“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với phương châm “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.

Mrông Yố 2 là một trong những làng đặc biệt khó khăn của xã Ia Ka. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chính là cà phê, lúa nước. Tuy nhiên, do dân số ngày càng tăng, trong khi đất sản xuất có hạn nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Chị Rơ Chăm A'Lui-Trưởng thôn Mrông Yố 2-cho biết: “Tính đến cuối năm 2022, làng còn 14 hộ nghèo, 50 hộ cận nghèo. Thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quan tâm hỗ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, trao sinh kế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cũng như mở các lớp đào tạo nghề. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây cà phê cho năng suất cao hơn. Làng phấn đấu có thêm 3 hộ thoát nghèo vào cuối năm nay”.

Chị Rơ Chăm A'Lui (bìa phải)-Trưởng thôn Mrông Yố 2 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế với chị Rơ Châm Rên. Ảnh: Q.T

Chị Rơ Chăm A'Lui (bìa phải)-Trưởng thôn Mrông Yố 2 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế với chị Rơ Châm Rên. Ảnh: Q.T

Chị Rơ Châm Rên (làng Mrông Yố 2) kể: Sau khi lập gia đình vào năm 2013, vợ chồng chị được bố mẹ cho 2 sào cà phê và 1 sào lúa. Vì không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào diện tích đất ít ỏi nên cái nghèo cứ mãi đeo bám. Cả nhà 4 người phải sống trong căn nhà tôn tạm bợ. Năm 2022, gia đình chị được hỗ trợ 44 triệu đồng và tạo điều kiện vay vốn ưu đãi thêm 40 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà cấp 4. Không chỉ vậy, vợ chồng chị còn được tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê. Đặc biệt, chồng chị còn được hỗ trợ có việc làm ổn định tại Nhà máy Thủy điện Ia Ly. “Bây giờ, chồng mình đã có công việc ổn định với mức thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mình cũng áp dụng những kiến thức đã học để chăm sóc cà phê cho năng suất cao hơn. Gia đình mình sẽ nỗ lực làm ăn để có tiền lo cho 2 con ăn học và trả nợ ngân hàng”-chị Rên chia sẻ.

Cũng do thiếu đất và phương tiện sản xuất nên cuộc sống của gia đình bà Rơ Châm A'Nglih (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa) gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ phối hợp với chính quyền xã hỗ trợ gia đình bà 2 con dê và 1 con bò sinh sản; đồng thời, tạo điều kiện để con trai bà theo học lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê. Bà A'Nglih chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, bây giờ, nhà mình đã có 5 con dê. Con bò mới được hỗ trợ cũng đang sinh trưởng tốt. Con trai sau khi đi học nghề về cũng đã biết chăm sóc vườn cà phê. Dự kiến năng suất vườn cây năm nay sẽ cao hơn năm trước”.

Theo ông Phan Nguyên Trị-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, gia đình bà A'Nglih là 1 trong 6 hộ nghèo của làng Kênh. Để giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo, xã đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để trao sinh kế, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, xã đang triển khai rà soát, lựa chọn đối tượng để hỗ trợ bò sinh sản với tổng kinh phí 164 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, xã đã hỗ trợ sửa chữa và xây dựng nhà ở cho 2 hộ nghèo.

Chị Rơ Châm Rên (bên phải) đã biết chăm sóc cà phê để có năng suất cao hơn. Ảnh: Q.T

Chị Rơ Châm Rên (bên phải) đã biết chăm sóc cà phê để có năng suất cao hơn. Ảnh: Q.T

Theo số liệu từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, trong 2 năm (2022-2023), tổng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Chư Păh là 11,693 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương phân bổ 10,631 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,062 tỷ đồng.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Hoàng-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hàng năm, Phòng tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch về thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và hướng dẫn cho các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, trong đó đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp tổ chức thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người nghèo có ý thức vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Cùng với đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội nhằm chung tay giúp đỡ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 8,94% và dự kiến trong năm 2023 giảm còn 7,16%.

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.

Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện

Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện

(GLO)- Nhờ triển khai thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thời gian qua, Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) đã đạt được những thành tích nổi bật và khẳng định năng lực lãnh đạo toàn diện trên các mặt công tác.

Phú Thiện quyết tâm về đích nông thôn mới vào năm 2025

Phú Thiện quyết tâm về đích nông thôn mới vào năm 2025

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, huyện đã huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả khả quan.

Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Nhằm triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh đã thành lập các tổ cộng đồng theo dõi, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.

“Điểm tựa” của làng Ngo Le

“Điểm tựa” của làng Ngo Le

(GLO)- Chòm râu dài, ánh mắt sáng, dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn là ấn tượng của chúng tôi khi gặp già làng Rơ Lan Vọng, người được xem là “điểm tựa” của làng Ngo Le (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).