Lại bất an trước thông tin cá hấp hóa chất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi thông tin về vụ sầu riêng “tẩm” hóa chất chưa kịp lắng xuống thì mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh lại liên tiếp phát hiện 2 cơ sở ở TP. Pleiku hấp cá bằng hóa chất tẩy trắng. Điều này cho thấy, việc sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm đã đến hồi báo động.

Dùng chất tẩy trắng để  hấp cá

Với phương thức kiểm tra bất ngờ, chỉ trong 4 ngày giữa tháng 10, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã liên tiếp phát hiện 2 cơ sở ở TP. Pleiku có hành vi sử dụng hóa chất để hấp cá. Cụ thể, vào ngày 9-10, khi kiểm tra cơ sở hấp cá của ông Mai Văn Vĩnh (phường Hội Phú, TP. Pleiku), Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện 7 can hóa chất ghi nhãn hydrogen peroxide 5% standard (trong đó 2 can đã sử dụng), mỗi can có trọng lượng khoảng 30 kg. Điều đáng nói là toàn bộ số can hóa chất trên đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở cho biết, số hóa chất trên được mua ở tỉnh Bình Định với giá 300.000 đồng/can. Mỗi lần hấp cá, cơ sở này sử dụng 0,5 lít hóa chất hòa với 100 lít nước và 15 kg muối.

 

Một sạp bán cá hấp trong Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: P.T
Một sạp bán cá hấp trong Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: P.T

Đến ngày 13-10,  Phòng Cảnh sát Môi trường tiếp tục phát hiện một cơ sở sử dụng hóa chất để hấp cá. Đó là cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tại thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku do ông Mai Văn Hiếu (em trai ông Mai Văn Vĩnh) làm chủ. Tại cơ sở này, đơn vị phát hiện 1 can 5 lít chứa hóa chất màu trắng đục không có nhãn mác. Phòng Cảnh sát Môi trường đã tiến hành niêm phong can hóa chất trên, đồng thời yêu cầu cơ sở tiêu hủy khoảng 300 kg cá đã hấp.

Theo Thượng tá Đỗ Hùng Liêm-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá hấp trên đều là những cơ sở lớn trên địa bàn. Để phát hiện sai phạm của các cơ sở này, đơn vị đã phải theo dõi, nắm bắt thông tin một thời gian dài. Hiện đơn vị đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm, sau khi có kết quả sẽ lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, cho biết: Phòng Cảnh sát Môi trường đã gửi công văn đề nghị Chi cục kiểm tra về hóa chất hydrogen peroxide 5% standard. Sau khi rà soát trên danh mục phụ gia thực phẩm theo Thông tư 02/VBHN-BYT ngày 15-6-2015 của Bộ Y tế thì loại hóa chất này không có trong danh mục được phép sử dụng.

Người tiêu dùng bất an

Trước thông tin về cá hấp bằng hóa chất, nhiều bà nội trợ đã chuyển sang mua cá tươi  vì lo sợ. Chị Phan Thị Vy (54 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) cho biết: “Dù rất ít khi mua cá hấp nhưng nghe họ sử dụng hóa chất để hấp cá, tôi cũng thấy sợ”. Còn chị Nguyễn Thị Thao-đầu bếp cho một nhóm thợ hồ trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku), than vãn: “Nấu ăn cho hơn 10 người đâu có dễ, tôi cứ phải đổi món liên tục mặc dù trị giá mỗi suất không nhiều. Thường thì, bữa nay thịt, bữa sau cá tươi rồi chuyển sang cá hấp... Mấy bữa trước nghe nói cá hấp có hóa chất, tôi cũng e ngại, hôm nay mới dám mua. Nhưng tôi cũng chỉ dựa vào cảm quan thôi, loại nào nguyên con không bị bong da, thịt cá mềm thì mua”.

 

Hydrogen peroxide, hay Hydro peroxide (tên Việt hóa là Hidrô perôxit hay nước oxy già) có công thức hóa học H2O2, là một chất oxy hóa dạng lỏng trong suốt, nhớt hơn một chút so với nước, có các thuộc tính oxi hóa mạnh và vì thế là chất tẩy trắng mạnh, được sử dụng như chất tẩy uế. Khi ở nồng độ thấp (dưới 5%) hóa chất này được sử dụng phổ biến để tẩy tóc người. Với nồng độ cao hơn, nó có thể làm cháy da khi tiếp xúc (nguồn: Wikipedia).

Do vậy, hoạt động buôn bán cá hấp những ngày gần đây bị ảnh hưởng. Theo bà Mã Thị Tần-chủ một vựa cá ở Trung tâm Thương mại Pleiku, thời gian gần đây, lượng cá hấp bán ra giảm, một số bạn hàng e ngại không lấy. Mỗi ngày, vựa cá của bà chỉ bán được khoảng 80-100 kg cá hấp, trong khi cá tươi mỗi ngày bán khoảng 200-300 kg. Nguồn cá chủ yếu là Bình Định, Quảng Ngãi, Tiền Giang…  Nắm bắt tâm lý khách hàng e dè khi mua cá hấp nên hầu hết tiểu thương kinh doanh mặt hàng này tại Trung tâm Thương mại Pleiku đều giới thiệu cho khách hàng là cá nhập từ Quy Nhơn (Bình Định). Chị Bé-một tiểu thương kinh doanh cá hấp, cho biết: “Tôi bán cá mười mấy năm rồi, toàn là cá nhập từ Quy Nhơn lên, ở đây họ sành ăn lắm, bán cá linh tinh là mất khách liền”. Một số tiểu thương khác lại cho rằng cá hấp ở Gia Lai chủ yếu bán đi các huyện vùng sâu, vùng xa... Tuy nhiên, điều các tiểu thương không ngờ là nguồn hóa chất mà cơ sở trên địa bàn TP. Pleiku sử dụng để hấp cá lại được mua từ Bình Định.

Theo kinh nghiệm của một số người, để phân biệt cá hấp có hóa chất hay không, người tiêu dùng nên chọn mua cá vẫn còn nguyên con, lớp da không bị bong tróc và thịt cá mềm hơn, khác với cá hấp hóa chất sẽ cứng, cá nhìn “đơ” hơn, màu sắc trắng hơn, không giống màu da thật của cá.

Phi Tuệ

Có thể bạn quan tâm