Lò sấy thuốc lá cải tiến: Tiết kiệm, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trước bài toán nan giải về nguyên liệu sấy thuốc lá, nhiều nông dân ở khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đã chuyển sang sử dụng lò sấy bán điện. Mô hình này không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí thuê nhân công mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thuốc lá là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân khu vực Đông Nam tỉnh. Tuy nhiên, nguyên liệu sấy là một bài toán nan giải cho người trồng thuốc lá nơi đây.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tuấn Hương Khang (thị xã Ayun Pa): Để vận hành 1 lò sấy bán điện cần có bầu lò chứa củi đốt, hệ thống quạt thổi nhiệt, thiết bị quạt gió và hệ thống điều khiển tự động với tổng kinh phí trên 50 triệu đồng. Khi củi cháy trong bầu lò sinh nhiệt, thiết bị quạt gió thổi nhiệt vào lò sấy, nhờ vậy vừa tiết kiệm được nhiên liệu mà lượng nhiệt tỏa đều giúp thuốc lá “chín vàng”.

Những năm trước, Công ty phải nhập khẩu hệ thống điều khiển tự động từ Brazil về với giá hơn 20 triệu đồng để lắp đặt cho người dân. Nhưng hiện nay, nhân viên kỹ thuật của Công ty đã sáng chế ra hệ thống điều khiển với chức năng tương tự mà giá chỉ 5 triệu đồng.

Hệ thống điều khiển tự động được cấu tạo gồm aptomat, công tơ, thiết bị đo nhiệt độ lò sấy và chuông báo. Khi lò sấy bị hạ nhiệt, hệ thống này sẽ tự động điều khiển quạt gió thổi lửa để tăng nhiệt lên. Khi nhiệt độ đảm bảo, hệ thống điều khiển dừng quạt gió.

Đặc biệt, hệ thống chuông báo giúp người dân phát hiện thời điểm hạ nhiệt do hết nhiên liệu để cho thêm củi và bầu lò. Người dân không cần túc trực 24/24 giờ khi sấy thuốc mà có thể nghỉ ngơi hoặc tranh thủ làm việc khác. Lượng nhiệt cung cấp ổn định giúp nâng cao chất lượng sản phẩm thuốc lá khi ra lò.

Anh Nguyễn Văn Tâm (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) phấn khởi khi thuốc lá sấy bằng lò bán điện chín đều và có màu sắc đẹp. Ảnh: V.C

Anh Nguyễn Văn Tâm (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) phấn khởi khi thuốc lá sấy bằng lò bán điện chín đều và có màu sắc đẹp. Ảnh: V.C

Vụ Đông Xuân năm 2023-2024, anh Nguyễn Văn Tâm (tổ 7, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) trồng 6 ha thuốc lá. Trước đây, gia đình anh sử dụng 2 lò sấy truyền thống nhưng vẫn quá tải. Cuối năm 2023, anh đầu tư 80 triệu đồng chuyển đổi 1 lò sấy truyền thống sang lò sấy bán điện để thử nghiệm.

Anh cho biết: “Nhờ vận hành 2 lò sấy cùng lúc nên rất dễ so sánh hiệu quả. Nếu 1 mẻ sử dụng lò truyền thống chỉ sấy được 1.500 ghim thuốc, hết 5 triệu đồng chi phí mua củi sấy và phải 5 ngày mới ra lò thì khi sử dụng lò sấy bán điện, có thể sấy 2.200 ghim thuốc/mẻ, hết 3 triệu đồng chi phí củi đốt và khoảng 3-4 ngày là có thể ra lò. Từ hiệu quả của gia đình, nhiều hộ cũng đã đặt hàng với đơn vị sản xuất để chuyển đổi lò sấy”.

Tương tự, ông Hoàng Văn Cần (buôn Kơ Nia, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) cũng chuyển sang dùng lò sấy bán điện từ vụ Đông Xuân 2023-2024. Ông chia sẻ: Nếu lò sấy truyền thống chỉ sấy được tối đa 1-1,2 tấn thuốc lá/lò thì lò sấy bán điện có thể sấy được 1,6 tấn thuốc lá/lò. Không chỉ giảm nguyên liệu chất đốt mà lò sấy bán điện còn giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công xiên thuốc, rút ngắn thời gian.

“Gia đình đã sấy xong mẻ thuốc lá chân và thấy thuốc lá chín đều, màu sắc đẹp, không bị sống cọng như lò truyền thống. Chi phí củi, nhân công giảm 2,5 triệu đồng/lò”-ông Cần phấn khởi nói.

Theo thống kê, khu vực Đông Nam tỉnh hiện có khoảng gần 4.000 ha thuốc lá. Trong đó, huyện Krông Pa có diện tích lớn nhất với 2.200 ha, Ia Pa 1.140 ha, Phú Thiện 370 ha, thị xã Ayun Pa 270 ha. Nhiều công ty thu mua thuốc lá sẵn sàng đầu tư cho người dân xây dựng lò sấy bán điện từ đầu vụ và khấu trừ chi phí khi thu mua thành phẩm.

Người dân sử dụng lược ghim lá thuốc trước khi vào lò giúp giảm chi phí thuê nhân công xiên từng lá thuốc. Ảnh: Vũ Chi

Người dân sử dụng lược ghim lá thuốc trước khi vào lò giúp giảm chi phí thuê nhân công xiên từng lá thuốc. Ảnh: Vũ Chi

Ông Đặng Huy Tân-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Minh Khang Cao Nguyên (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) cho biết: Đầu vụ thuốc lá năm nay, đơn vị đã hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Tuấn Hương Khang lắp đặt gần 50 lò sấy bán điện cho các hộ dân. Qua khảo sát, người dân đều hài lòng khi sử dụng lò sấy cải tiến này. Đây là cơ sở để Công ty tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới, giúp bà con “sống khỏe” cùng cây thuốc lá.

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-nhận định: Toàn huyện có gần 100 lò sấy thuốc lá bán điện. Việc sử dụng lò sấy cải tiến này không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí thuê nhân công mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng với việc xây dựng thành công thương hiệu “Thuốc lá lá Krông Pa”, việc nhân rộng mô hình lò sấy bán điện là tín hiệu đáng mừng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.