Một lần về làng Groi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đã gần 12 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không quên chuyến thăm làng Groi (xã Đak Smar, huyện Kbang) năm ấy. Đó là năm 2012, tôi đi cùng với một đồng nghiệp trẻ cùng cơ quan. Bấy giờ, xã Đak Smar có 1 thôn người Kinh và 3 làng Bahnar. Và trong 3 làng thì đã có 2 làng tái định cư sau khi nhường đất để xây dựng thủy điện Ka Nak là làng Groi và làng Cam.

Đak Smar nằm trên đường vào Khu di tích căn cứ địa cách mạng Khu 10 và cách thị trấn Ka Nak 27 km, như “trạm trung chuyển giữa quá khứ và hiện tại”. Phía trong là chứng tích lịch sử hào hùng của quân và dân Gia Lai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài kia là thành quả sự nghiệp đổi mới qua nhiều thập niên xây dựng và phát triển. Và có thể nói, cuộc dời làng nhường đất để làm thủy điện Ka Nak lại một lần nữa chứng minh truyền thống yêu nước, tin Đảng, hy sinh cho cách mạng luôn chảy trong huyết quản của các thế hệ người dân Bahnar nơi đây.

Không ít người đến bây giờ vẫn còn cho rằng việc dời làng, chuyển rẫy là chuyện bình thường bởi đồng bào vốn quen tập quán du canh du cư. Thế nhưng, đó là chuyện… ngày xưa bởi sau hàng chục năm vận động, bà con đã ổn định cuộc sống, hơn thế nữa, dân làng còn biết sử dụng nhiều phương tiện sinh hoạt hiện đại, biết thâm canh cây trồng, vật nuôi nên bất đắc dĩ mới phải dời làng, làm lại từ đầu.

Diện mạo nông thôn huyện Kbang thay đổi rõ rệt nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Minh

Diện mạo nông thôn huyện Kbang thay đổi rõ rệt nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Minh

Như bao ngôi làng Jrai, Bahnar, Xê Đăng, Ê Đê... khác ở Tây Nguyên đã dời làng để xây dựng hồ đập thủy lợi hay làm công trình thủy điện, người làng Groi về nơi ở mới là phải làm quen với nhiều cái mới, tưởng chừng như đơn giản nhưng chẳng dễ thích nghi. Nhà trệt, không phải lên bậc thang gỗ, làng không bóng cây pơ lang, không có giọt nước quanh năm tí tách dưới chân đồi…

Như một thị tứ nho nhỏ, cả làng Groi được quy hoạch chạy dọc theo hai bên trục đường bê tông xi măng, nhà nào cũng giống nhà nào, rộng 45 hoặc 54 m2 gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, gian bếp và công trình vệ sinh. Nước sạch đưa từ trên núi về theo đường ống chứa sẵn ở các bể chứa lớn.

Buổi sáng, làng khá vắng, dân làng đã lên rẫy. Chúng tôi ghé vào nhà một hộ khá giả trong làng. Trong nhà, giữa phòng khách đặt chiếc ti vi, bên vách xếp 3 bao bắp lai giống và hơn chục bao phân lân Lâm Thao. Giường, tủ đủ cả. Một nhóm phụ nữ trò chuyện trước sân. Một cô gái bế con nhỏ ngượng nghịu khi nghe tôi hỏi tuổi. Cô chỉ cho tôi sang nhà ông Đinh Rai là cán bộ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ.

Ngồi giữa nhà đan gùi, dù tuổi đã 80 nhưng trông ông Rai vẫn còn khỏe mạnh, tay thoăn thoắt đan các que tre vót sẵn. Trên tường treo la liệt giấy khen, bằng khen của ông và con cháu. Chiếm một vị trí trang trọng là giấy chứng nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng của ông (1968-2008). Như đoán được thắc mắc của tôi, ông ngừng tay nói: “Mình già rồi không đi làm rẫy được nên đan gùi để dùng đó mà. Bây giờ bọn trẻ lười lắm, mình phải làm thôi!”.

Đến làng Groi mới thấy nhiều việc cần điều chỉnh trong quá trình xây dựng nhà ở cho làng tái định cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có lẽ do quen tập quán cũ nên hầu như nhà nào cũng không sử dụng công trình vệ sinh, tất cả đều chuyển thành kho chứa củi và đựng những đồ dùng lặt vặt hoặc bỏ trống. Ông Đinh Tong là cán bộ Mặt trận thôn đang xây chuồng heo, thấy chúng tôi thì dừng tay, nói: “Nhà sát sườn núi nên nước mạch chảy xuống ngập hết nhà vệ sinh. Chuồng heo cũng ngập ngụa nước, bùn. Phải xây chỗ khác chứ không thì con heo chết mất! Nếu khoản tiền làm nhà vệ sinh mà cho mình làm chuồng heo thì đỡ biết bao nhiêu?”.

Nhớ mãi bữa cơm trưa tại trụ sở UBND xã bởi nó không hề đạm bạc như tôi tưởng. Ngoài món lá mì và cà đắng theo yêu cầu, chúng tôi còn được ăn cá thỏa thích: cá lóc, cá thát lát, cá rô, cá chép. Chúng được đánh bắt từ lòng hồ Ka Nak. “Cá thiên nhiên cả đấy”-anh cán bộ Văn phòng UBND xã Đak Smar khẳng định. Anh hồ hởi cho biết thêm: Trong tương lai, lòng hồ sẽ trở thành vựa cá lớn bởi mặt hồ rộng đến hơn 500 ha. Nếu được đầu tư nuôi trồng thủy sản, Đak Smar sẽ còn phát triển hơn nữa, người dân không chỉ dư ăn mà còn làm giàu nhờ trồng lúa nước, cao su tiểu điền và nuôi cá nước ngọt.

Đã 12 năm trôi qua. Bây giờ, Đak Smar chắc đã thay đổi nhiều!

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.