Khởi sắc ở vùng biên giới Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2020, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có 11 làng dân tộc thiểu số ở vùng biên giới về đích nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng của các làng có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Rơ Châm Lin-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mít Jép (xã Ia O) đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh làng. Trước mắt chúng tôi là những con đường đã được cứng hóa, nhà cửa đều có hàng rào, trước nhà được điểm tô bởi những khóm hoa sặc sỡ.
Ông Lin phấn khởi cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, cảnh quan của làng trở nên khang trang, sạch đẹp. Phong trào xây dựng NTM đem lại nhiều đổi thay, bà con thay đổi tư duy làm kinh tế, cuộc sống dần ổn định”.
Đường giao thông ở làng Lang (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) được cứng hóa, thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Thủy Bình
Đường giao thông ở làng Lang (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) được cứng hóa, thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Thủy Bình
Đầu năm 2020, làng Mít Jép đạt 15/19 tiêu chí NTM, 4 tiêu chí chưa đạt gồm: thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế và môi trường. Trong số đó, tiêu chí thu nhập khó thực hiện nhất khi bình quân thu nhập đầu người chỉ mới 32,5 triệu đồng/năm và còn 49 hộ nghèo.
Để hoàn thành các tiêu chí, UBND xã Ia O giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể hỗ trợ triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất; hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp và trồng xen các loại cây trồng ngắn ngày vào diện tích cà phê nhằm tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí để xây dựng và sửa chữa nhà ở. Nhờ sự vào cuộc tích cực, cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của làng Mít Jép đạt 41,05 triệu đồng.

Năm 2020, huyện Ia Grai triển khai xây dựng 11 làng NTM ở vùng biên giới theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, xã Ia O có 6 làng: O, Mít Kom 1, Mít Jép, Lân, Cúc, Kom 2. Xã Ia Chía có 5 làng: Kom Yo, Kom Ngố, Lang, Bía Ngó, Nú 2. Các làng được hỗ trợ hơn 31 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục, góp phần hoàn thành các tiêu chí.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, làng Mít Jép được hỗ trợ 600 triệu đồng để sửa chữa đường giao thông, 900 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho 20 hộ nghèo. 

Là 1 trong 5 làng của xã Ia Chía được chọn để xây dựng NTM, làng Lang cũng đã có những thay đổi rõ rệt. Đầu năm 2020, làng còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở và dân cư, thu nhập, tổ chức sản xuất và môi trường. Đến cuối năm, các thiết chế văn hóa đã bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của dân làng; làng không còn nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,14 triệu đồng/năm; người dân đã biết liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Về tiêu chí môi trường, 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch, các hộ tự thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Lựu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chía-chia sẻ: Là xã vùng biên, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xã được hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng. Xã cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng NTM. Nhờ đó, các làng đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2020 đều “cán đích” đúng hẹn. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, huy động nguồn lực để các làng còn lại sớm về đích NTM.
Trao đổi với P.V, ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Nhờ tập trung nguồn lực và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 11 làng của 2 xã Ia O và Ia Chía đều hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào cuối năm 2020. Đây là động lực để các làng còn lại nỗ lực về đích NTM trong thời gian tới. Năm 2021, xã Ia O phấn đấu về đích NTM. Vì thế, xã cần chủ động đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất để có thể về đích đúng hẹn.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm