“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về các đảm bảo an ninh cho quốc gia hiện được gọi là Ukraine, cũng như các khu vực của quốc gia đó vẫn chưa xác định được tình trạng, khác với Crimea, Donbass và Novorossiya” - ông Lavrov nói.
Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và sáp nhập 4 tỉnh miền đông Ukraine vào năm 2022.
Trong cuộc họp báo, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định: "Nga không tập trung vào lãnh thổ (Ukraine) mà tập trung vào những người đã sống trên vùng đất này trong nhiều thế kỷ, canh tác, xây dựng thành phố, nhà máy và cảng biển".
Ông Lavrov cáo buộc chính quyền ở Ukraine đã phát động một cuộc tấn công toàn diện chống lại mọi thứ của Nga, "mọi thứ trong nhiều thế kỷ đã định hình nên nền văn hóa của vùng đất này".
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga khẳng định, Moscow sẵn sàng tham gia thảo luận về bảo đảm an ninh cho Ukraine, với khuôn khổ Á-Âu đóng vai trò then chốt.
“Bối cảnh Á-Âu sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán này, bởi vì phần phía tây của lục địa không thể tách rời khỏi các cường quốc như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Vịnh Ba Tư và toàn bộ khu vực Đông Nam Á với hàng trăm triệu người, còn có cả Bangladesh và Pakistan” - ông Lavrov lưu ý.
Tuy nhiên, theo ông, cũng cần vô hiệu hóa cả các mối đe dọa ở sườn phía Tây, dọc theo biên giới Nga, vì "chúng đại diện cho một trong những nguyên nhân gốc rễ chính của cuộc xung đột", và những đe dọa này chỉ có thể được giải quyết thông qua các thỏa thuận toàn diện.
Cũng trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga đã đề cập cuộc điện đàm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/11 năm ngoái, gần 2 năm kể từ cuộc điện đàm gần nhất.
Theo ông Lavrov, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Đức chỉ nhắc lại những điều ông đã từng công khai trước đó là yêu cầu Nga phải rút quân khỏi Ukraine mà "không có một lời nào về nguyên nhân gốc rễ, về tiếng Nga, về quyền của người Nga".
Cũng trong bài phát biểu ngày 14/1, ông Lavrov cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực gây ra nhiều vấn đề cho Tổng thống đắc cử Donald Trump trước khi ông Trump vào Nhà Trắng.
“Đảng Dân chủ luôn có cách làm như vậy trong chính trị Mỹ, phá hỏng mọi thứ cho chính quyền kế nhiệm trước khi đảng này kết thúc nhiệm kỳ” - theo ông Lavrov.
Ông Lavrov lưu ý rằng điều tương tự đã xảy ra trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump khi Tổng thống Barack Obama “trục xuất 120 nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ và tịch thu 5 khu bất động sản ngoại giao của Nga” chỉ ba tuần trước lễ nhậm chức của người kế nhiệm.
“Toàn bộ sự việc này không giúp ích gì cho quan hệ Nga-Mỹ vào năm 2017” - ngoại trưởng Nga nói thêm.
Đề cập một cuộc gặp tiềm năng giữa các tổng thống Nga và Mỹ, theo nhà ngoại giao kỳ cựu, sự quan tâm đối với những diễn biến xung quanh sự kiện này xuất phát từ vai trò của Moscow trong hệ thống an ninh châu Âu. Có nhiều quốc gia đã "ngỏ ý" cung cấp địa điểm cho các cuộc đàm phán, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Belarus yêu cầu tính đến lợi ích của nước này.