(GLO)- Làm cách nào để hỗ trợ người trồng hồ tiêu vượt qua giai đoạn khủng hoảng, để ngành sản xuất hồ tiêu phát triển bền vững là trăn trở của không chỉ nông dân mà còn của lãnh đạo huyện Chư Pưh và nhà đầu tư vốn Agribank.
Chia sẻ khó khăn với khách hàng
Là nhà đầu tư truyền thống của nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank)-Chi nhánh Chư Pưh gắn bó mật thiết với nông hộ trên địa bàn. Tín dụng cho cây hồ tiêu tính đến 31-10-2017 của đơn vị đạt tổng dư nợ 410 tỷ đồng/1.061 khách hàng. Trong bối cảnh giá hồ tiêu giảm sâu, tình hình hồ tiêu chết kéo dài từ năm 2014 đến nay, Agribank Chư Pưh luôn bám sát địa bàn, cập nhật kịp thời diễn biến thiệt hại từ phía khách hàng và đề xuất giải pháp hỗ trợ.
Cán bộ tín dụng Agribank Chư Pưh kiểm tra thực tế vườn tiêu chết của khách hàng. Ảnh: S.C |
Thống kê từ Chi nhánh cho thấy, số tiền thiệt hại tính trên tổng dư nợ là hơn 37,9 tỷ đồng với diện tích thiệt hại liên quan đến vốn vay là 126,4 ha. “Khó khăn, thiệt hại từ phía khách hàng cũng chính là khó khăn, thiệt hại cho nhà đầu tư Agribank. Hồ tiêu chết diễn biến rất phức tạp và không thể lường trước được. Khi cán bộ ngân hàng đi kiểm tra thực tế, thẩm định tài sản vườn cây cũng như khả năng trả nợ của khách hàng thì vườn hồ tiêu phát triển rất tốt, thế nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, hồ tiêu chết hàng loạt khiến khách hàng lẫn ngân hàng trở tay không kịp, nguồn trả nợ đã không còn”-ông Trần Văn Hiếu (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa), một khách hàng của Agribank Chư Pưh, chia sẻ.
“Chúng tôi đã đồng hành cùng nông dân Chư Pưh hơn 20 năm qua, cùng khách hàng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của cây hồ tiêu. Một khi ngân hàng rót vốn đầu tư là mong cho khách hàng làm ăn phát triển. Rất nhiều khách hàng truyền thống của chúng tôi đã sử dụng vốn tốt, mở rộng quy mô vườn cây, thu nhập rất cao nhờ hồ tiêu. Bây giờ, làm sao dìu nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này mới là điều đáng nói”-ông Lưu Minh Hùng-Giám đốc Agribank Chư Pưh, cho biết.
Nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, Chi nhánh đã chủ động phối hợp với khách hàng rà soát, đánh giá khả năng trả nợ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng, miễn giảm lãi vay khách hàng bị tổn thất về tài sản, nguồn thu nhập dẫn đến khó khăn về tài chính; xem xét tiếp tục đầu tư tái sản xuất đối với các hộ đủ điều kiện vay vốn. Trên cơ sở đó, Agribank Chư Pưh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 156 món vay với số tiền hơn 41,4 tỷ đồng, đồng thời chỉ đạo cán bộ tín dụng nắm chắc tình hình, động viên khách hàng tiếp tục đầu tư cho những vườn hồ tiêu bị thiệt hại 30-40% hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đối với những khách hàng đủ điều kiện, Chi nhánh sẵn sàng đầu tư vốn. Tuy nhiên, dự báo tình hình khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn ở năm 2018 nếu giá hồ tiêu không được cải thiện.
