Năng lượng tái tạo hút vốn tín dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc rót vốn cho lĩnh vực này. 
Ngoài gần 1.000 tỷ đồng cho 3 dự án thủy điện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Đông Gia Lai (Agribank Đông Gia Lai) đang đầu tư 50 tỷ đồng cho 7 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 5 MW tại Khu Công nghiệp Trà Đa và Cụm Công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku). Nếu như các dự án thủy điện đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn chỉ trong khoảng 12-15 năm thì các dự án điện mặt trời áp mái cũng thể hiện rõ ưu điểm nhanh gọn trong xây dựng và thu hồi vốn. “Thời gian thi công dự án điện mặt trời kết hợp nhà xưởng rất ngắn, chủ đầu tư vừa có điện phục vụ nhu cầu sản xuất vừa có thể bán điện lên lưới. Đối với ngân hàng, chúng tôi vừa đầu tư vốn, vừa kiểm soát được dòng tiền đổ về”-ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai bày tỏ. Được biết, Agribank Đông Gia Lai cũng đang tiếp cận với một số dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Đồng thời, Chi nhánh cũng rất thận trọng cân nhắc, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, năng lực quản trị chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương-Chi nhánh Gia Lai (Vietcombank Gia Lai) cũng đã mạnh tay rót hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án thủy điện, điện mặt trời. Đơn cử như Dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (69 MWp) với tổng mức đầu tư 1.031 tỷ đồng, trong đó, giá trị cấp tín dụng là 870 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện gió Ia Bang 1 (50 MW) với tổng mức đầu tư 1.954 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn tín dụng tài trợ là 1.560 tỷ đồng dự kiến giải ngân trong năm 2021.
Vietcombank Gia Lai tài trợ vốn tín dụng lên đến 1.560 tỷ đồng cho Dự án Nhà máy Điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông). Ảnh: Sơn Ca
Vietcombank Gia Lai tài trợ vốn tín dụng lên đến 1.560 tỷ đồng cho Dự án Nhà máy Điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông). Ảnh: Sơn Ca
Mặc dù là “tân binh” trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo, song SHB Gia Lai cũng đã kịp rót 300 tỷ đồng cho Dự án thủy điện Krông Pa 2 với công suất 15 MW. Sau gần 2 năm thi công, dự án này đã đi vào hoạt động từ tháng 11-2018, doanh thu năm 2020 đạt 72 tỷ đồng. Tiếp nối thành công của dự án thủy điện, SHB Gia Lai đang tiếp tục mạnh tay đầu tư cho Dự án Nhà máy Phong điện Yang Trung (huyện Kông Chro) với công suất 145 MW, tổng mức đầu tư 6.246 tỷ đồng, riêng nguồn vốn tín dụng là 5.000 tỷ đồng. Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-nhận định: “Tổng mức đầu tư tín dụng, nguồn vốn thu xếp cho Dự án rất lớn. Do đó, chúng tôi rất thận trọng từ bước tiếp cận Dự án, thẩm định năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm của chủ đầu tư đến khâu lựa chọn thiết bị, nhà thầu thi công, theo sát tiến độ để giải ngân kịp thời. Chúng tôi tin tưởng rằng Dự án sẽ sớm đi vào vận hành theo kế hoạch trong năm nay”. Từ thực tế đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, áp lực lớn nhất của khối ngân hàng thương mại cổ phần vẫn là nguồn vốn tốt để cho vay trung dài hạn. Tuy nhiên, thông qua các đầu mối, SHB Gia Lai đã thu xếp được nguồn vốn hỗ trợ kéo mặt bằng lãi suất ngang bằng các ngân hàng khác để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư hấp dẫn hiện nay.  
Ông Nguyễn Hữu Nghị-Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai-khẳng định: “Năng lượng tái tạo là một trong số ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng nhằm góp phần thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái”. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư lẫn tốc độ tăng trưởng tín dụng năng lượng tái tạo đang có xu hướng tăng khá nhanh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng lưu ý các chi nhánh ngân hàng thương mại cần tiếp tục bám sát các danh mục dự án, lĩnh vực kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh để tiếp tục đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, các chi nhánh cần thận trọng nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo đầu tư tín dụng an toàn và hiệu quả.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm