Mang Yang phát huy vai trò đội ngũ hòa giải viên cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng uy tín, kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, đội ngũ hòa giải viên ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã kịp thời giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong dân, góp phần giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Suốt gần 10 năm làm công tác hòa giải tại cơ sở, ông Nguyễn Hữu Tình-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Linh Nham (xã Đăk Djrăng) cùng với các thành viên tổ hòa giải kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư.

Theo ông Tình, các tranh chấp về đất đai tại thôn chủ yếu xoay quanh các vấn đề lối đi, bờ rào hay nhà cửa lấn qua ranh giới của nhau. Dù không phải là những tranh chấp lớn nhưng nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tình đoàn kết xóm làng.

hoa-giai-vien.jpg
Bà Đặng Thị Liễu (bìa trái, Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 6, thị trấn Kon Dơng) tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: R.H

Để giải quyết các tranh chấp về đất đai, ông Tình luôn chủ động nắm bắt lịch sử của từng thửa đất và áp dụng phương pháp hòa giải dựa trên tình làng nghĩa xóm. Trong quá trình hòa giải, ông phân tích và thuyết phục các bên liên quan nhìn nhận vấn đề với tinh thần đoàn kết. Đồng thời, ông cũng áp dụng các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo sự công bằng trong việc giải quyết tranh chấp.

Nhờ vào nỗ lực hòa giải của ông Tình, những vụ việc mâu thuẫn đã được giải quyết một cách êm đẹp. Năm 2024, ông Tình đã tiếp nhận và hòa giải thành công 5 vụ việc tranh chấp đất đai phát sinh tại khu dân cư.

Điển hình là trường hợp tranh chấp đất giữa ông Lê Văn Lý và bà Trần Thị Kỳ (cùng ở thôn Linh Nham). 2 gia đình này có đất ở giáp ranh nhưng chưa hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi tiến hành đo đạc để cấp giấy chứng nhận thì phát hiện có sự chồng lấn đất, dẫn đến tranh chấp kéo dài.

Sau khi nắm bắt vụ việc, ông Tình đã trực tiếp đến gặp 2 gia đình phân tích, thuyết phục họ thống nhất đóng mốc ranh giới đất một cách rõ ràng, hợp lý. Đồng thời, ông cũng khuyên các bên nên nhường nhịn, chia sẻ và tôn trọng quyền lợi của nhau. Nhờ vậy, vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa, đảm bảo quyền lợi đôi bên.

“Nguyên nhân của các tranh chấp này là do đất đai của các hộ dân trước đây chủ yếu được khai hoang, cắm mốc giới không rõ ràng. Khi giá trị đất đai ngày càng tăng và việc đo đạc được tiến hành, các tranh chấp mới phát sinh”-ông Tình nói.

Ông Hồ Ngọc Thắng-Chủ tịch UBND xã Đăk Djrăng-cho biết: Xã có 7 tổ hòa giải cùng 1 câu lạc bộ hòa giải cơ sở tại thôn Linh Nham. Năm 2024, toàn xã đã tiếp nhận và hòa giải thành 7/8 vụ việc tranh chấp. Nhờ làm tốt công tác hòa giải, trên địa bàn xã không có đơn thư khiếu nại vượt cấp.

Tương tự, bà Đặng Thị Liễu-Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 6 (thị trấn Kon Dơng) cũng là một điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Bà Liễu chia sẻ: Trước đây, nhiều hộ dân trong tổ do chưa có giấy tờ pháp lý về đất đai. Khi mua bán, sang nhượng đất cho người khác, mọi người thường chỉ thực hiện trên cơ sở ước tính diện tích. Điều này dẫn đến khi thực hiện đo đạc thực tế, diện tích đất sai lệch, không khớp với thông tin ban đầu, gây ra tranh chấp giữa các bên.

Để chủ động nắm bắt các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, bà Liễu phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ hòa giải phụ trách từng cụm dân cư. Khi phát hiện tranh chấp phát sinh, các hòa giải viên lắng nghe, thu thập thông tin từ các bên liên quan. Tại buổi hòa giải, các bên được tạo điều kiện để trình bày quan điểm, nguyện vọng và lý do tranh chấp.

Bà Liễu chia sẻ: “Tôi phối hợp với công chức chuyên môn của xã để hướng dẫn người dân hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, tôi tuyên truyền, khuyến khích người dân trước khi thực hiện mua bán, sang nhượng đất phải đo đạc chính xác. Đối với các vụ việc tranh chấp kéo dài, tôi tổ chức hòa giải nhiều lần, phân tích và thuyết phục các bên tìm được tiếng nói chung. Trong quá trình hòa giải, tôi luôn dựa vào tình làng nghĩa xóm kết hợp với quy định pháp luật”.

Bà Liễu cũng cho biết, từ năm 2024 đến nay, tổ hòa giải tổ dân phố 6 đã tiếp nhận và hòa giải thành công 3/5 vụ việc tranh chấp, góp phần duy trì sự hòa thuận và ổn định trong cộng đồng.

Theo thống kê, huyện Mang Yang có 80 tổ hòa giải với 541 hòa giải viên. Năm 2024, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 40 vụ việc trong phạm vi hòa giải. Trong đó, hòa giải thành 36 vụ việc, đạt 90%. Thông qua công tác hòa giải, hòa giải viên đã vận dụng các văn bản pháp luật có liên quan để giải thích, thuyết phục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Ông Trần Nam Danh-Trưởng phòng Tư pháp huyện Mang Yang-thông tin: Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, huyện tăng cường rà soát, hệ thống hóa các quy định pháp luật để giúp cho hòa giải viên thuận lợi trong quá trình thực hiện hòa giải. Đồng thời, huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở để nâng cao trình độ và năng lực của hòa giải viên.

Huyện cũng sẽ tổ chức các cuộc thi hòa giải viên theo hình thức sân khấu hóa nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tạo cơ hội cho các hòa giải viên học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải. Đặc biệt, các cá nhân và tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở sẽ được biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

(GLO)- Sáng 15-4, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức trao tặng bò giống sinh sản cho 3 gia đình hội viên phụ nữ là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Ia Hrung.

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

(GLO)- Ngày 14-4, tại Trung tâm Giống vật nuôi huyện Đak Pơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức bàn giao mô hình sinh kế thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Mô hình trồng ngô ngọt của phụ nữ Ia Broăi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Phụ nữ Ia Broăi thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(GLO)- Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiếu số đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đức Cơ phối hợp tuần tra, bảo vệ đường biên (ảnh đơn vị cung cấp).

Phụ nữ Đức Cơ góp sức bảo vệ bình yên biên giới

(GLO)- Huyện Đức Cơ có 3 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Chính sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các xã biên giới và đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và bảo vệ bình yên biên giới.

Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

(GLO)- Hiện nay, nhiều giếng đào và giếng khoan tại một số thôn, làng trong tỉnh Gia Lai bắt đầu cạn khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.

Đường từ trung tâm xã Đăk Song đến các xã phía Đông huyện Kông Chro đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Xã vùng sâu chuyển mình

(GLO)- Những ngày tháng tư lịch sử, có dịp thăm lại các xã phía Đông huyện Kông Chro (gồm Sró, Đăk Song, Đăk Pling, Đăk Kơ Ning), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự khởi sắc của vùng quê một thời đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn.

Gia đình anh Rơ Châm Nek có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ trồng trọt. Ảnh: T.D

“Làng Campuchia” trên đất Gia Lai

(GLO)- Gần nửa thế kỷ sau cuộc trốn chạy khỏi nạn diệt chủng Pol Pot để đến định cư ở làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), cuộc sống của những người dân Campuchia đã ổn định và ngày càng sung túc.