuất hiện. Đặc biệt, trong tháng 2 tháng cuối mùa lũ là tháng 10 và 11, trên Biển Đông có khả năng tiếp tục xảy ra bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên lưu vực sông Mekong và vùng ĐBSCL, khiến đến mực nước sông tăng nhanh. Bên cạnh đó, tuy lũ thấp nhưng triều cường có xu hướng tăng và gây ngập úng ở vùng trũng thấp khu vực ven biển và vùng giữa của ĐBSCL.

MDM cũng có chung nhận định, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn trên khu vực thượng Lào khiến một dòng nước lớn ở thượng nguồn sông Mekong đang đổ vào Campuchia. Điều này khiến cho diện tích ngập lũ sẽ được mở rộng thêm trong những tuần tới. Trong ba năm qua, nhịp lũ của sông Mekong thường đạt đỉnh vào tháng 10 và khả năng năm 2024 cũng vậy.

Theo Chí Nhân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bão Trà Mi gây mưa lớn hơn bão YAGI

Bão Trà Mi gây mưa lớn hơn bão YAGI

Tính đến sáng nay (29/10), lượng mưa do bão Trà Mi gây ra ở một số nơi tại Quảng Bình - Quảng Trị lên tới 700-900mm, riêng hồ Sông Thai (Quảng Bình) trên 1000mm, cao hơn nhiều so với lượng mưa do bão YAGI gây ra tại Hà Giang, Yên Bái và Hoà Bình.