Lớp học làng cũ De Lung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trung tuần tháng 8-1977, tôi được chuyển công tác từ Trường Sư phạm Mẫu giáo Gia Lai-Kon Tum về Phòng Giáo dục huyện Chư Păh (nay là huyện Ia Grai), sau đó về Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Grai (nay là xã Ia Tô). Bấy giờ, đội ngũ giáo viên toàn huyện vừa hoàn thành kỳ học chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ hè trở về các trường chuẩn bị cho năm học mới 1977-1978. Sau khi dự cuộc họp giáo viên, Hiệu trưởng nhà trường khi ấy là anh Phạm Đình Bài phân công tôi vào làng De Lung để làm công tác xây dựng trường học và vận động học sinh đến lớp.

Xã Ia Grai lúc này gồm 3 thôn người Kinh đi kinh tế mới từ Quy Nhơn lên là thôn 1 (gần dốc Ia Châm), thôn 2 ngay khu trung tâm xã và thôn 3 phía trên ngã ba đi xã Ia Dơk và đi xã Ia Krai. Xa nhất là làng De Lung. Những năm sau ngày giải phóng, nền kinh tế và đời sống của người dân cực kỳ khó khăn. Bao nhiêu công việc cần phải lo nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên đầu tư cho ngành Giáo dục. Trường, lớp học mở xuống tận thôn, làng. Hầu hết đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên còn mù chữ. Vậy là, lực lượng giáo viên xóa mù chữ cũng được phân bổ xuống tận làng. Thiếu giáo viên nên huy động cả những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, thậm chí đang học lớp 9, lớp 10 sau khi tập huấn thì bổ sung làm giáo viên xóa mù chữ. Đã “3 cùng” với bà con nên các anh chị giáo viên xóa mù khá thông thạo tiếng Jrai và tập tục địa phương. Mọi chế độ đều được hưởng như giáo viên phổ thông. Còn bà con đi học ban đêm thì đèn, dầu, sách, vở, bút viết đều được cấp không. Học sinh phổ thông cũng vậy, bút mực, sách vở đều được Nhà nước cấp.

Làng De Lung nằm giữa rừng, cách trung tâm xã chừng 4 km. Sau khi qua khỏi con đường đất (tỉnh lộ 664 hiện nay) rồi xuống dốc lội qua con suối nhỏ nước ngập đến quá mắt cá chân, tiếp tục đi trên con đường mòn giữa khu rừng rợp bóng cây. Cây rừng ở đây phổ biến là bằng lăng, lành ngạnh, dâu đất… xen lẫn lùm bụi cây le, cỏ tranh lúp xúp. Làng De Lung có khoảng ba chục nóc nhà sàn, có cả nhà dài 2-3 bếp nấu, nghĩa là cũng chừng đó thế hệ sinh sống. Nhà nào cũng lợp lá tranh hoặc lá rừng ghim lại, sàn nứa đập giập, ken dày, vách thì thưng liếp lồ ô, dưới sàn nhà chứa củi và làm chỗ ở cho gia súc. Không rào giậu, nhà này thông với nhà kia, heo, gà mặc sức chạy rông. Tháng 8 trời còn mưa nên đường làng trơn trượt, nhiều chỗ đất đóng rêu, những tay nắm cầu thang bước lên nhà cũng phủ một lớp rêu xanh nhạt. Tôi ở cùng anh Phú làm giáo viên xóa mù chữ dạy ban đêm, còn ban ngày là lớp học phổ thông. Anh Phú thông thạo tiếng Jrai. Qua anh phiên dịch, tôi nhờ già làng và trưởng thôn huy động bà con tu sửa lại lớp học và chỗ ở cho kịp khai giảng. Tiếng là lớp cho oai chứ thật ra đó chỉ là 1 gian nhà đơn sơ 2 đầu hồi là 2 cây cột cái cây bằng lăng, vách thưng nứa đập giập, mái lợp lá cỏ tranh kết lại thành tấm. Vài bộ bàn ghế gỗ, có bàn thiếu ghế nên phải dùng cây dâu đất đóng chặt xuống đất rồi đan cật lồ ô bên trên cho bằng phẳng làm ghế ngồi. Bảng là một tấm nhựa dày màu xanh, rộng độ 2 m2 treo sát bức vách đầu hồi. “Cơ ngơi” của tôi và anh Phú là gian chái sau lớp học, vách cũng đan cỏ tranh, một bên làm chỗ ngủ, gian nhỏ hơn làm bếp. “Vật dụng” nhà bếp là 2 chiếc xoong nhôm để nấu cơm và nấu thức ăn cùng chiếc kiềng sắt. Nước dùng sinh hoạt thì mượn mấy quả bầu khô của dân làng, xuống giọt nước cuối làng gùi về. Bà con rất tốt, họ cho chúng tôi củi nấu và thường thì nắm rau lang, quả mướp, dưa nước hay quả bí đỏ… hái trên rẫy về.

Nhớ lại đêm đầu tiên vào làng, tôi không sao ngủ được, nằm nghe mưa nhỏ giọt qua mái tranh lộp bộp. Gió rít từng cơn qua khe vách lá. Lạnh. Đắp chiếc chăn mỏng chẳng thấm tháp vào đâu. Tôi rủ anh Phú dậy nhóm bếp củi rồi cuốn thuốc rê hút cho ấm. Đêm vào sâu, ngớt mưa thì tiếng con mang tác, tiếng mõ bò đâu đó chốc chốc vọng về nghe lộc cộc… Sáng hôm sau, khi sương đêm còn đan kín trên ngọn cây, làng đã rộn lên tiếng chày giã gạo nhịp đôi. Bà con dậy sớm chuẩn bị nấu cơm để đi làm. Vài ngày sau thì cũng hoàn thành việc tu sửa lớp học và đi vào ổn định chuẩn bị cho khai giảng. Lớp 1 của tôi ở De Lung có khoảng trên 20 em, đủ mọi lứa tuổi. Các em rất ngoan, mặc dù chưa nói rõ tiếng phổ thông nhưng rất ham học.

Tháng 10-1977, khóa đầu tiên Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum bế giảng. Nhà trường tiếp nhận thêm một số giáo sinh về công tác như các cô giáo Phượng, Trạc, Liên, Ngọc… Cô Hoàng Thị Loan xung phong vào làng thay, tôi được điều chuyển trở ra trường trung tâm xã.

Sau đó vài năm, Nông trường Cà phê Ia Châm thành lập. Đất rừng đã chuyển đổi để trồng cà phê. Làng De Lung dời ra gần khu trung tâm và tách thành 2 làng. Đời sống của bà con cũng thay đổi, đi lên nhờ làm cà phê và hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn. Tuy sau đó chuyển đi trường khác và chuyển ngành nhưng những ngày tháng ở De Lung đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp về một quãng đời làm giáo viên trong ngôi làng Jrai vùng xa.

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.