Chung tay từ những điều bình dị
Nằm vắt qua dòng sông Ayun, cây cầu dân sinh tại làng Keo-Kpaih là trục giao thông huyết mạch nối liền khu dân cư với khu sản xuất, phục vụ việc đi lại của người dân trong làng.
Hàng ngày, bà con qua lại để làm rẫy, đưa con đến trường, vận chuyển nông sản… Thế nhưng, sau nhiều năm sử dụng, chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt, mặt cầu đã bong tróc, gỗ mục, nhiều chỗ trơ cả thanh đà thép. Vào mùa mưa, việc đi lại trở nên nguy hiểm.

Không trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, bà con làng Keo-Kpaih đã chủ động họp bàn, thống nhất cùng nhau sửa chữa cây cầu. Chỉ sau một tuần phát động, dân làng quyên góp được 7,7 triệu đồng. Hộ có điều kiện góp tiền, hộ không có thì góp công, góp gỗ... Thanh niên đảm nhận việc cưa gỗ, đóng lại mặt cầu. Phụ nữ thay nhau nấu cơm phục vụ nhóm làm việc.
Ông Đinh Huơl bày tỏ: “Cây cầu này được Nhà nước đầu tư từ năm 2012. Nhận thấy cây cầu hư hỏng, bà con cùng nhau sửa chữa chứ để vậy nguy hiểm lắm. Mỗi người góp một ít công, ít của để bà con trong làng đi lại an toàn hơn”.
Chưa đầy một tuần thi công, mặt cầu đã được lát lại bằng gỗ chắc chắn, bền đẹp, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Không còn cảnh người già, trẻ nhỏ phải men theo rìa cầu mục nát khi di chuyển qua lại. Công trình thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân địa phương.
Chính quyền đồng hành, người dân đồng thuận
Câu chuyện không dừng lại ở việc sửa chữa một cây cầu, mà còn cho thấy sự đồng hành tích cực của chính quyền địa phương. Trong quá trình thi công, bà Rmah H’Bé Nét-Bí thư Đảng ủy xã Al Bá cùng lãnh đạo xã đã đến tận nơi để động viên và hỗ trợ một phần kinh phí.

Tận mắt chứng kiến cảnh người dân hăng say làm việc, Bí thư Đảng ủy xã Al Bá bày tỏ: “Đây là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao của người dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương muốn thành công thì phải bắt đầu từ những việc thiết thực như thế này, với sự tham gia thực chất của người dân”.
Theo ông Nay Winh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Al Bá, nhiều năm qua, xã đã tích cực vận động các làng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường. Mỗi công trình, mỗi phần việc đều dựa trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
“Sửa cầu là việc nhỏ nhưng giúp dân thấy rõ giá trị của sự chung tay mới là đích đến. Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, chúng tôi mong muốn mỗi cộng đồng dân cư có thể tự chủ động giải quyết các vấn đề hạ tầng thiết yếu, từ đó góp phần nâng cao tiêu chí nông thôn mới bền vững”-ông Nay Winh cho hay.

Được biết, làng Keo-Kpaih cũng là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Al Bá. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân nơi đây luôn thể hiện tinh thần chủ động, tích cực đóng góp ngày công, kinh phí để xây dựng NTM.
Bí thư Đảng ủy xã Rmah H’Bé Nét nhìn nhận: “Chính quyền sẽ làm cầu lớn, người dân góp công làm cầu nhỏ. Mỗi công trình hoàn thành không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn là nhịp cầu gắn kết lòng dân với Đảng và Nhà nước. Xây dựng nông thôn mới là hành trình lâu dài nhưng với sự đồng lòng như ở Keo-Kpaih, tôi tin chắc sẽ đi đến đích”.