Một thời cơm độn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơm độn khoai, mì, bắp vốn là món ăn của những gia đình nghèo khó ngày xưa, nhưng gần đây được đưa vào thực đơn của một số nhà hàng, quán ăn, nhất là các nhà hàng thực dưỡng (tức chỉ ăn thuần thực vật). Nhiều người nói, đây là món ăn của thời bao cấp, nhưng đến thế hệ đầu 8X như chúng tôi sinh ra ở những làng quê nghèo, đây còn là hương vị của tuổi thơ.
Có lẽ do nguyên liệu được chọn lọc hơn và không nấu bằng nồi gang trên bếp rơm hoặc bếp trấu nên cơm độn trong nhà hàng khác xa so với huơng vị cơm độn suốt tuổi thơ chúng tôi từng ăn. Việc đem món ăn của ký ức ra để kinh doanh ẩm thực cho thấy món ăn tuy đơn giản, mộc mạc nhưng được nhiều người cất giữ như một kỷ niệm riêng tư. Ký ức cơm độn sâu đậm đến như vậy trong tâm trí nhiều người, vì đây là món ăn gợi nhớ, nhớ thời khốn khó, nhớ mẹ, nhớ bà, nhớ quê hương bản quán.
Cơm độn khoai được đưa vào thực đơn trong nhà hàng ở Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giang
Cơm độn khoai được đưa vào thực đơn trong nhà hàng ở Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giang
Tôi sinh ra tại làng thuần nông nghèo ở xứ Thanh. Suốt cả tuổi thơ, hầu như chưa bao giờ được ăn cơm trắng mà thường ăn cơm độn khoai, mì và có khi là rau má. Nồi cơm thường chỉ có một phần gạo và 2-3 phần khoai hoặc mì lát phơi khô, nấu trong nồi gang, dùng rơm bắt lửa và phải canh vừa nước, vừa lửa cho đến khi cơm chín.
Ăn cơm độn nhiều đã ngán, nếu nấu nhão hoặc nấu bị sống thì càng rất khó ăn. Có lần, anh trai tôi nhìn nồi cơm xong quay sang nói với mẹ: “Dù đang rất đói nhưng con không thể nuốt nổi mẹ ạ”. Bây giờ, nhìn thấy nồi cơm độn ở đâu đó, tôi hay nhớ đến anh trai mình. Và hơn hết, tôi nhớ tình cảm thương nhau không để đâu cho hết của cả nhà trong những năm tháng khốn khó ấy.
Quê tôi ngoài cây lúa thì bà con trồng thêm khoai hoặc bắp để chăn nuôi. Có năm mất mùa khoai, bố tôi phải đạp xe mấy chục cây số đến một huyện trồng chuyên canh cây mì để đổi lúa lấy mì về thái lát hoặc nạo ra phơi khô để độn thêm vào cơm. Cơm độn mì khó ăn hơn cơm độn khoai và phải biết cách nấu, nếu không nồi cơm sẽ vừa nhão vừa khê có mùi nồng ngái.
Có khi để đổi bữa, mẹ tôi cùng các dì ra ngoài đồng hái thêm rau má về rửa sạch, thái nhuyễn rồi xào lên với chút mỡ heo, xới lưng chén cơm ra trộn thêm rau cho đầy bát để ăn cho no bụng. Bữa đầu lạ miệng, chúng tôi ăn khá ngon lành. Nhưng chỉ được 2-3 bữa, sau đó nghe mùi ngai ngái của rau má thái nhuyễn là thấy sợ.
_Người ăn thực dưỡng thường hay độn các loại hạt, củ quả vào cơm để tăng cường dinh dưỡng
Người ăn thực dưỡng thường hay độn các loại hạt, củ quả vào cơm để tăng cường dinh dưỡng. Ảnh: Minh Châu
Ấy vậy nhưng trong lòng nhiều người lại cất giữ hương vị của nồi cơm độn rất sâu đậm. Thời gian có trôi xa miền ký ức ấy bao lâu, cuộc đời đã nếm trải bao nhiêu món ngon trên các bàn tiệc, nhưng chỉ chợt nhìn thấy nồi cơm trắng độn vào mấy khúc khoai lang vàng ruộm hay vài lát củ mì trắng ngà, ký ức lập tức ùa về, có thể chỉ thoáng qua rồi trôi tuột đi giữa bao nhiêu náo nhiệt, nhưng cũng có khi níu lấy ta trong bao nhiêu hoài niệm của một thời cơm không đủ no, áo không đủ mặc.
Cơm độn có hương vị của ký ức, của một đời sống còn thiếu thốn đủ bề nhưng kỳ lạ là chẳng mấy ai thấy khổ. Chỉ có nỗi nhớ cồn cào, da diết mỗi khi hình ảnh nồi cơm độn khoai bất chợt hiện về. Người ta gọi những món ăn đi vào ký ức đó là nhân vị, nó không đơn thuần là món ăn nữa. Và cũng không phân biệt sang hèn hay giàu nghèo, đã là nhân vị thì chỉ duy nhất, nó khiến con người ta có những phút cúi đầu nhìn lại quê hương, tình cảm gia đình. Vì thế, cũng có đôi lúc sống chậm lại chỉ vì nhìn thấy một món ăn từng ước không bao giờ phải ăn nữa, nhưng lại không muốn quên đi hương vị.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Nghĩa tình với xã Gào

Nghĩa tình với xã Gào

(GLO)-Những ngày tháng 7 này, người dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công ở xã Gào anh hùng (tỉnh Gia Lai) luôn ấm lòng bởi các hoạt động nghĩa tình thể hiện sự tri ân sâu sắc của các cấp, ngành, địa phương.

Tháng 7, hội ngộ và tri ân

Tháng 7, hội ngộ và tri ân

(GLO)- Những cuộc hội ngộ của các cựu chiến binh dịp 27-7 luôn ấm nghĩa tình, đậm màu tri ân với tâm niệm “sống thay người nằm xuống và sống sao cho xứng đáng”. Đó cũng là không khí mà chúng tôi ghi nhận trong chương trình tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ (xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) sáng 22-7.

Rác thải “bủa vây” đường mới ven sông Dinh

UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng rác thải "bủa vây" đường ven sông Dinh

(GLO)- Ngày 24-7, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Thị Thanh Hương xác nhận: Sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý tình trạng rác thải, xà bần trên 2 tuyến đường giao thông dọc hệ thống tiêu thoát lũ ven sông Dinh (đoạn qua khu vực 1, phường Quy Nhơn Đông).

Chung tay xây Khu vực phòng chờ cho thân nhân người bệnh

Chung tay xây Khu vực phòng chờ cho thân nhân người bệnh

(GLO)- Đồng cảm với nỗi khổ của người nhà bệnh nhân vì không có chỗ tá túc khi chăm sóc người thân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, đại diện Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng Khu vực phòng chờ, góp phần chia sẻ với thân nhân người bệnh.

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.

Lan tỏa nghĩa tình tháng Bảy

Lan tỏa nghĩa tình trong tháng 7 tri ân

(GLO)- Việc quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn duy trì, triển khai nhiều năm qua. Đây là hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa đặc biệt trong những ngày tháng 7 tri ân.

null