Gia Lai kỳ vọng tăng thu ngân sách từ lĩnh vực năng lượng tái tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo không những mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp này mà còn tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương theo hướng bền vững.

Vài năm trở lại đây, Gia Lai được ví như thủ phủ mới của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo bởi làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào hàng loạt dự án thủy điện, phong điện, điện mặt trời. Đến nay, Gia Lai đã có 2 nhà máy điện mặt trời với công suất 84 MWp đang vận hành tại huyện Krông Pa.

Toàn tỉnh có 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư hơn 43.442 tỷ đồng đã bổ sung vào quy hoạch và được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện đã có 11/17 dự án với tổng công suất 692,4 MW được thẩm định xong thiết kế cơ sở, chuẩn bị thiết kế kỹ thuật thi công, dự kiến trong năm 2021 sẽ đưa vào vận hành thương mại.

Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách tỉnh. Ảnh: Đức Mạo
Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách tỉnh. Ảnh: Đức Mạo

Theo dự tính, 1 MWp sẽ mang lại trên 200 triệu đồng tiền thuế. Nếu khai thác triệt để tiềm năng kinh tế từ lĩnh vực này sẽ mang lại hiệu quả cực kỳ lớn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cho rằng: “Để tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước, ngành Tài chính, Cục Thuế cần tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến, nhất là năng lượng tái tạo. Nếu không có gì thay đổi thì khả năng tỉnh ta sẽ có bước tăng trưởng thu ngân sách rất lớn”.   

Hiện tại, 3 dự án phong điện đã đặt hàng thiết bị để đưa về Gia Lai, dự kiến tháng 11-2021 sẽ hoàn thành việc lắp đặt và đi vào vận hành. Nếu cơ quan Hải quan khai thác được nguồn thu từ hàng hóa thiết bị nhập khẩu thì khả năng số thu ngân sách sẽ tăng rất mạnh trong năm nay. Trên thực tế, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, khoản thu ngân sách do Hải quan thực hiện là 6,7 tỷ đồng, đạt 54,8% dự toán Trung ương và tỉnh giao, tăng 456,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Vũ Lê Quân-Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum-cho hay: “Hai năm gần đây, kim ngạch xuất-nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh giảm rất nhiều. Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã khảo sát, đánh giá và làm việc với các doanh nghiệp, qua đó, một số nhà đầu tư lớn đã đồng ý sẽ đưa hàng hóa qua Cửa khẩu, trong đó có nhập thiết bị để triển khai các dự án phong điện. Năm nay, dự kiến khoản thu ngân sách do Hải quan thực hiện khoảng 120 tỷ đồng, vượt rất cao so với dự toán giao”.

Trong cơ cấu nguồn thu nội địa hiện nay, thu ngân sách từ lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là thủy điện hiện chiếm tới 10%/tổng thu cân đối ngân sách của tỉnh. Khoản thu này được đánh giá rất quan trọng, khi tăng hoặc giảm đều có khả năng tác động rất lớn đến tổng thu. Do đó, khi tỉnh thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thì khả năng tăng trưởng nguồn thu bền vững từ lĩnh vực này là điều tất yếu trong tương lai không xa. 

Ông Nguyễn Văn Thuần-Trưởng phòng Thanh tra Kiểm tra số 2 (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Đơn vị đang quản lý về nguồn thu ngân sách nhà nước 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất 84 MWp gồm Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa và Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLICOGI 16.

“Khi Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa chính thức đi vào hoạt động năm 2019, doanh thu đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm, số thuế giá trị gia tăng phát sinh (10%) khoảng 20 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, số thuế giá trị gia tăng này lại đang trong giai đoạn hạch toán khấu trừ đầu vào. Cho đến tháng 11 và 12-2020, số thuế giá trị gia tăng phát sinh dương (+)  thì mới bắt đầu thu thuế được 10 tỷ đồng.

Đối với Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLICOGI 16, doanh thu khoảng 48 tỷ đồng/năm, số thuế phát sinh khoảng 4,5 tỷ đồng/năm. Năm 2020, dự án này đã nộp 4,5 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng cho ngân sách”-ông Thuần thông tin.  

Trong bối cảnh nguồn thu từ nền kinh tế địa phương còn hạn chế, một số doanh nghiệp lớn đang trong giai đoạn khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng thu ngân sách là thử thách rất lớn. Ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: “Muốn có sự đột phá, tăng trưởng thu ngân sách thì phải khai thác nguồn thu từ hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện nay, 2 lĩnh vực giàu tiềm năng và là thế mạnh của tỉnh là phát triển năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu”.

Để khai thác kịp thời nguồn thu trước mắt, đồng thời hướng đến mục tiêu khai thác nguồn thu lâu dài từ lĩnh vực năng lượng tái tạo, Cục Thuế tỉnh chủ động cập nhật tình hình, tiến độ triển khai các dự án để xây dựng, tính toán cơ sở nguồn thu. Trước mắt, tập trung thực hiện khoản thu nội địa từ hoạt động xây dựng công trình của nhà thầu.

“Theo quy định, các dự án năng lượng tái tạo triển khai tại địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi trong khoảng thời gian nhất định. Mặc dù nguồn thu từ lĩnh vực này chưa phát sinh mạnh trong năm nay nhưng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong cơ cấu thu cân đối của tỉnh vì doanh thu, lợi nhuận rất lớn”-ông Nhựt nhận định.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm