(GLO)- Chư Sê không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu… Nơi đây còn được biết đến với nhiều tài nguyên khoáng sản như: đá vôi; đá granite; than bùn; đá bazan khối hoặc bazan làm vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, việc cấp phép và hoạt động chế biến khai thác các loại khoáng sản trên địa bàn huyện Chư Sê hiện nay gặp không ít khó khăn.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê, hiện tại toàn huyện có 18 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với diện tích trên 113 ha. Trong đó, Bộ Công nghiệp cấp phép cho 2 đơn vị với diện tích 29,2 ha. UBND tỉnh cấp 16 giấy phép với diện tích 84 ha. Tập trung nhiều nhất là xã Hbông 13 doanh nghiệp hoạt động khai thác các loại đá vôi, granite, đá bazan trụ và bazan làm vật liệu xây dựng thông thường… với diện tích 88 ha. Còn lại các doanh nghiệp khác đứng chân trên địa bàn các xã Ia Tiêm, Bar Măih và Ia Pal.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Thời gian qua, các đơn vị chức năng huyện Chư Sê thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.
Qua các đợt kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đều xuất trình đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động khai thác chế biến của mình. Tuy nhiên, khi kiểm tra ngoại nghiệp đã xuất hiện một số bất cập cần xem xét. Tại Doanh nghiệp tư nhân Đại Minh- xã Ia Pal, từ đầu năm 2013 đến nay doanh nghiệp này không hoạt động với lý do thiết bị máy móc bị hư hỏng đang tu sửa. Cũng tại xã Ia Pal, Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Tây Nguyên khai thác đá bazan trụ và bazan khối cũng dừng hoạt động khai thác từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, tại xã Hbông khi kiểm tra ngoại nghiệp Công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai chuyên khai thác khoáng sản đá bazan trụ và bazan khối từ khi được cấp phép năm 2011 đến nay chưa hoạt động khai thác. Cũng tại xã Hbông Doanh nghiệp tư nhân Đức Thịnh đã khai thác ngoài khu vực được cấp phép bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng…
Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác chế biến khoáng sản chưa thực hiện nghĩa vụ cam kết thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương. Một số doanh nghiệp từ khi hoạt động đến nay vẫn chưa nộp tiền thuê đất. Đơn cử như Doanh nghiệp Đại Minh chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2011-2013 trên 25 triệu đồng, chưa thực hiện hỗ trợ 15 triệu đồng/năm cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Không những vậy, hầu hết đều chưa chịu nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quyết định của UBND huyện Chư Sê.
Bên cạnh hoạt động khai thác chế biến đúng giấy phép, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng đã xuất hiện rải rác. Từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng huyện Chư Sê đã phát hiện và xử lý hành chính 3 vụ khai thác trái phép với khối lượng khoáng sản tịch thu được 220 m3 đá bazan cục, trên 700 viên đá chẻ với số tiền phạt lên đến trên 72 triệu đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Chư Sê, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản từ đầu năm đến nay không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do thị trường tiêu thụ yếu.
Ông Nguyễn Đình Viên- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê nhìn nhận: Khó khăn hiện nay là trên các nương rẫy của người dân, có đá xây dựng hoặc đá mồ côi nổi trên mặt đất. Khi cải tạo đất sản xuất người dân thường lấy về sử dụng hoặc chẻ bán cho các đại lý. Vì vậy, rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, việc kiểm tra số lượng khai thác ra còn nhiều bất cập vì các đơn vị có thể khai thác nhiều hơn, nhưng khai báo với cơ quan chức năng ít. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay là vận chuyển khoáng sản trên các tuyến quốc lộ không thể ngăn chặn được.
Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, nếu huyện Chư Sê không có những giải pháp hữu hiệu trong việc khai thác chế biến. Trong một tương lai gần nguồn này sẽ bị cạn kiệt.
Nguyễn Diệp