Khi hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình “Hỗ trợ sinh kế” do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Nông dân huyện và Huyện Đoàn triển khai từ tháng 4-2021 tại xã Ia Krai với mục tiêu giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

15 hộ nghèo và cận nghèo của 3 làng: Dọch Ia Krót, Dọch Tung và Dọch Kuế được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Kinh phí được trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện và Quỹ Cứu trợ của tỉnh. Ông Nguyễn Đức Tấn-Chủ tịch UBND xã Ia Krai-cho biết: Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Do đó, Mặt trận và hội, đoàn thể lựa chọn, bình xét các gia đình phù hợp với tiêu chí. Trước khi triển khai, xã tổ chức họp các hộ dân trong làng để lấy ý kiến. Trên cơ sở đó, xã thống nhất để các hộ nhận tiền rồi tự mua bò giống về nuôi. Nhằm tránh việc người dân nhận tiền mà không mua bò hoặc sử dụng tiền không đúng mục đích, xã đề nghị các hộ chuẩn bị sẵn chuồng nuôi, liên hệ trước với nơi bán để khi nhận tiền xong sẽ dắt bò về chuồng. Đồng thời, cán bộ Mặt trận và hội, đoàn thể thường xuyên đôn đốc, kiểm tra xem các hộ có thực hiện đúng với cam kết hay không.

 Chị Ksor Thẻ chăm sóc con bò vừa được hỗ trợ. Ảnh: Anh Huy
Chị Ksor Thẻ chăm sóc con bò vừa được hỗ trợ. Ảnh: Anh Huy


Trước ngày nhận tiền hỗ trợ, vợ chồng chị Ksor Thẻ (làng Dọch Ia Krót) vay mượn họ hàng 1 triệu đồng mua tôn và xi măng để làm chuồng bò. Chị cũng nhờ người quen dẫn sang làng bên để chọn bò giống. Chị Thẻ bộc bạch: “Mình thích nuôi bò nhưng không có tiền mua. Gia đình chỉ có 20 triệu đồng thu được từ vườn điều mỗi năm không đủ chi tiêu. Vợ chồng mình thay nhau làm thuê mỗi ngày mới có tiền lo cho các con. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, vợ chồng mình sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để bò khỏe mạnh, tăng đàn”.

Tương tự, từ ngày có con bò nuôi sau vườn, gia đình chị Rơ Châm Kăm (làng Dọch Ia Krót) vui hơn hẳn. Không có đất sản xuất, căn nhà chị đang ở quây tạm bằng những tấm tôn trên nền đất và đã xuống cấp. Vì vậy, con bò được hỗ trợ là niềm hy vọng của 4 thành viên trong gia đình. Tranh thủ những ngày hè, cô con gái lớn Rơ Châm My phụ bố mẹ dắt bò ra bãi đất trống ở cuối làng chăn thả.

Năm 2018, gia đình anh Siu Lơ (làng Dọch Kuế) được địa phương hỗ trợ 1 con bò giống làm sinh kế. Nhờ chăm sóc tốt và phòng bệnh đầy đủ, bò nhanh lớn và đã sinh sản. Với mục tiêu giúp gia đình anh thoát nghèo bền vững, năm 2021, địa phương tiếp tục hỗ trợ thêm 1 con bò nữa. “Sắp tới, mình làm lại chuồng nuôi cho rộng rãi, chắc chắn. Mình sử dụng phân bò bón cho vườn điều, cà phê để tăng năng suất”-anh Lơ nói.

Trực tiếp theo sát và quản lý 10 hộ được nhận hỗ trợ sinh kế, chị Rơ Châm Byich-Bí thư Đoàn xã-cho hay: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các gia đình từ việc làm chuồng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát đến việc chăm sóc, phòng bệnh. Bò có bất cứ triệu chứng gì đều phải thông báo để cán bộ thú y xuống kiểm tra, xử lý”.

“Xã Ia Krai còn 126 hộ nghèo. Mục tiêu của xã là giảm 41 hộ nghèo vào cuối năm 2021. Cùng với đó, xã tập trung nguồn lực để phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2021 và làng Dọch Ia Krót đạt chuẩn làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”-Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.