Trong suốt 24 năm làm công tác hòa giải, với uy tín và kinh nghiệm của mình, ông Ksor Jim-Tổ trưởng tổ hòa giải buôn Plei Gok cùng với các thành viên trong tổ kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư.
Theo ông Jim, các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thường xoay quanh chuyện gia đình, tranh chấp lối đi. Để hòa giải thành công các vụ việc, ông Jim lắng nghe ý kiến của các bên rồi tìm cách thuyết phục, giải quyết hợp tình, hợp lý, đảm bảo tính công bằng.
“Ngoài kỹ năng giao tiếp và khả năng thuyết phục, tôi còn vận dụng các quy định pháp luật và luật tục để làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Trong các cuộc hòa giải, tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, hòa thuận trong gia đình và cộng đồng. Từ năm 2000 đến nay, tôi đã hòa giải thành công hơn 30 vụ việc, góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu kiện, tranh chấp trong cộng đồng”-ông Jim cho hay.
Mới đây, do nghi ngờ chồng là ông Nay Groa có quan hệ tình cảm với người khác, bà Rcom H’Gol (buôn Plei Gok) thường xuyên cáu giận, bực tức với chồng, khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng. Sau khi nắm bắt vụ việc, ông Jim đến tận nhà lắng nghe ý kiến của 2 vợ chồng. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của ông Jim, vợ chồng bà H’Gol đã hòa thuận.
Nhiều năm qua, ông Siu A Lít-Trưởng thôn Plei Ia Kơ Al cũng đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai. Theo ông A Lít, nguyên nhân mâu thuẫn, tranh chấp đất đai chủ yếu xuất phát từ việc người dân hiểu lầm, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc chưa có sự thống nhất rõ ràng trong việc xác định ranh giới đất đai. Để hạn chế tình trạng này, ông A Lít chủ động tuyên truyền, vận động người dân nâng cao kiến thức pháp luật, nắm bắt các quy định liên quan đến đất đai, đồng thời, khuyến khích bà con tự thỏa thuận khi có vụ việc xảy ra.
“Tôi khuyên người dân nếu có đo đạc đất ở hay ruộng vườn thì phải mời các bên gia đình có liên quan cùng tham gia. Trường hợp khó khăn thì phải mời đại diện thôn và công chức chuyên môn của xã. Quá trình đo đạc phải có căn cứ, dựa vào giấy tờ pháp lý, tuyệt đối không tự ý đo đạc, tránh vi phạm pháp luật và gây tranh chấp trong cộng đồng.
Việc tuyên truyền không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về pháp luật mà còn giúp họ có cách ứng xử đúng đắn hơn khi đối mặt với các tranh chấp, mâu thuẫn; đồng thời, tránh được những xung đột không đáng có trong cộng đồng”-ông A Lít chia sẻ.
Từ năm 2024 đến nay, buôn Plei Ia Kơ Al chỉ xảy ra 1 vụ tranh chấp đất đai, vụ việc sau đó cũng đã được hòa giải thành công nhờ sự vào cuộc kịp thời của ông A Lít và đội ngũ hòa giải viên. Cuối năm 2023, buôn Plei Ia Kơ Al đạt chuẩn nông thôn mới.
Còn ông Ksor Thốt-Trưởng thôn Plei Ksing thì chia sẻ: Sau khi nắm bắt vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, tổ hòa giải tiến hành họp bàn để thống nhất cách giải quyết. Đối với những trường hợp phức tạp, ông cùng các thành viên trong tổ tiến hành vận động người dân chuyển vụ việc lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Theo ông Ksor Thốt, để giải quyết thành công vụ việc, đội ngũ hòa giải viên cần có kỹ năng hòa giải tốt, biết lắng nghe, phân tích vấn đề một cách công tâm và tìm ra giải pháp hợp lý.
Trao đổi với P.V, ông Ksor Khanh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piar-thông tin: Toàn xã hiện có 7 tổ hòa giải với 49 hòa giải viên. Thời gian qua, ngoài việc hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng, đội ngũ hòa giải viên còn tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: đất đai, hôn nhân gia đình. Nhờ đó, các tranh chấp phát sinh trong cộng đồng đã được kéo giảm đáng kể, tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp không xảy ra.