Kit test nhanh Covid-19 khan hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước nhu cầu tự xét nghiệm của người dân tăng đột biến khiến thị trường kit test nhanh kháng nguyên Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai trở nên khan hiếm, thậm chí có nơi đứt hàng. Do vậy, ngành chức năng ngoài kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ còn tập trung xử lý nhằm kiểm soát giá cả, không để tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Nhiều tiệm thuốc hết hàng
Tại một số nhà thuốc Tây lớn trên địa bàn TP. Pleiku, lượng người đến hỏi mua bộ kit test nhanh Covid-19 tăng đột biến khiến mặt hàng này bắt đầu có dấu hiệu khan hiếm. Nhiều nơi đã thông báo hết hàng từ 2 tuần nay, có nơi thì quy định mỗi người tối đa chỉ được mua 2 bộ/lần. Chị Đào Thị Thanh Xuân-nhân viên Nhà thuốc Quang Trung (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho biết: Vào những thời gian cao điểm như buổi trưa, chiều tối, lượng người đến hỏi mua kit test rất nhiều. Với nhu cầu tăng cao như vậy nên nhà thuốc liên tục nhập hàng về để đảm bảo phục vụ người dân. Tuy nhiên, mấy ngày nay nguồn hàng đã bắt đầu ít đi, mỗi lần nhập về chỉ được vài hộp là bán hết, không còn hàng tồn như trước. Giá nhập vào đã tăng lên 70 ngàn đồng/bộ, trong khi đó nhà thuốc vẫn bán ra bằng với giá nhập vào để hỗ trợ người dân. “Chúng tôi bán bằng cách giới hạn 1 người tối đa chỉ 2 bộ, để ai cũng mua được, từ đó hạn chế số lượng người mua tích trữ dẫn đến bị đứt hàng liên tục”-chị Xuân nói.
Tại Nhà thuốc Hoàng (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku), lượng khách hàng hỏi mua kit test ra vào liên tục, nhưng hàng thì không có để bán. Chị Nguyễn Thị Thu Lệ-nhân viên bán hàng tại đây-cho hay: “Khoảng 1 tuần nay, nhu cầu mua kit test của người dân tăng rất mạnh. Thực ra, nếu chỉ mua đủ cho nhu cầu xét nghiệm nhanh thì không đến nỗi đứt hàng, nhưng nhiều người mua để trữ, có người đến mua 1 lần 10-20 bộ. Trong khi đó, hàng nhập về không ổn định, mỗi lần chỉ được vài hộp nên không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân”. Theo chị Lệ, nếu có hàng đầy đủ và liên tục thì mỗi ngày nhà thuốc có thể tiêu thụ khoảng 300 bộ kit test.   
Giá kit test Covid-19 dao động trong khoảng 70-95 ngàn đồng/bộ tùy vào nhà sản xuất. Ảnh: Vũ Thảo
Giá kit test Covid-19 dao động trong khoảng 70-95 ngàn đồng/bộ, tùy vào nhà sản xuất. Ảnh: Vũ Thảo
Theo tìm hiểu, nhu cầu sử dụng kit test Covid-19 của người dân tăng cao do dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nên nhiều người mua về để tự xét nghiệm khi bản thân và gia đình có yếu tố dịch tễ. Bên cạnh đó, do tâm lý lo lắng nên nhiều người đổ xô đi mua về dự phòng để test khi cần thiết. Chính vì nhu cầu tăng cao trong cùng một thời điểm nên lượng hàng không đáp ứng đủ, dẫn đến tình trạng khan hàng. Anh Trần Minh Hưng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi mua kit test về để dự phòng trong nhà lúc cần chứ hiện tại các thành viên trong gia đình không có yếu tố dịch tễ liên quan. Với lại mấy ngày qua nghe mọi người nói mua kit test rất khó, phải tìm ở nhiều nơi mới có nên tôi cũng tranh thủ đi mua vài bộ để ở nhà cho yên tâm”. Cùng chung tâm lý đó, chị Huỳnh Thị Hồng Nhung (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng tìm mua kit test để phòng khi cần thiết. “Tôi đi đến nhà thuốc thứ 3 mới mua được mấy bộ kit test. So với hồi tháng 1 thì giá đã tăng từ 70 ngàn đồng lên 90 ngàn đồng/bộ”-chị Nhung nói.
Tăng cường kiểm soát giá cả
Trong khi các nhà thuốc khan hiếm kit test thì trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện nhan nhản người bán. Tuy nhiên, giá mỗi kit test lại có sự chênh lệch khá lớn so với giá bán tại các nhà thuốc, thường dao động 100-130 ngàn đồng/bộ, tùy loại. Còn giá bán kit test tại các nhà thuốc dao động 70-95 ngàn đồng/bộ tùy theo hãng sản xuất như: Hàn Quốc, Đức, Thụy Điển, Mỹ… So với thời điểm hồi tháng 1, giá đã tăng 10-15 ngàn đồng/bộ. 
Lý giải điều này, một số người bán cho hay, khoảng 2 tuần qua giá nhập về tăng nên buộc phải tăng giá bán lẻ ra thị trường. Trước nhu cầu mua kit test Covid-19 tăng cao, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần mua hàng tại những nơi uy tín, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và chỉ nên mua khi có nhu cầu sử dụng, tránh gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường.
Nhiều cửa hàng bán thuốc tây cho biết nguồn hàng kit test hiện rất khan hiếm. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều cửa hàng bán thuốc Tây cho biết, nguồn hàng kit test Covid-19 hiện rất khan hiếm. Ảnh: Vũ Thảo
Về vấn đề này, ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh-cho hay: Mấy ngày qua, nhu cầu tự mua kit test Covid-19 của người dân tăng rất mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều nơi đứt hàng. Vì vậy, Cục Quản lý Thị trường đã ban hành văn bản yêu cầu các Đội Quản lý Thị trường tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán các mặt hàng kit test Covid-19 và thuốc điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng nhằm kiểm soát giá cả, không để tình trạng tăng giá bất hợp lý.
“Qua công tác kiểm tra cho thấy, hàng kit test bắt đầu khan hiếm, nhiều nơi đã thông báo hết hàng, giá cũng đã tăng hơn trước do giá nhập vào tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm này lực lượng Quản lý Thị trường vẫn chưa phát hiện cửa hàng nào bán trang-thiết bị y tế tăng giá quá mức quy định”-ông Hà khẳng định.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.