(GLO)- Hiện nay, việc tương tác trên mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu với hầu hết những người sở hữu điện thoại thông minh. Cũng từ đây, nhiều cách ứng xử “bất thành văn” xuất hiện khiến cộng đồng mạng dở khóc dở cười.
Gần như mặc định, bất kỳ ai thay đổi avatar (ảnh đại diện) của Facebook, Zalo thành một màu đen, hoa sen đen hay ngọn nến, bạn bè sẽ ngầm hiểu là gia đình có người mất và vào bình luận, nhắn tin chia buồn. Thế nhưng, chiếc avatar màu đen đôi khi cũng đẩy những người dùng Facebook vào tình thế khóc dở mếu dở.
Hôm rồi, một người bạn trên Facebook chia sẻ dòng trạng thái: “Chia tay nhau thì xóa Facebook đi, còn bày đặt thay ảnh đại diện đen thui, làm tôi vào chia buồn cùng gia đình thì bị chửi oan”. Status khiến mọi người không thể ngừng cười này ngay lập tức nhận được rất nhiều sự đồng tình của cộng đồng mạng. “Em ghét nhất là “bòm” phát cho quả đen sì rồi mất hút. Trước khi để thì cũng nên viết tút vĩnh biệt cha, mẹ hoặc gì đó để người khác biết. Em nghĩ cũng không đau thương đến độ không viết được vài chữ. Nếu quá đau thương thì người ta đã không có thời gian lên Facebook để đổi avatar”-một người bạn bình luận. Một “nạn nhân” khác của avatar đen cũng cho hay: “Sau lần chia buồn nhầm một con mèo của gia chủ bị chết, anh tởn rồi”.
Mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng là một kênh để kết nối, sẻ chia và báo tin nhanh chóng nhất đến bạn bè. Song “lợi bất cập hại” khi chủ nhân của những avatar màu đen không cung cấp thêm bất kỳ thông tin gì ngoài dòng thông báo “vừa cập nhật ảnh đại diện” từ Facebook. Không đâu xa, em họ tôi cũng có lần vì quá buồn sau khi chia tay người yêu liền bao trùm màu đen tối lên trang cá nhân. Lúc ấy, cả gia đình tôi không hiểu dưới quê đã xảy ra chuyện gì liền tức tốc gọi điện thì mới vỡ lẽ. Cậu em tôi sau khi nhận một trận giáo huấn từ các bậc cha chú cũng đổi một tấm ảnh khác bớt u sầu hơn.
Nếu không kể đến những trường hợp “cười ra nước mắt” ở trên thì việc thả một chiếc ảnh đen thui rồi mất hút cũng gây khó xử cho hàng trăm bạn bè. Không ít lần, tôi phải “lội” đến cả trăm bình luận “chia buồn cùng em/anh/chị và gia đình” trên Facebook của chủ nhân avatar nhằm tìm kiếm chút thông tin cụ thể ai vừa qua đời để viết lời chia buồn cho phù hợp. Đôi lúc, sẽ có một người bạn nào đó biết chuyện thấy có quá nhiều câu hỏi “nhà có chuyện gì vậy?”, “ai mất vậy em?”, “có làm sao không?”… thì sẽ thay gia chủ vào báo tin, nhưng có những khi, tìm hoài vẫn không thấy câu trả lời.
Không chỉ chia buồn, việc lấp lửng báo tin vui trên mạng xã hội cũng khiến người ta đau đầu không kém. Câu “Chào mừng con” kèm theo bức ảnh siêu âm thai nhi mấy tuần tuổi của một người bạn trên Facebook khiến tôi lưỡng lự không biết nên vào chúc mừng như thế nào. Sau khi lướt vài chục câu chúc mừng gần như rập khuôn như nhau, không có thêm chút tin tức nào để làm sáng rõ hơn thắc mắc trong đầu, tôi đành “ngó lơ” status ấy, xem như không thấy. Thà bỏ sót còn hơn chúc mừng nhầm.
Vậy mới thấy, văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội cũng cần phải suy ngẫm. Nếu chúng ta đã chọn các nền tảng này để làm nơi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn thì cũng cần thông tin rõ ràng, cụ thể, tránh những trường hợp hiểu lầm đôi khi dễ dẫn đến rạn nứt tình cảm, ảnh hưởng đến quan hệ ngoài đời thực giữa đôi bên.
KHÔI NGUYÊN