Mơ Nú khởi sắc nhờ học và làm theo Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con đường bê tông phẳng lì dẫn vào làng Mơ Nú (xã Gào, tỉnh Gia Lai), hai bên là những ngôi nhà khang trang, khuôn viên gọn gàng. Diện mạo khởi sắc ấy là kết quả của tinh thần đoàn kết, học và làm theo lời Bác mà Chi bộ làng Mơ Nú kiên trì vun đắp.

Ngồi trước máy vi tính được địa phương hỗ trợ, ông Siu Huem, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mơ Nú, thoăn thoắt nhập dữ liệu đảng viên, hộ dân. “Ban đầu dùng máy vi tính này khó lắm, nhưng kiên trì riết rồi làm được. Có máy, công việc soạn thảo, lưu trữ văn bản thuận lợi hơn nhiều”, ông Siu Huem chia sẻ. Sự chịu khó học cái mới, dám thay đổi của người đứng đầu thôn đã lan tỏa trong đảng viên và bà con nhân dân.

3them-pd.jpg
Già làng Rơ Châm Her tích cực tuyên truyền, vận động người dân làng Mơ Nú thực hiện nếp sống mới. Ảnh: Phương Dung

Xác định học và làm theo Bác trước hết là dựa vào dân, Chi bộ làng Mơ Nú phân công 24 đảng viên phối hợp với các chi hội, đoàn thể phụ trách 4 cụm dân cư để cùng nắm bắt tình hình và tổng hợp nhu cầu của bà con. Trên cơ sở đó, Chi bộ xây dựng dự thảo nghị quyết, đưa ra họp bàn công khai, tạo sự đồng thuận và huy động được sức dân vào các phần việc chung. Năm 2024, ngôi làng với 94% dân số là dân tộc thiểu số này đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Điểm nhấn rõ nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng mang dấu ấn cộng đồng. Trong nhiệm kỳ 2022- 2025, làng đã bê tông hóa được 4,41 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, nhiều hộ dân tự nguyện hiến hơn 4.000 m² đất, dỡ hàng rào, lùi ranh giới để mở rộng mặt đường. Người dân còn đóng góp kinh phí sửa chữa nhà rông, khoan giếng, lắp hệ thống lọc nước, xây hàng rào bao quanh khu nhà sinh hoạt cộng đồng, lắp 85 bóng điện chiếu sáng dọc các trục đường, làm 50 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Việc đóng góp được thống nhất tính theo mức thụ hưởng: Hộ ở mặt đường đóng cao hơn, hộ khác đóng thấp hơn và tất cả đều qua họp làng thống nhất.

Về công tác giảm nghèo, nhiệm kỳ 2022 - 2025, làng đã giảm được 6 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Phó Bí thư Chi bộ thôn Rah Lan Binh cho biết: Hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà, tặng sinh kế, phương tiện sản xuất. Bà con cũng được vận động cải tạo vườn tạp, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để thoát nghèo bền vững.

Làng Mơ Nú hiện có 189,7 ha cà phê. Đây là nguồn thu chính của người dân. Thay vì duy trì những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, bà con đã mạnh dạn tái canh bằng giống mới cho hiệu quả cao hơn.

5-1-bg.jpg
Đường dẫn vào làng Mơ Nú được trải bê tông phẳng lì, sạch đẹp. Ảnh: P.D

Anh Rah Lan Binh, Phó Bí thư Chi bộ sở hữu 1,3 ha cà phê giống TR4, trước đây chỉ cho thu hoạch hơn 3 tấn nhân/năm. Cuối năm 2023, anh quyết định ghép 2/3 diện tích bằng giống cà phê Thiện Trường. “Tham quan thực tế tại các vườn, tôi nhận thấy nếu chăm sóc tốt, giống Thiện Trường có thể đạt năng suất 7 - 8 tấn nhân/ha. Khi diện tích ghép hiện tại cho thu hoạch ổn định, tôi sẽ tiếp tục ghép phần còn lại”, anh Binh chia sẻ.

Cùng với phát triển kinh tế, làng Mơ Nú chú trọng gìn giữ văn hóa truyền thống và xây dựng nếp sống văn minh. Già làng Rơ Châm Her cho biết: Người dân đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; không còn thả rông gia súc trong khu dân cư. Các đoàn thể thường xuyên phối hợp dọn vệ sinh, xây dựng “tuyến đường hoa”, “hàng rào xanh”, đào hố xử lý rác, phân loại rác thải, làm chuồng trại gia súc, gia cầm xa nhà ở, xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Đội cồng chiêng làng duy trì tập luyện định kỳ 2 tháng/lần. Trong làng vẫn còn hơn 10 nghệ nhân đan gùi, dệt vải.

Ông Siu Huem cho hay, hiện làng Mơ Nú chỉ còn 1 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Làng phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo. Chi bộ cũng đặt mục tiêu nhiệm kỳ 2025 - 2027 tập trung nâng chất lượng sống cho bà con, có 90% người dân tham gia BHYT tự nguyện, làng đạt chuẩn ANTT, danh hiệu làng văn hóa được giữ vững.

Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, Chi bộ làng Mơ Nú đã khơi dậy được sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân, góp phần làm cho đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt. Cấp ủy chi bộ luôn gương mẫu, đảng viên đi đầu trong các phong trào, đặc biệt là vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo, tích cực xây dựng nông thôn mới”.

Ông Rơ Châm Duih, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Gào

Có thể bạn quan tâm

Ông từ giữ đình cứu sống cây đa cổ thụ

Ông từ cứu sống cây đa cổ thụ ở An Khê đình

(GLO)- Vô tình bị lửa “thiêu”, cây đa cổ thụ phía sau An Khê đình (Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, phường An Khê) suy yếu dần, có nguy cơ bị chết. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông Ngô Văn Đường-Câu đình (người trông giữ, hương khói đình làng) đã cứu sống cây đa này.

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng

(GLO)- Phát huy tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, anh Hvinh Nút (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng làm kinh tế mới, gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

(GLO)- Nhiều năm nay, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng sự hưởng ứng người dân địa phương, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tập trung đầu tư xây dựng và sửa chữa hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó, giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

(GLO)- Ngày 26-6, Công an tỉnh Gia Lai có Công văn số 3986/CAT-PC06 thông báo thời gian cấp, thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với các cơ quan, tổ chức có trụ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ).

null