Phương thức đa canh mang lại nhiều lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thay vì độc canh, nhiều hộ nông dân trong tỉnh Gia Lai đã chọn xen canh nhiều loại cây để nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện môi trường sinh thái. Ngoài ra, phương thức đa canh giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, giảm rủi ro khi giá cả một số loại nông sản biến động.

Thay đổi phương thức canh tác

Những năm gần đây, nhiều nông dân xã Hải Yang (huyện Đak Đoa) đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả xen trong vườn cà phê, mắc ca, hồ tiêu… Nhờ đó, nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Anh Trần Xuân Dưỡng (thôn 1, xã Hải Yang) là một điển hình trong sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng 2 ha được trồng đan xen nhiều loại cây như: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, anh Dưỡng cho biết: Năm ngoái, với 1.300 cây cà phê, 300 trụ hồ tiêu, 400 cây mắc ca, gia đình anh thu hơn 4,5 tấn cà phê nhân, 2 tấn tiêu khô và 1,2 tấn mắc ca. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu được 500 triệu đồng.

Theo anh Dưỡng, sản xuất đa canh có rất nhiều thuận lợi so với độc canh. Sau khi thu cà phê xong thì đến mùa thu hoạch hồ tiêu rồi đến bơ và cuối cùng là mắc ca. Cứ vậy xoay vòng nên mùa nào gia đình cũng có nguồn thu nhập từ vườn cây chứ không như trước đây.

“Đặc biệt, trồng cà phê, hồ tiêu xen canh các loại cây trồng khác giúp giảm chi phí phân bón và nhân công, trong khi lợi nhuận tăng lên. Tuy nhiên, do vườn cây mới bắt đầu chu kỳ kinh doanh nên năng suất chưa ổn định. Trong những năm tiếp theo, khi vườn cây đi vào ổn định thì việc thu tiền tỷ là trong tầm tay”-anh Dưỡng vui vẻ nói.

Được trồng theo hướng hữu cơ, vườn đu đủ của gia đình ông Nguyễn Văn Bát (thôn Nông Trường, xã Ia Pal) cho thu nhập 30 triệu đồngtháng. Ảnh: N.S

Được trồng theo hướng hữu cơ, vườn đu đủ của gia đình ông Nguyễn Văn Bát (thôn Nông Trường, xã Ia Pal) cho thu nhập 30 triệu đồngtháng. Ảnh: N.S

Cách đây hơn 5 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Bát (thôn Nông Trường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cải tạo vườn hồ tiêu để chuyển sang trồng 1.200 cây cà phê, 800 cây chanh dây, hơn 1.000 cây đu đủ cùng với đương quy, ớt và rau củ. Trên khu vườn 1,8 ha của gia đình ông Bát, các loại cây trồng được quy hoạch rất bài bản, khoa học. Phía trên vườn cà phê là giàn chanh dây trĩu quả. Còn phần đất trồng đu đủ thì bên dưới được trồng cây đương quy, rau củ, ớt xen với cây sầu riêng.

Ông Bát hồ hởi cho hay: “Vụ vừa rồi, vườn cà phê thu được 2 tấn nhân, bán với giá 70 triệu đồng/tấn. Dự kiến vụ tới, năng suất sẽ tăng. Trong khi đó, đương quy cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Đặc biệt, trên 1.000 cây đu đủ mỗi tháng cho thu nhập 30 triệu đồng. Cây đu đủ hiện nay là nguồn thu chính của gia đình vì loại cây này cho thu hoạch quanh năm”.

Trong khi đó, cách đây hơn 3 năm, gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) quyết định phá bỏ một phần diện tích cà phê già cỗi để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả gồm: chanh dây, sầu riêng, bơ trên diện tích 2,5 ha.

Ông Bích cho biết: “Hiện 100 cây bơ đã cho thu nhập, trung bình 1 năm được khoảng 70-80 triệu đồng. Trong khi đó, vụ cà phê vừa qua, với hơn 1.000 cây, gia đình thu được hơn 450 triệu đồng. Riêng hơn 1.000 cây chanh dây cho năng suất khoảng 11 tấn, doanh thu cũng đạt gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, 350 cây sầu riêng năm sau cho thu hoạch sẽ là nguồn thu chính của gia đình”.

Khu vườn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho thu nhập cao nhờ xen canh nhiều loại cây. Ảnh: N.S

Khu vườn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho thu nhập cao nhờ xen canh nhiều loại cây. Ảnh: N.S

Ông Lê Văn Thanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết: Xu hướng phá bỏ độc canh để chuyển sang đa canh đang được nhiều người dân chọn lựa. Việc đa canh giúp nguồn thu nhập của người dân ổn định, giảm rủi ro về giá cả thị trường.

“Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam không ổn định nên việc độc canh sẽ rất rủi ro cho người dân. Bài học về cây hồ tiêu, chanh dây rớt giá và mất mùa là minh chứng cho thấy, nếu chỉ trồng 1 loại cây sẽ rất mạo hiểm. Chính vì vậy, người dân bắt buộc phải trồng nhiều loại cây để khi thất bại với cây này còn có cây khác cho thu nhập”-ông Thanh lý giải.

Hài hòa giữa chăm sóc với tạo cảnh quan môi trường

Sản xuất theo hướng đa canh đã hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ môi trường sinh thái nên đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh hướng đến.

Ông Bích cho biết: “Hiện tại, vườn bơ và sầu riêng của gia đình đã trồng theo hướng VietGAP. Trong khi đó, chanh dây cũng trồng theo hướng hữu cơ để tiến tới đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị. Muốn làm được điều đó, tất cả cây trồng của gia đình gần như nói không với việc dùng hóa chất mà chủ yếu sử dụng phân chuồng.

Ngoài ra, để hài hòa môi trường sinh thái, vườn cây của gia đình để cỏ mọc tự nhiên giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, chống rửa trôi dinh dưỡng trong mùa mưa. Trong khi đó, cỏ cũng tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các loại vi sinh vật có ích trong đất sinh sống. Vì vậy, đất tơi xốp, thoáng khí, giúp rễ cây thuận lợi trong hấp thụ dưỡng chất”.

Vườn cây đa canh của gia đình anh Trần Xuân Dưỡng (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) phát triển xanh tốt. Ảnh: N.D

Vườn cây đa canh của gia đình anh Trần Xuân Dưỡng (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) phát triển xanh tốt. Ảnh: N.D

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 48.687 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, nhiều hộ dân xen canh giữa các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, sầu riêng, bơ, cây ăn quả hoặc cây dài ngày với cây ngắn ngày. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cao hơn so với độc canh. Ngoài ra, việc phát triển mô hình đa canh còn hướng đến yếu tố tạo cảnh quan môi trường sinh thái.

Tương tự, gia đình anh Dưỡng cũng lựa chọn các loại cây trồng mang ý nghĩa cộng sinh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, việc phát triển mô hình đa canh còn nhằm hướng đến tạo cảnh quan môi trường sinh thái.

Theo anh Dưỡng, gia đình chủ yếu sử dụng phân chuồng, mua chất thải chăn nuôi của các hộ dân trong vùng về trộn với vỏ cà phê ủ men làm phân vi sinh bón cho cây trồng thay vì dùng phân bón hóa học. Điều này đã giúp dinh dưỡng trong đất luôn được đảm bảo, cây phát triển tốt.

“Trước đây, việc xử lý đất trước khi trồng ít được gia đình quan tâm, dẫn đến cây bị sâu bệnh. Chính vì vậy, việc đa canh sẽ giúp các loại cây trồng hỗ trợ nhau phòng trừ bệnh hại. Chẳng hạn trồng mắc ca, bơ xen với cà phê sẽ giúp xua đuổi các loại sinh vật gây hại”-anh Dưỡng chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Trên địa bàn huyện có khoảng 28.000 ha cà phê. Những năm gần đây, người dân chủ động trồng xen cây sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca, cây ăn quả và cây ngắn ngày vào vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất một loại cây trồng. Đây là giải pháp vừa tạo cây chắn gió cho vườn cà phê, vừa có nguồn thu từ các loại cây trồng khác nhau.

Ngoài ra, sản xuất đa canh còn giúp cho việc cải tạo đất tốt hơn, các loại cây tận dụng được nguồn nước, phân bón của nhau, giảm chi phí đầu tư cho người dân. Đặc biệt, những vườn cây đa canh sau này có thể đăng ký bán tín chỉ carbon để tiếp tục có thêm nguồn thu nhập.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các mô hình xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là biện pháp kỹ thuật hết sức quan trọng trong trồng trọt nhằm tận dụng quỹ đất để trồng cây dài ngày xen với cây ngắn ngày theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, nâng cao hiệu quả trên một diện tích đất.

“Tuy nhiên, việc xen canh cũng cần hết sức thận trọng và phải lựa chọn các loại cây phù hợp với chế độ chăm sóc, sử dụng nguồn nước, dinh dưỡng giống nhau nhằm hạn chế sâu bệnh lây lan.

Việc xen canh phải đảm bảo theo quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật mật độ giữa cây trồng chính và cây trồng xen nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Người dân cần tham khảo quy trình kỹ thuật trồng xen các loại cây đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT phổ biến nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.