Gian nan kiến thiết vườn cây
Theo lời giới thiệu của ông Rah Lan Hoen-Chủ tịch UBND xã Ia Hla, chúng tôi đến tham quan khu vườn của bà Nguyễn Thị Vui. Khu vườn rộng 27 ha liền thửa nằm sát 1 quả đồi, trong đó có 19 ha cây ăn quả với đủ các loại như: nhãn, vải, sầu riêng, mít, bơ cùng 8 ha cây trồng khác gồm cao su, điều, hồ tiêu… Do địa hình hơi dốc nên bà Vui lắp đặt hệ thống tưới nước khép kín cho vườn cây.
Bà Vui kể về hành trình 24 năm lập nghiệp của mình: “Quê tôi ở xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi làm nông nghiệp. Nhận thấy ở quê nhà đất chật người đông, năm 2000, gia đình tôi chuyển vào Tây Nguyên sinh sống. Khi mới vào đây, không có nhiều vốn liếng, gia đình tôi phải vay mượn anh em để mua 2 ha đất trồng hồ tiêu.
Thời kỳ đó, kinh tế khó khăn, làm lụng vất vả nên làm được đồng nào, vợ chồng tôi lại tiết kiệm, tích góp để mua thêm đất, mở rộng vườn rẫy. Lúc bấy giờ, giá hồ tiêu ở mức cao. Cứ dành dụm được ít tiền thì lại tái đầu tư, mở rộng quy mô, có thời điểm trồng được 22.000 trụ hồ tiêu”.
Bà Vui cho hay: Đến chu kỳ giá hồ tiêu xuống thấp, cứ thu 10 tấn hạt tiêu là phải bù lỗ 350 triệu đồng chi phí. Sau đó, vườn hồ tiêu cũng lụi dần và chết hàng loạt. Vẫn tin tưởng về sự hồi phục của vườn cây, gia đình bà tiếp tục trồng lại nhưng một lần nữa nếm thất bại cay đắng.
Đến năm 2018, gia đình bà bắt đầu chuyển sang trồng xen một số loại cây ăn quả như bơ, mít. Từ chỗ vài héc ta, bà Vui trồng thêm ổi, nhãn, vải. Nguồn thu các loại này dành để lấy tiền đầu tư cho 15 ha sầu riêng.
“Do chưa có kinh nghiệm nên năm ngoái, đáng lẽ thu bói thì thời điểm ra hoa lại không đậu quả, vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa. Mỗi năm, kinh phí đầu tư lên đến 4-5 tỷ đồng. Sau khi xác định nguyên nhân, tôi mời kỹ sư từ Đắk Lắk đến vườn cây hướng dẫn kỹ thuật, khắc phục sự cố.
Cây sầu riêng sinh trưởng tốt, nhưng khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, thiếu nước nên 15 ha chỉ cứu được 10 ha. Sản lượng cũng chỉ được hơn 50 tấn quả, với giá bán 70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí còn lại khoảng 1 tỷ đồng. Tuy vậy, năm đầu thu hoạch lại bán được giá cao nên gia đình cũng có thêm động lực”-bà Vui nói.
Hồi sinh vùng đất nhiễm bệnh
Chủ tịch UBND xã Ia Hla Rah Lan Hoen: “Hàng năm, khu vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Vui đón nhiều đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Mô hình nông nghiệp đa canh trên địa bàn xã bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nhiều gia đình tăng thêm nguồn thu nhập, vươn lên trong cuộc sống”.
Từ vùng đất nhiễm bệnh khiến hồ tiêu chết hàng loạt, nhiều gia đình cũng không còn vốn liếng để đầu tư, có những người phải bán đất đai để vào miền Nam làm ăn. Tuy nhiên, gia đình bà Vui vẫn quyết tâm bám trụ.
Bà chia sẻ: “Đất đai ở đây rất màu mỡ, thích hợp với cây ăn quả. Ngay từ đầu, tôi đã tìm hiểu cách thức canh tác theo hướng sinh học. Bên cạnh nắm vững kỹ thuật chăm sóc, tôi còn đầu tư hệ thống tưới tiêu hợp lý. Đặc biệt, tôi để cỏ mọc ngang đầu gối nhằm giữ ẩm, cải thiện chất lượng đất, ngăn ngừa xói mòn, duy trì sự đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường”.
Ở thời điểm gia đình bà Vui bén duyên với cây ăn quả, người dân trong xã chưa mấy mặn mà với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều người vẫn còn hồ nghi về hiệu quả, cho rằng vùng đất này chỉ thích hợp với cây công nghiệp, rồi lại lo không có đầu ra. Nhưng bằng kinh nghiệm tích lũy trong sản xuất, gia đình bà Vui không tập trung vào một loại cây mà xen canh, đa canh để có nguồn thu.
Theo bà Vui, trồng cây gì muốn mang lại hiệu quả thì cũng phải học hỏi kiến thức để nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, đặc biệt phải lựa chọn nguồn gốc giống cây trồng cho chất lượng. Nhiều hộ dân xung quanh thấy mô hình đa canh hiệu quả đã đến tìm hiểu, có người học hỏi làm theo.
Trong tổng diện tích 27 ha sản xuất theo mô hình đa canh, đến nay, 19 ha cây ăn quả đã cho thu hoạch. Cùng với đó, nguồn thu từ 8 ha cao su, điều, hồ tiêu cũng đạt khá. Sau 24 năm lập nghiệp trên đất Gia Lai, gia đình bà Vui đã có trong tay một cơ ngơi đáng mơ ước.
Khi hỏi về tổng thu nhập của gia đình trong 1 năm, bà khiêm tốn cho biết: “Mặc dù có nguồn thu đấy, nhưng mấy năm nay, tôi dành gần như toàn bộ vốn liếng đầu tư cho vườn sầu riêng. Bắt đầu từ năm tới, tôi mới tính chuyện tích lũy”.