Khó nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Từ năm 2010 đến nay, việc thực hiện các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) do Trạm Khuyến nông huyện triển khai đều thuận lợi, và hầu hết là hiệu quả. Thế nhưng để nhân rộng các mô hình này trên địa bàn thì không phải chuyện đơn giản”-ông Võ Ngọc Châu-nguyên Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa khẳng định.

Mặc cho mây đen vần vũ, anh Ra Lan Wit Tri Na-cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa vẫn vui vẻ chở tôi đi xã Phú Cần để xem các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN. Anh Tri Na giải thích: Nhiều mô hình được triển khai ở Phú Cần vì đây là xã gần trung tâm huyện, đời sống của người dân tương đối khá giả, các hộ vừa có vốn đối ứng, vừa có nhận thức tốt lại rất có trách nhiệm khi tham gia.

 

Dự án trồng mì ở Krông Pa đã phát huy hiệu quả.  Ảnh: N.D
Dự án trồng mì ở Krông Pa đã phát huy hiệu quả. Ảnh: N.D

Mải nói chuyện, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến buôn Luk. Anh Tri Na chỉ vào ngôi nhà bên đường bảo: “Đây là nhà Ksor Lik (ama Thoát), một trong 7 hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò lai. Dự án này Trạm triển khai thực hiện từ tháng 1- 2015 đến tháng 12-2016 ở thị trấn Phú Túc và xã Phú Cần”. Chỉ vào cặp bò lai đang thong thả gặm cỏ trên một khu ruộng bỏ trống, Ama Thoát khoe: “Con bò cái của nhà mình có chửa 2 tháng rồi đấy. Thế là con bò đực đã phối giống được 2 con rồi nhé”.

Rồi quay sang tôi, anh kể: “Cặp bò này khi Trạm Khuyến nông huyện cấp cho nhà mình tham gia mô hình hồi tháng 5-2015, nó đã được 18 tháng tuổi. Nhà mình còn được Trạm hỗ trợ 1 máy băm cỏ và 1 kg giống cỏ VA06 đủ trồng 1 sào cỏ để nuôi 4 con bò, mình không phải tốn thời gian đi cắt cỏ cho bò nữa. Nhưng giống cỏ này thân cứng, phải băm bò mới nhai được nên mình thích trồng giống cỏ sả lá lớn hơn. Cỏ sả lá lớn hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, thân lá mềm chỉ việc cắt rồi ném vào cho bò ăn luôn. Mình là Bí thư chi bộ buôn Luk nên phải tích cực thực hiện mô hình thì mới tuyên truyền, vận động bà con dân làng làm theo được”. Đưa tay khoát một vòng những rẫy mì xung quanh lá lên xanh ngắt báo hiệu một vụ bội thu, ama Thoát tự hào: “Đây hoàn toàn là mì giống mới của bà con buôn Luk trồng đấy. Có hộ được xã cho giống, có hộ trước đây cũng tham gia mô hình rồi để giống lại trồng tiếp, có hộ tự mua giống về trồng”.

Anh Nay Trái đang làm cỏ đám mì cạnh nhà ama Thoát cho biết: Trước đây gia đình anh trồng mì giống cũ năng suất chỉ được 20 tấn tươi/ha, thu 30 triệu đồng/năm. Năm 2015, xã cấp cho 100 bó giống mì mới, gia đình mua thêm trồng 1 ha, năng suất tăng lên được 30 tấn, thu trên 45 triệu đồng/năm. Năm nay, gia đình tự để giống tiếp tục trồng. Mì phát triển rất tốt.

Nguyên Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Võ Ngọc Châu cho biết: Từ nguồn vốn ứng dụng tiến bộ KHCN do Sở Khoa học và Công nghệ cấp, từ năm 2010 đến nay, Trạm được UBND huyện, mà trực tiếp là Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện giao triển khai thực hiện 7 dự án ứng dụng KHCN gồm: trồng mì giống mới xen đậu xanh có tưới; nuôi đà điểu dưới tán cây điều; nuôi nhím sinh sản và thương mại hộ gia đình; nuôi kỳ đà thương phẩm hộ gia đình; trồng mì giống mới có tưới tại cánh đồng lòng hồ Ia Mlah; hộ phát triển chăn nuôi bò lai; hộ trồng rau an toàn. Trong số này, duy nhất dự án nuôi đà điểu dưới tán cây điều năm 2010 là không thành công. Các dự án còn lại tương đối hiệu quả, đặc biệt là các dự án trồng mì giống mới. Việc thực hiện các dự án trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao giá trị sản lượng nông-lâm nghiệp trong vùng; tăng số lượng đàn bò lai, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, từng bước nâng cao trình độ dân trí, hình thành ý thức tự giác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân dân, góp phần đào tạo và nhân rộng kiến thức khoa học kỹ thuật nhất là trong các hộ dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, các dự án còn giúp nông dân tận dụng được khoảng không gian nhỏ hẹp trong gia đình, các nguồn sản phẩm dư thừa trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này không dễ, nhất là đầu ra cho sản phẩm, đơn cử mô hình trồng mì giống mới. Hiện toàn huyện có 16 ngàn ha mì, năng suất bình quân 30-40 tấn/ha nhưng chỉ có 1 nhà máy chế biến. Do vậy, người dân thường bị ép giá, thậm chí không thu mua. Hay mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm, trước đây giá bán 300 ngàn đồng/kg nên người dân nuôi rất nhiều. Nhưng sau đó, giá giảm xuống 200 ngàn đồng/kg, thậm chí thấp hơn và lượng tiêu thụ rất ít. Mặt khác, một số hộ chưa quan tâm làm giấy phép kinh doanh nên khi bán giống hoặc kỳ đà thương phẩm ra thị trường ngoài địa bàn, ngoài tỉnh gặp khó khăn. Hoặc mô hình rau an toàn rất hiệu quả nhưng chưa quy hoạch được khu vực chợ bán rau an toàn riêng nên chưa nhân rộng được. “Những vấn đề này đều nằm ngoài khả năng của Trạm”-ông Châu khẳng định.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính công của UBND TP. Pleiku. Ảnh Hà Duy

Công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(GLO)- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long vừa ký ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.