Lạc giữa bộ sưu tập lan rừng lớn nhất Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không có máy lạnh, xe điện, rạp phim hay trò giải trí hiện đại nào, vườn lan Troh Bư râm ran tiếng ve dưới cái nắng chói chang đầu hạ vẫn là điểm hẹn thú vị cho bất kỳ ai yêu thích đại ngàn với những kỷ lục bất ngờ, độc đáo!

Lan trước, vợ sau!

Đến Đak Lak gặp lúc Sêrêpôk cạn trơ đáy vì các đập thủy điện lớn chặn dòng và những thớt voi Buôn Đôn cụt cả đuôi lẫn ngà đã trở nên già yếu, thì dọc đường từ Buôn Đôn trở về phố, chỉ rẽ vào Troh Bư du khách mới có thể mát mắt, dịu lòng trở lại, nhờ nghìn loài kỳ hoa dị thảo.

 

Bộ chiêng đá độc đáo.
Bộ chiêng đá độc đáo.

Troh Bư, nghĩa là “lũng cá lóc” theo cách gọi của đồng bào Ê Đê. Từ xa xưa, chỉ cần vài cơn mưa đầu mùa đổ xuống là cá lóc lại ngựợc dòng về Troh Bư để sinh sôi, bơi quẫy. Nhưng vừa hết mùa mưa, Troh Bư lập tức hạn hán, mặt ruộng nứt nẻ kéo dài.

Năm 1995, khi Đỗ Tuấn Hưng tìm mua rẫy hoang xa phố tới 12 km trong vạt rừng thưa vắng Troh Bư, khối kẻ đã gọi anh là gã khùng! Khắp Đắk Lắk lúc đó ai cũng chọn nơi đất bazan màu mỡ để trồng cà phê. Chỉ riêng Tuấn Hưng lại phóng xe máy theo hướng ngược lại vào Buôn Đôn để vào Troh Bư, trần thân phát dọn, trồng cây dặm rừng, cật lực cải tạo cảnh quan nơi trụi trần sỏi đá.  

Là con trai của nguyên Phó Ty Lâm nghiệp đầu tiên của tỉnh Đak Lak, từ tuổi vào Đoàn anh đã nảy ra ý tưởng sẽ tự tay xây dựng một khu du lịch bảo tồn thiên nhiên, được bố mẹ ủng hộ với điều kiện “lập nghiệp không lấy tiền nhà”. Giữ đúng lời hứa, Hưng bán 5 sào cà phê tự gây dựng ở vùng Ea Tam gần trung tâm thành phố lấy 5 cây vàng, tìm mua 5 ha nương rẫy bạc màu. Sau một thời gian được chàng thạc sĩ Kinh tế Nông nghiệp dày công khoan giếng, đào hồ, lắp giàn tưới phun mưa và trồng thêm hàng vạn cây lớn nhỏ, Troh Bư xanh tươi dần. Cạn tiền, Tuấn Hưng đắng lòng bán đi 3 ha đất giáp mặt đường để tập trung đầu tư cho 2 ha còn lại phía trong. Hoa cỏ ngày càng nở thắm các lối đi. Dây leo hoang dại vấn vít như giăng lưới giữa đại ngàn. Phong lan bám rễ trổ hoa xinh đẹp khắp trên thân cao, cành thấp.

Năm 1996, Hưng lấy vợ. Anh giao hẹn 2 năm đầu sau khi cưới, có được đồng nào anh sẽ dành hết cho Troh Bư, sau đó mới nộp lương cho vợ được. Vợ Hưng gật đầu, vì biết phản đối cũng chẳng được. Thôi thì đàn ông không mê nọ cũng mê kia! Chịu đựng ông chồng mê lan rừng còn đỡ khổ tâm hơn các bà vợ bị chồng mê “Lan... phố”. Ngoài cách tự an ủi vì ngoài giờ làm việc ở cơ quan, chồng dành gần hết thời gian còn lại cho Troh Bư, vợ anh đành chỉ... ngó lơ.

 

Lan Hoàng Thảo Thái Bình lộng lẫy ở Troh Bư.
Lan Hoàng Thảo Thái Bình lộng lẫy ở Troh Bư.

Với chất đất rừng khộp, cây rừng tái sinh ở Troh Bư dù chắc khỏe, tán lá vẫn thưa thớt. Đặc điểm đó rất thích hợp để Hưng cấy lên thân cây được nhiều cụm phong lan. Nguồn lan giống ban đầu anh trèo hái trong những chuyến công tác vào rừng. Thời đó Nhà nước chưa có lệnh cấm khai thác lâm sản phụ, kể cả phong lan trong các vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nhằm bảo tồn các loài gien quý có nguy cơ tuyệt chủng, như sau này.

Nhưng Hưng thu thập được nhiều phong lan nhất, chính là khi Đak Lak chuyển đổi mục đích sử dụng hàng vạn hecta rừng sang trồng cao su. Anh miệt mài đội nắng, dầm mưa đi gỡ lan trên vô số thân cây lớn nhỏ bị ủi đổ la liệt, từ rừng huyện Ea Soup phía Tây, sang rừng huyện Ea H’leo phía Bắc. Ngoài lan rừng, Hưng còn dốc tiền túi mua lan chợ, lan nhập khẩu, trao đổi giống loài với các hội, nhóm chơi lan. Hệ thực vật Troh Bư càng phong phú, Tuấn Hưng càng khốn khổ đối phó với nạn trộm lan. Anh phải dựng “vườn trong vườn” để bảo vệ những loài lan quý, gắn bảng năn nỉ trộm “đừng lấy dù chỉ một cây lan”, chẳng khác nào van lơn Sở Khanh thôi quyến rũ gái đẹp!

Vườn địa đàng và những cơ duyên

Ngoài 215 loài phong lan, thạch lan tự nhiên với hơn một vạn giò cấy vào thân cây, kẽ đá; 20 loài địa lan với khoảng 1.000 gốc trồng rải rác khắp vườn; Troh Bư còn có gần 1.000 loại cây và hoa khác, trong đó khoảng 300 giống bản địa  tái sinh tại chỗ. Tuấn Hưng cũng góp nhặt được nhiều sản vật độc, lạ, quý hiếm từ gỗ và đá, mà dứt khoát không hủy hoại tài nguyên. “Lũng cá lóc” nay đã thành vườn địa đàng lộng lẫy, quanh năm hoa nở bất tận. Viền theo các lối đi xuyên vườn là những dãy tượng gỗ sinh động, biểu cảm thú vị, khiến du khách vui vẻ không thể không dừng chân để chụp ảnh selfie.

Đọc những dòng chia sẻ thật thà, hài hước, khiêm tốn và rất duyên của Tuấn Hưng trên các trang facebook “Khu bảo tồn Lan rừng vườn Troh Bư - Buôn Đôn”, “ Vườn Troh Bư - Trohbu Botanic Garden”, “Vươn muôn hoa Troh Bư” về những dịp may hy hữu, giúp gã nghiện lan cứ tình cờ sở hữu được hết độc bản này tới báu vật khác, ai cũng thấy hiếm có điểm tham quan hấp dẫn nào được đầu tư ít tiền, mà dày công, nhận được nhiều cơ duyên đáp đền đến thế! 

 

Tuấn Hưng bên chiếc thuyền độc mộc lớn nhất Việt Nam.
Tuấn Hưng bên chiếc thuyền độc mộc lớn nhất Việt Nam.

Hưng có tới 40 thanh “đá kêu”, xếp thành 2 dàn chiêng đá. Bộ nhỏ bày trong nhà, bộ khủng giăng dài hơn chục mét ngoài sân cho du khách tự gõ để nghe tiếng nhạc lạ lùng ngân vang trầm bổng. Anh kể: Có lần thuê xe cày đặc chủng nối rơ móc dài ngoẵng chở một gốc gỗ lũa to như chú voi Bản Đôn về Troh Bư xong, anh mời bác tài ở lại kéo cá nhậu chơi. Uống sương sương, bác tài nổi hứng khoe toáng mình đang có trong tay số đá kêu như chuông.

