Lấy ý kiến tăng lương tối thiểu vùng: Cả công nhân, DN cùng tâm tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất được mức tăng 5,5% lương tối thiểu vùng 2020, Bộ LĐ- TB&XH xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tổ chức lấy ý kiến.
Tại dự thảo, Bộ LĐ- TB&XH đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng từ 150.000- 240.000 đồng/tháng có hiệu lực từ ngày 1- 1- 2020. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là điều hiển nhiên, tuy vậy, dù được tăng lương nhưng đa số người lao động vẫn có không ít tâm tư. Còn đối với phía doanh nghiệp, cũng như những lần tăng lương trước, câu chuyện vẫn là áp lực chi phí.
Công nhân mong mỏi sống được bằng lương
Sau hơn chục năm làm công nhân, hiện mức lương cơ bản của chị Nguyễn Thị Nhung (KCN Bắc Thăng Long- Hà Nội) đang được doanh nghiệp trả hàng tháng là 4,8 triệu đồng. Theo chị Nhung, mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng, cộng thêm khoản thu nhập làm thêm giờ thì chị được nhận hơn 6 triệu đồng/tháng.
 
Tăng lương tối thiểu vùng, đời sống công nhân vẫn có rất nhiều nỗi lo.
Tuy vậy, nếu 2 vợ chồng làm công nhân, cùng mức thu nhập này thì phải rất tằn tiện mới đủ để trang trải chi phí cho sinh hoạt gia đình khi hai con nhỏ còn trong tuổi ăn học.
“Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng này chỉ có ý nghĩa với người lao động đang nhận lương thấp hơn, hoặc bằng lương tối thiểu vùng. Hiện công nhân như tôi đang nhận lương cao hơn lương tối thiểu vùng thì không được doanh nghiệp điều chỉnh. Trong khi đó, mỗi kỳ tăng lương thì giá cả thị trường cũng tăng theo như: tiền thuê nhà, tiền điện, tiền sinh hoạt phí, tiền đi chợ…
Vùng I ở Hà Nội như chúng tôi thì biến động giá cả cao hơn, kéo theo chi phí sinh hoạt cũng cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Trong khi đó, lương lại không được tăng, thành thử việc tăng lương tối thiểu vùng không có nhiều ý nghĩa. Chúng tôi rất mong nhà nước xem xét chính sách tiền lương cho người lao động như chúng tôi được đủ sống bằng lương để chúng tôi yên tâm cống hiến”, chị Nhung chia sẻ.
Đề cập đến việc tăng lương tối thiểu vùng, anh Lê Quang Phong (Cụm công nghiệp Trực Ninh-Nam Định) chia sẻ, với mức tăng lương ở vùng 3, vùng 4 khoảng 150-180 nghìn đồng/tháng thì việc tăng lương tối thiểu vùng này cũng không có nhiều ý nghĩa.
“Cứ thấy nói công nhân lương 7-8 triệu/tháng, nhưng chẳng biết doanh nghiệp ở đâu trả như thế. Còn ở đây là vùng 3, đa số công nhân đều được trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng 1 chút khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Muốn thu nhập cao hơn thì chỉ còn cách tăng ca, tăng kíp mà thôi”, anh Phong chia sẻ.
Theo anh Phong việc tăng 150-180 nghìn đồng/tháng không có nhiều ý nghĩa với người lao động hiện nay bởi, nhiều lần tăng lương tối thiểu cho thấy lương tăng thì giá cả các mặt hàng cũng tăng. Bên cạnh đó, có công ty còn tìm đủ cách để khấu trừ như đưa ra các quy định, quy chế để phạt tiền, cắt giảm phụ cấp của công nhân để cân đối với số tiền tăng lương. Như vậy, lương tăng nhưng thu nhập thực tế không tăng, nên lao động như anh Phong cũng không mừng lắm.
Dù lương tối thiểu vùng có tăng, nhưng người lao động vẫn trong tình trạng thấp thỏm vì lương không đủ trang trải cuộc sống. Bà Bùi Phương Chi, Trưởng phòng Công tác giới- Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tiền lương tiếp tục là vấn đề gây bức xúc đối với người lao động.
Có tới 25,7% người lao động cho rằng, mức lương hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, 88% công nhân phải đi làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Doanh nghiệp lo tăng chi phí
Phương án mức tiền lương tối thiểu năm 2020 sẽ tăng lên 5,5% so với mức lương tối thiểu năm 2019, không ít doanh nghiệp cho rằng sẽ làm tăng thêm các chi phí sản xuất và phải có sự điều chỉnh nguồn tài chính ổn định.
Ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty XNK Linh Hân chia sẻ với mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng bình quân 5,5% sẽ dẫn đến việc đội các khoản chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đẩy lên đáng kể.
“Doanh nghiệp chúng tôi chuyên về may mặc với 2 cơ sở sản xuất ở Hà Nam và Hưng Yên có khoảng gần 5.000 lao động. Hiện doanh nghiệp đang chi trả tiền lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Chính vì thế việc tăng lương tối thiểu vùng không tác động đến việc trả lương của doanh nghiệp. Tuy nhiên khi tăng mức lương tối thiểu tăng lên, doanh nghiệp sẽ phải tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Việc tăng lương tối thiểu liên tục như thế này sẽ là gánh nặng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động”, ông Hùng cho biết.
Thừa nhận, đời sống của công nhân đang còn rất nhiều khó khăn, nhưng theo ông Phạm Ngọc Duy, Giám đốc Công ty cổ phần may Hoàng Sơn cho rằng các doanh nghiệp cũng phải “đau đầu” để cân đối các khoản chi phí.
Theo phân tích của ông Duy, dệt may là ngành thâm dụng lao động, chính vì thế tăng lương tối thiểu là một bài toán khó cho các doanh nghiệp dệt may hiện nay. Doanh nghiệp càng sử dụng nhiều lao động thì chi phí càng lớn.
“Thực tế thì doanh nghiệp hiện nay đều phải trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Đặc biệt là doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động, nếu không trả lương tốt thì rất khó thu hút được lao động vào làm việc. Chính vì thế khi tăng lương tối thiểu vùng, đa số người lao động không được hưởng lợi vì không được điều chỉnh tiền lương. Trong khi đó, doanh nghiệp phải trả thêm các loại chi phí khác: bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… Khi các khoản này tăng, doanh nghiệp sẽ phải tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh”, ông Phạm Ngọc Duy nói.
Phan Hoạt (Công an nhân dân Online)

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.