Krông Pa: Tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngay sau khi thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) gỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời triển khai công tác phòng-chống dịch trong điều kiện bình thường mới.

Tập trung phát triển kinh tế-xã hội

Sau 15 ngày tạm đóng cửa để phòng-chống dịch, chị Lê Thị Thảo vui mừng khi tiệm cắt tóc, gội đầu tại chợ Phú Túc của mình được phép hoạt động trở lại. Chị Thảo cho biết, từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3, tiệm làm tóc của chị phải đóng cửa để phòng-chống dịch. Tuy đã được Nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng, nhưng không có nghề phụ để bù lại thu nhập nên cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn. “Khi nghe tin thị trấn được gỡ phong tỏa tôi không khỏi vui mừng. Tuy lượng khách không đông như trước nhưng có việc làm, thêm thu nhập phụ giúp gia đình trong lúc khó khăn này. Hy vọng từ nay đến cuối năm, tiệm sẽ không phải đóng cửa vì dịch thêm lần nào nữa”-chị Thảo trải lòng.

Lực lượng chức năng huyện Krông Pa kiểm soát chặt chẽ phương tiện từ vùng có dịch vào địa phương. Ảnh: Vũ Chi
Lực lượng chức năng huyện Krông Pa kiểm soát chặt chẽ phương tiện từ vùng có dịch vào địa phương. Ảnh: Vũ Chi


Cùng với dịch vụ cắt tóc, gội đầu, các quán ăn uống, giải khát cũng được hoạt động trở lại, tuy chỉ được phép bán mang về. Bà Nguyễn Thị Thế-chủ quán cà phê Nhật Hạ (tổ 6, thị trấn Phú Túc) chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất khi thị trấn hết giãn cách là giao thông đi lại thuận lợi. Vì chỉ được phép bán mang về nên lượng khách giảm đáng kể, tuy nhiên được gặp khách hàng là tôi vui rồi. Hai vợ chồng mở thêm dịch vụ ship hàng để gia tăng thu nhập cho gia đình”.

Trong suốt thời gian phong tỏa, người dân tổ dân phố 5 thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Sáng 15-9, khi 5 chốt phong tỏa được gỡ bỏ, ai cũng thấy nhẹ nhõm. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện “3 tại chỗ” ở lại cơ quan làm việc trong thời gian qua đã được về đoàn tụ với gia đình. Người hối hả ra thăm đồng ruộng, chăm sóc cây trồng. Anh Ksor Hin (tổ dân phố 5) bộc bạch: “Đã hơn nửa tháng qua, thị trấn bị cách ly để phòng-chống dịch Covid-19, cả gia đình tôi chỉ ở trong nhà. Được chính quyền địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm, gia đình cũng bớt khó khăn. Sau khi hết phong tỏa là tôi đi chợ, nấu bữa ăn sáng mà các con ưa thích. Sau đó, vợ chồng lên rẫy thăm mì và lúa chuẩn bị cho thu hoạch. Thật mừng vì giai đoạn khó khăn nhất đã trôi qua”.

Tăng cường phòng-chống dịch trong trạng thái mới

Ghi nhận tại chợ Phú Túc, lượng người mua, bán tăng trở lại sau khi thị trấn gỡ phong tỏa. Tuy nhiên, người dân đều nâng cao ý thức phòng-chống dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Phượng-tiểu thương-cho biết: “Tuy sức mua tăng trở lại nhưng bà con ai cũng nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh nên đều tuân thủ quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đi chợ. Ban Quản lý chợ bố trí nước rửa tay sát khuẩn tại các cửa ra vào, phát loa thông báo tình hình dịch bệnh và tuyên truyền bà con các biện pháp cần thiết để tự bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh nên chúng tôi rất yên tâm”.

2Người dân thực hiện nghiêm quy định về đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đi chợ.Ảnh.Vũ Chi.jpg
Người dân thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) thực hiện nghiêm quy định về đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đi chợ. Ảnh: Vũ Chi


Theo ông Nguyễn Thanh Vân-Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Túc, với phương châm “khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp”, thời gian thị trấn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nguồn hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Chính quyền địa phương cũng đã kêu gọi ủng hộ nhu yếu phẩm trị giá trên 180 triệu đồng, hỗ trợ 316 hộ gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Hiện nay, tuy một số dịch vụ đã được mở cửa trở lại, nhưng phải cam kết tuân thủ quy định về phòng-chống dịch. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục duy trì các tổ tuần tra, kiểm soát công tác phòng-chống dịch cũng như 10 tổ Covid cộng đồng nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về phòng-chống dịch, phấn đấu nhanh chóng đưa thị trấn trở lại thành “vùng xanh” trên bản đồ dịch tễ.

Hiện huyện Krông Pa còn 21 trường hợp đang cách ly tập trung tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện và 795 trường hợp đang cách ly tại nhà. Tuy dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, song trên địa bàn có 3 nguy cơ tiềm ẩn khiến dịch bệnh có thể xuất hiện trở lại bao gồm: người từ vùng dịch trở về, trốn khai báo y tế, đi theo đường mòn về địa phương; lái xe, phụ xe từ vùng dịch tới, không thực hiện đúng lịch trình di chuyển như khai báo hoặc giấu người trên thùng xe; nguồn lây tại chỗ từ các trường hợp F0 tái dương tính hoặc những trường hợp dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung.

Do đó, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch huyện chỉ đạo, cùng với việc duy trì 3 chốt kiểm soát tại các xã Đất Bằng, Krông Năng, Chư Ngọc từ đầu mùa dịch, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra tại một số tuyến đường ngang, đường tắt vào địa bàn. Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-nhấn mạnh: Người dân cần nâng cao ý thức, phát hiện, báo với chính quyền địa phương những đối tượng lạ mặt xuất hiện để có hướng xử lý kịp thời. Với các tài xế, phụ xe từ vùng dịch ra vào địa phương bắt buộc phải có kết quả test nhanh âm tính trong 72 giờ. Lực lượng tại các chốt tiến hành kiểm tra, dán tem và thông báo đến Công an các xã, thị trấn kiểm soát lịch trình di chuyển của xe theo khai báo. Riêng với các trường hợp cách ly tại nhà, chính quyền địa phương tiến hành dán bảng, giăng dây, phân công lực lượng kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Sau ngày 20-9, Ban Chỉ đạo huyện sẽ đánh giá lại nguy cơ để có cơ sở cho phép hoạt động trở lại một số loại hình kinh doanh cần thiết khác.

 

VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.