Ngân vang tiếng cồng chiêng ở Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Năm học 2023-2024, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) có 5 lớp với 150 học sinh, trong đó hơn 90% học sinh người Bahnar. Thời gian qua, nhà trường đã duy trì, phát triển hoạt động của đội cồng chiêng, thông qua đó bồi đắp cho học sinh tình yêu văn hóa của dân tộc.
Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ đã duy trì, phát triển đội cồng chiêng. Ảnh: Ngọc Minh

Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ đã duy trì, phát triển đội cồng chiêng. Ảnh: Ngọc Minh

Thầy Hồ Quốc Văn-giáo viên Giáo dục thể chất cho biết: Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ thành lập năm 2006. Khi đó, ngoài học sinh ở huyện Đak Pơ còn có một số học sinh ở các làng của thị xã An Khê theo học. Sẵn nhà trường có bộ cồng chiêng, sau giờ học trên lớp, số học sinh ở thị xã An Khê biết đánh cồng chiêng đã đem ra đánh và hướng dẫn kỹ thuật trình diễn cồng chiêng cho những bạn yêu thích, đam mê cồng chiêng. Sau đó, nhà trường đã thành lập đội cồng chiêng. Đến nay, đội cồng chiêng có 45 học sinh thuộc các lớp từ khối 6 đến khối 9; trong đó có 20 học sinh nữ múa xoang, còn lại 25 học sinh nam đảm nhiệm đánh trống, đánh cồng chiêng.

"Năm 2018, được huyện Đak Pơ quan tâm, ngành văn hóa mời nghệ nhân về trường truyền dạy cồng chiêng cho tất cả các học sinh nam. Trong thời gian 2 tháng, hàng ngày, từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút, học sinh được các nghệ nhân dạy những kỹ năng cơ bản về cách cầm dùi, đánh cồng chiêng, nắm được giai điệu và diễn tấu cồng chiêng. Học sinh nữ được thầy cô dạy múa xoang để các tiết mục biểu diễn cồng chiêng thêm hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên"-thầy Văn chia sẻ.

Đến nay, đội cồng chiêng của Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ có 45 học sinh thuộc các lớp từ khối 6 đến khối 9 tham gia. Ảnh: Ngọc Minh

Đến nay, đội cồng chiêng của Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ có 45 học sinh thuộc các lớp từ khối 6 đến khối 9 tham gia. Ảnh: Ngọc Minh

Cũng từ năm 2018 đến nay, việc truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ được thực hiện theo cách thức học sinh lớp trước dạy cho các em lớp sau. Để tạo điều kiện cho học sinh trong đội cồng chiêng có nhạc cụ luyện tập, nâng cao kỹ năng diễn tấu, năm 2021, nhà trường đã đầu tư mua bộ cồng chiêng mới thay bộ cồng chiêng cũ đã hư hỏng.

“Với sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường và nỗ lực học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm diễn tấu cồng chiêng của những học sinh lớp trước cho các em lớp sau, những năm qua, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn vang vọng dưới mái trường và là một phần không thể thiếu tại lễ khai giảng, tổng kết năm học, giao lưu văn hóa, văn nghệ của nhà trường. Điều này đã nhân lên tình yêu, niềm tự hào với văn hóa dân tộc cho các em học sinh”-thầy Văn cho biết.

Các em học sinh đội cồng chiêng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ chăm chỉ luyện tập, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật đánh cồng chiêng cho nhau. Ảnh: Ngọc Minh

Các em học sinh đội cồng chiêng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ chăm chỉ luyện tập, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật đánh cồng chiêng cho nhau. Ảnh: Ngọc Minh

Em Lô Minh Trí (học sinh lớp 9) bộc bạch: Ba em là người dân tộc Tày, mẹ là người Bahnar. Từ nhỏ thấy ông ngoại, các chú, các bác diễn tấu cồng chiêng, em đã ước mơ sau này trở thành nghệ nhân cồng chiêng. Khi vào lớp 6, biết nhà trường có đội cồng chiêng, em đã đăng ký tham gia. Được thầy cô, anh chị trong đội tận tình hướng dẫn, nay em đã đánh thuần thục nhiều bài chiêng hay như mừng nhà rông mới, lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới.

“Sau nhiều năm tham gia hầu hết các tiết mục diễn tấu cồng chiêng tại các buổi sinh hoạt đội, lễ, Tết do nhà trường tổ chức, em đã đúc rút được chút kinh nghiệm, kỹ thuật trình diễn cồng chiêng. Em đã chia sẻ, hướng dẫn cho các bạn, các em trong đội những gì mình học hỏi được. Em mong đội cồng chiêng ngày càng phát triển, có nhiều người tham gia để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang”-em Trí bày tỏ.

Em Lô Minh Trí (bìa trái, lớp 9) hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho em Đinh Sơn Thái (lớp 6). Ảnh: Ngọc Minh

Em Lô Minh Trí (bìa trái, lớp 9) hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho em Đinh Sơn Thái (lớp 6). Ảnh: Ngọc Minh

Còn em Đinh Sơn Thái (học sinh lớp 6) hồ hởi nói: “Tham gia đội cồng chiêng đã giúp em nhanh chóng làm quen với môi trường, bạn bè, thầy cô mới. Sau thời gian học trên lớp, chúng em thường rủ nhau xuống hội trường luyện tập cồng chiêng. Hơn 5 tháng tham gia đội cồng chiêng, nhờ anh chị tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, em đã học hỏi được một số kiến thức, kỹ thuật trình diễn cồng chiêng. Em sẽ chăm chỉ luyện tập để đánh được những bài chiêng hay, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Trao đổi với P.V, thầy Lê Đình Đức-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ cho hay: Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo đời sống vật chất cho học sinh, thời gian qua, nhà trường thường lồng ghép những thông tin, nội dung liên quan đến văn hóa truyền thống của người bản địa vào tiết học; duy trì hoạt động của đội cồng chiêng, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

“Những năm tới, để nâng cao chất lượng đội cồng chiêng, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho học sinh để các em có cơ hội học tập, nâng cao kỹ năng và sẽ trở thành hạt nhân lan tỏa tình yêu di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận đến cộng đồng buôn làng”-thầy Thức chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

“Bước chạy đà” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

“Bước chạy đà” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

(GLO)- Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh cũng như tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, đúng quy chế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai đã chú trọng tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác thi. Đây được xem như “bước chạy đà” quan trọng trước kỳ thi.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

(GLO)- Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS toàn tỉnh Gia Lai năm học 2023-2024 đã bế mạc vào sáng 23-4. Không chỉ tạo cơ hội cho giáo viên khẳng định năng lực chuyên môn, hội thi còn là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt-học tốt.
“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

(GLO)- Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cùng gia đình các em học sinh vừa tạo nên ngày hội thấm đẫm phong vị văn hóa các dân tộc. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc giúp học sinh đến gần hơn với di sản.