Ôn tập, thi thử phù hợp với điều kiện thực tế
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra song song Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và Chương trình GDPT 2006. Kỳ thi còn có sự thay đổi về cả hình thức lẫn cấu trúc đề thi. Chính vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy; đồng thời, phổ biến quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tổ chức cũng như rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự tham gia kỳ thi.
Hiện nay, các trường học đang tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện, nhất là kiến thức và tâm thế cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi. Với điều kiện đặc thù, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã triển khai kế hoạch ôn tập từng môn học với thời gian và số tiết phù hợp.
Thầy Rmah Kmlă-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Toàn trường có 4 lớp 12 với 130 em. Các em ở nội trú 100% nên thuận lợi cho thầy-cô giáo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là quyết tâm duy trì tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Sau khi có kết quả thi thử, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các thầy cô lập danh sách học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp để tiếp tục phụ đạo, ôn tập.

Em Siu Huệ (lớp 12A) chia sẻ: “Thầy-cô giáo hướng dẫn, phân tích rất kỹ lưỡng về cấu trúc đề thi mới để chúng em nắm bắt, tiếp cận và vận dụng tốt nhất. Với số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực, nhà trường đã thường xuyên kiểm tra khảo sát ở tất cả môn thi. Từ đó, phân loại học sinh theo từng nhóm năng lực học tập, giúp chúng em nắm chắc mức độ nhận biết yêu cầu đề thi”.
Tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện), đội ngũ giáo viên đã linh hoạt triển khai chương trình ôn tập miễn phí cho học sinh lớp 12. Năm học 2024-2025, những thay đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy và hình thức thi đã tạo không ít áp lực đối với học sinh.
Chính vì vậy, sự hỗ trợ, đồng hành của giáo viên giúp các em có tâm thế tốt nhất khi bước vào kỳ thi. Em Ksor H’Ưng (lớp 12A5) chia sẻ: “Mỗi tuần, em tham gia học 4 tiết phụ đạo để củng cố kiến thức và định hướng kỹ năng ôn tập”.
Để đảm bảo chất lượng dạy và học, theo thầy Nguyễn Chí Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn: “Chúng tôi đã phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có để xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học bổ trợ kiến thức trong nhà trường, đảm bảo khoa học, phù hợp, đúng quy định. Hiện giáo viên của trường đang dạy bổ trợ kiến thức cho 7 lớp khối 12 ở các môn: Toán, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới, là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình GDPT 2018 cùng với Chương trình GDPT 2006. Đặc biệt, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh cả nước sắp xếp lại bộ máy chính quyền. Chính vì vậy, công tác tổ chức cần phải thật sự chu đáo, kỹ lưỡng. Mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi đã và đang được Sở GD-ĐT tiến hành theo đúng tiến độ, kế hoạch và tiếp tục chỉ đạo triển khai các công việc, các khâu còn lại theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trên tinh thần làm việc khẩn trương, không chủ quan và chuẩn bị tốt phương án để tổ chức thành công kỳ thi”.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh là đơn vị giáo dục đặc thù khi học viên có nhiều hạn chế về học lực. Do đó, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp ôn tập riêng biệt cho học viên để “chống trượt” tốt nghiệp.
Theo Giám đốc Trung tâm Võ Văn Tiên: Trung tâm đang tập trung ôn tập, phân lớp theo nhóm năng lực học viên. Đối với học viên học theo Chương trình GDPT 2006 nhưng chưa tốt nghiệp THPT, Trung tâm phân công giáo viên dạy sát nội dung kiến thức mà học viên cần hoặc thiếu, rèn luyện cho học viên các kỹ năng làm bài thi.
Để rà soát kiến thức cũng như giúp học sinh rèn luyện kỹ năng trước khi bước vào kỳ thi chính thức, Sở GD-ĐT vừa tổ chức kỳ thi thử trên quy mô toàn tỉnh. Hơn 15.500 thí sinh đã tham gia kỳ thi thử tại 42 điểm thi. Đây được xem là đợt tập dượt quan trọng, giúp học sinh làm quen với nội dung, hình thức cấu trúc định dạng đề thi. Từ kết quả của kỳ thi này, các trường có căn cứ để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ôn tập phù hợp với năng lực thực tế của học sinh.
Em Nguyễn Phương Uyên (lớp 12A3, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) cho hay: “Qua kỳ thi thử, em được tiếp cận với bộ đề minh họa mới với cách thức thi mới. Thời điểm này, chúng em đang trong giai đoạn tăng tốc ôn lại kiến thức trọng tâm, tập trung hệ thống lại các chuyên đề theo từng môn học, toàn bộ kiến thức đã học”.

Thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám-cho rằng: Kỳ thi thử giúp nhà trường phân tích kết quả để có sự phân hóa học sinh, bám sát năng lực để các em được ôn tập phù hợp. Sau khi kết thúc kiểm tra cuối kỳ II, nhà trường tiếp tục tăng cường ôn tập để các em được rèn luyện kỹ năng, phương pháp làm bài thi, chuẩn bị tâm lý và hành trang tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc
Đến nay, các khâu chuẩn bị cho kỳ thi được Sở GD-ĐT triển khai theo đúng kế hoạch và đảm bảo tiến độ. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng đã họp bàn về công tác chuẩn bị cho kỳ thi; thông qua dự thảo phân công nhiệm vụ các thành viên và dự thảo kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo. Các ngành, địa phương đang gấp rút xây dựng phương án nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Toàn tỉnh có 16.212 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (tăng 974 thí sinh so với năm 2024). Trong đó, 15.504 thí sinh đang học lớp 12 và 708 thí sinh tự do. Kỳ thi năm nay được tổ chức từ ngày 25 đến 28-6 (ngày 25-6 họp chuẩn bị và làm thủ tục thi; ngày 26 và 27-6 thi chính thức; ngày 28-6 dự phòng).
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định thông tin: Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường phổ thông tiến hành rà soát, cập nhật thông tin của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành.
Đồng thời, bổ sung, cập nhật đầy đủ thông tin kết quả học tập, rèn luyện của các năm học lớp 10, 11, 12 cho thí sinh và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2025; hướng dẫn các đơn vị tổ chức hỗ trợ cho học sinh đang học lớp 12 đăng ký dự thi trực tuyến, thu nhận hồ sơ và nhập hồ sơ vào hệ thống Quản lý thi của Bộ GD-ĐT cho các thí sinh tự do.
Bên cạnh đó, Sở thành lập các đoàn kiểm tra chéo hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi; tổ chức kiểm tra tính chính xác về điều kiện đăng ký dự thi và hồ sơ, thông tin cá nhân, diện ưu tiên, dữ liệu kết quả rèn luyện và học tập các lớp bậc THPT, làm cơ sở để rà soát, xác nhận hồ sơ thí sinh dự thi.

Căn cứ vào quy chế thi và số lượng thí sinh đăng ký dự thi, Sở GD-ĐT đã kiểm tra, khảo sát, chọn đặt 42 điểm thi tại các trường phổ thông ở 17 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, tại mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn đặt 1 điểm thi dự phòng theo quy chế. Dự kiến có 689 phòng thi chính thức. Riêng đối với thí sinh tự do dự thi đề thi của Chương trình GDPT 2006, Sở GD-ĐT sẽ bố trí 1 điểm thi tại TP. Pleiku.
“Sở cũng đã điều động khoảng hơn 2.800 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; phối hợp với Công an tỉnh điều động hơn 320 lượt cán bộ, chiến sĩ; phối hợp với Sở Y tế điều động 44 y-bác sĩ làm nhiệm vụ trong các ban của Hội đồng thi. Công tác thông tin, tuyên truyền về phổ biến quy chế thi, các quy định, hướng dẫn về kỳ thi được chú trọng, đảm bảo cho mọi thí sinh và phụ huynh có con em dự thi nắm bắt được những thông tin chính xác, kịp thời”-Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.

Phát huy tinh thần xung kích, đội hình tình nguyện tiếp sức mùa thi của Tỉnh Đoàn đã sẵn sàng đồng hành cùng các sĩ tử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” được Tỉnh Đoàn duy trì từ năm 2015 đến nay.
Anh Nguyễn Chí Hiếu-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: “Sau khi nắm rõ các điểm thi, chúng tôi tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể để có phương án hỗ trợ kịp thời. Hy vọng, sự góp sức của các tình nguyện viên sẽ tạo động lực, niềm tin giúp thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi”.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào ngày 12-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nâng cao trách nhiệm, xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ theo đúng vị trí, thẩm quyền của mình. Các địa phương cần chủ động kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan, đảm bảo điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi.
Sở GD-ĐT phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các học sinh khó khăn cần được hỗ trợ; đặc biệt quan tâm đến thí sinh tự do dự thi đề thi của Chương trình GDPT 2006. Đồng thời, cần làm tốt công tác truyền thông với tinh thần thông tin đúng, đầy đủ, khách quan, kịp thời để phụ huynh, học sinh và toàn xã hội hiểu rõ và đồng thuận cao trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.