Hướng đi bền vững cho cây hồ tiêu
Giải pháp nào cho cây hồ tiêu phát triển bền vững là câu hỏi lớn không chỉ với ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh. Trong những năm gần đây, điều kiện thời tiết, khí hậu biến đổi liên tục gây bất lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của hồ tiêu. Sản lượng sụt giảm là thiệt hại nhìn thấy rõ nhất sau mỗi niên vụ. Nếu giai đoạn 2010-2015, năng suất hồ tiêu trung bình trên địa bàn đạt 48-51 tạ/ha, sản lượng trung bình đạt 8.000-10.500 tấn/năm thì niên vụ 2016-2017, năng suất, sản lượng hồ tiêu dự báo sẽ giảm mạnh từ 35% đến 50% do ảnh hưởng khô hạn năm trước, nhiều diện tích không còn khả năng phục hồi hoặc bị bệnh chết nhanh chết chậm.
Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Chư Pưh, diễn biến bệnh hại hồ tiêu bao gồm: bệnh vàng lá thối rễ tơ, bệnh thối gốc, thân (chết nhanh), tuyến trùng rễ gây hại, rệp sáp gốc, bệnh thán thư, đốm đen dưới lá, tảo lá, bọ xít lưới gây hại rải rác. Về nguyên nhân, báo cáo từ huyện cho biết, nhiều vùng hồ tiêu canh tác đã lâu năm, trải qua thời gian dài bị lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để thâm canh làm đất bị chai, bị nhiễm độc, tồn trữ nhiều yếu tố gây bệnh. Trong khi đó, các loài sâu bệnh hại có khuynh hướng kháng thuốc; các chủng nấm, vi sinh vật có lợi thì bị suy kiệt làm cho việc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng khó khăn hơn.
Mặt khác, lợi ích kinh tế từ cây hồ tiêu quá lớn nên nhiều vùng, diện tích hồ tiêu phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, thậm chí canh tác ở những diện tích đất không thích hợp, nguồn gốc giống không đảm bảo... “Trong một vùng đất đã canh tác lâu năm thì dễ nhiễm bệnh, tái trồng hồ tiêu là rất khó. Những người mạo hiểm trồng hồ tiêu trên đất cũ sẽ dễ dẫn đến tình trạng chết nhanh chết chậm do nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nguồn đất, nguồn nước, hướng gió rất cao. Hiện nay, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đang triển khai giải pháp chính là tạo ra giống tiêu sạch kháng bệnh, khuyến cáo bà con nên luân canh cây trồng khác để cải tạo lại đất trong một thời gian, ít nhất là 3 năm, đồng thời kết hợp sản xuất bằng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân vi sinh thích hợp”-ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết. Giai đoạn khủng hoảng này cũng đang mở ra một hướng đi mới, theo cách bền vững hơn cho cây hồ tiêu. Nhiều nông hộ bị thiệt hại nặng nề đã quyết tâm thay đổi cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chú trọng canh tác hữu cơ, cải tạo, xử lý đất, luân canh cây trồng hoặc chủ động đa canh trong nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro.
“Không thể bỏ cây hồ tiêu bởi đây nguồn thu chính của 70-80% nông dân trên địa bàn”-ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, khẳng định. Trước diễn biến phức tạp của tình trạng hồ tiêu chết, huyện đã thống kê tình hình để báo cáo cho tỉnh. Đồng thời, có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về chính sách gia hạn nợ, khoanh nợ đối với các trường hợp nông dân vay vốn ngân hàng đầu tư cho hồ tiêu; đề xuất ngân hàng hỗ trợ các hộ trồng hồ tiêu bị mất trắng và bị giảm năng suất 30-70%. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu; tổ chức các hội nghị giới thiệu mô hình tưới tiết kiệm nước và canh tác hồ tiêu theo hướng bền vững. Định hướng của huyện là quy hoạch lại vùng phát triển cây hồ tiêu thuận lợi, xây dựng nguồn giống sạch bệnh để phát triển bền vững cây hồ tiêu trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT hình thành vườn ươm giống cung cấp cho nhân dân trên địa bàn, thực hành quy chuẩn VietGAP trong toàn bộ quy trình sản xuất, phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện chuyên đề tái canh cây hồ tiêu.
Sơn Ca