Hưng bàng hoàng nhận ra đó chính là những thanh đá mà hàng xóm gần Troh Bư từng vớ được trong tổ mối lúc đào ao. Khi hay tin, Hưng bỏ công đi tìm thì đành tiếc hùi hụi vì hàng xóm đã bán mất cho dân xứ đạo. Lòng vòng chán, “đá kêu” rơi vào tay bác tài là con rể xứ đạo. Chỉ một cái ngoéo tay, Hưng đã mua nợ được trọn bộ chiêng đá từ bạn nhậu tốt bụng. Vậy là sau một hồi lang thang, chiêng đá lại trở về nơi nó từng ở.

Cơ duyên giúp Hưng rước được “cụ” thuyền độc mộc khổng lồ dài tới 9 m, cao gần 1 m về Troh Bư cũng ly kỳ không kém. Thoạt đầu khi mới nhìn thấy “cụ” bị ngâm dưới sông, Hưng choáng váng nhận ra “cụ” to gấp 3 lần tất cả những chiếc thuyền độc mộc khác vẫn lướt nhẹ mỗi ngày trên Sêrêpôk.  

Cơn bão lớn năm 1997 quật đổ cây sao đại thụ bên sông. Theo nguyện vọng của dân, Vườn Quốc gia Yok Đôn cho đồng bào tận thu gỗ để làm nhà. Tiếc thân cây gỗ đẹp, nghệ nhân nổi tiếng về nghề đẽo thuyền Nai Nen Lào đã dùng 1/3 phần thân đoạn gốc, đục đẽo ròng rã nửa năm để thành chiếc thuyền lớn chưa từng có. Hạ thủy, “cụ” lập tức trở thành bá chủ vùng sông nước. Vườn Quốc gia nhiều lần mượn “cụ” chở vật liệu sang sông, mỗi chuyến chở ít nhất một tấn xi măng để xây dựng các trạm cửa rừng, đến tận khi có thuyền sắt. Nhiều chuyên gia bảo tàng và du lịch “có sừng có mỏ” từng dụ dỗ Nai Nen Lào nhượng lại thuyền, nhưng ông chỉ cảm tình đặc biệt với chủ vườn lan bộ dạng xơ xác. Ngày Tuấn Hưng cùng trai làng hì hụi rước “cụ” đi, bà vợ nghệ nhân Nai Nen Lào tiếc nhớ, khóc mãi.

Đưa thuyền về, anh Hưng lên mạng hỏi: Nếu không có ai chỉ được cho mình cái thuyền độc mộc to hơn đang ở đâu, mình nhất định sẽ đăng kí kỷ lục. Tìm đâu ra cái thuyền độc mộc lớn hơn, vì dễ gì có được cây gỗ to đến thế?! Mà nếu có, ai dại gì đẽo thuyền? Tính ra, khúc gỗ đẽo chiếc thuyền này thể tích tới 28m3. Nhớ năm 1982, bố mình đổi lấy cái nhà to uỵch bọn mình đang ở bây giờ chỉ bằng 18m3 gỗ sao được quyền xuất tỉnh.

Tháng 5-2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã vinh danh Đỗ Tuấn Hưng với Giấy chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho 3 hạng mục đặc biệt tại Vườn Troh Bư. Đó là Bộ sưu tập lan rừng tự nhiên lớn nhất, Thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất, Dàn chiêng đá cổ xưa nguyên bản nhiều thanh nhất.

Tôi đầu tư những gì cho Troh Bư ư? Về tiền, tính cả trượt giá đất cũng chỉ khoảng một tỷ rưỡi. Nhưng hơn thế, là 23 năm vất vả đến bạc đầu và căn bệnh hoại tử chỏm xương đùi đeo đẳng. Cuối tuần nào tôi cũng quần quật lao động trong khi người khác thư giãn, du lịch. Với gia đình, tôi thành kẻ vô tâm, ích kỷ vì Troh Bư hút hết thời gian lẽ ra của vợ con. May gần đây, một cậu bạn thân góp vốn giúp lo mảng du lịch, Troh Bư mới có thu nhập trả hết nợ nần. Khi vợ con đỡ lo lắng, tôi rảnh tay chuyên tâm vào việc bảo tồn lan!- Anh Đỗ Tuấn Hưng, chủ vườn Troh Bư, cán bộ văn phòng Sở NN&PTNT Đak Lak, chia sẻ.

H.T.N/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.