Nghĩa cử mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay sau khi trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện các trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, cả hệ thống chính trị cùng với người dân chung sức, đồng lòng chống dịch. Với nghĩa cử cao đẹp, nhiều tổ chức, cá nhân đã góp công sức, tiền của và nhu yếu phẩm để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và người dân trong khu vực có dịch.
Không ngại hiểm nguy
Từ khi phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) có ca dương tính với SARS-CoV-2, những người thuộc đối tượng F1, F2 buộc phải cách ly tập trung và hàng trăm người phải cách ly tại nhà. Địa bàn phường Cheo Reo cũng phải phong tỏa tạm thời. Để làm tốt công tác phòng-chống dịch, lực lượng Công an, dân quân tự vệ, thanh niên, phụ nữ, nông dân… tham gia bảo đảm an ninh, an toàn ở 6 điểm chốt chặn.
Trong số 8 cán bộ, chiến sĩ tham gia trực chốt trên quốc lộ 25 (đoạn giáp ranh giữa huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa), chị Nguyễn Thị Thu Hà-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường là trường hợp khá đặc biệt. Chồng chị làm việc trong lực lượng Công an nên cũng vắng nhà làm nhiệm vụ, con nhỏ gần 1 tuổi phải gửi ông bà ngoại chăm sóc. Tuy vậy, chị Hà luôn xác định bám chốt, bám địa bàn, không lơ là, chủ quan.
Chị chia sẻ: “Dịch đang diễn biến phức tạp, các y-bác sĩ nơi tuyến đầu mới là người vất vả nhất. Dù có khó khăn như thế nào thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng để giúp bà con yên tâm, góp phần ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch”.
Tình nguyện viên trao các suất cơm cho người dân đang cách ly tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa. Ảnh: Phan Lài
Tình nguyện viên trao các suất cơm cho người dân đang cách ly tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa. Ảnh: Phan Lài
Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa đang cách ly tập trung 162 người. Để hỗ trợ các y-bác sĩ và lực lượng quân đội làm nhiệm vụ tại đây, anh Rmah Ksor Samy-Bí thư Chi Đoàn buôn Ama Rin 1 (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cùng với 5 đoàn viên, thanh niên xung phong vào khu cách ly tập trung để tham gia chống dịch. Hiện công việc chính của anh Rmah Ksor Samy là hỗ trợ nấu ăn, tiếp nhận nhu yếu phẩm và phân phát cho người dân ở khu cách ly. “Mình chỉ muốn góp một chút công sức để sớm đẩy lùi dịch bệnh”-anh Rmah Ksor Samy chia sẻ.
Đồng lòng chống dịch
Ngay sau khi ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sáng 2-2, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Diên Hồng (TP. Pleiku) triển khai nấu 100 suất cơm trưa để phục vụ cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân đang bị cách ly tại đây.
Trực tiếp làm đầu bếp, bà Hồ Thị Thủy cho biết: “Gia đình tôi bán cơm tại khu vực bến xe chợ nhỏ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khách ghé ăn ít hơn trước. Sẵn dụng cụ nấu nướng nên khi Hội Liên hiệp Phụ nữ phường kêu gọi, tôi hưởng ứng ngay. Người ta có sức khỏe thì làm nhiệm vụ trực gác, còn mình biết nấu ăn cũng muốn đóng góp một chút công sức, mỗi người một tay chắc chắn dịch sẽ nhanh chóng được đẩy lùi”.
Theo bà Hồ Thị Ánh-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Diên Hồng, kinh phí để nấu 200 suất ăn/ngày (bắt đầu từ ngày 2-2) do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hỗ trợ. Hiện tại, hội viên, phụ nữ trong phường cũng đang tích cực vận động, đóng góp để tiếp tục duy trì hoạt động này.
rau xanh là thứ không thể thiếu trong mỗi suất cơm phục vụ cán bộ, nhân viên y tế, người dân đang phong tỏa trong Bệnh viện, ảnh P.Dung
Rau xanh là thứ không thể thiếu trong mỗi suất cơm phục vụ cán bộ, nhân viên y tế, người dân đang cách ly trong bệnh viện. Ảnh: Phương Dung
Trao đổi thêm về việc phục vụ các suất cơm, bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Pleiku-chia sẻ: Để đảm bảo bữa ăn cho cán bộ, nhân viên y tế và người dân trong khu cách ly, Hội kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. “Chúng tôi huy động khoảng 10 hội viên, phụ nữ đảm nhận việc nấu nướng tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Riêng ngày 4-2, Hội đã cung cấp 2.000 suất ăn”-bà Vân cho hay.
Những ngày qua, người dân phường Cheo Reo cũng bằng nhiều việc làm cụ thể nhằm cổ vũ tinh thần cho lực lượng tại chốt kiểm soát dịch. Dù là những ly cà phê, nước uống, ổ bánh mì, hộp xôi, suất cháo song tất cả đều thể hiện sự sẻ chia, ấm áp nghĩa tình. Gia đình không nằm ở khu vực bị phong tỏa, ngày nào chị Nguyễn Huỳnh Nhung (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cũng mua đồ ăn sáng, hỗ trợ nước uống cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám chốt ở phường Cheo Reo.
“Thấy cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình, trách nhiệm, chúng tôi rất an tâm. Họ phải túc trực 24/24 giờ vất vả, tôi hỗ trợ thức ăn, nước uống với mong muốn tiếp sức, cổ vũ. Với sự cố gắng của mọi người, tôi tin tưởng chúng ta sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh”-chị Nhung chia sẻ.
PHƯƠNG DUNG- PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.