Kbang quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã tạo điều kiện thuận lợi giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Hay (làng Hợp, thị trấn Kbang) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2023, gia đình chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Kbang hỗ trợ 1 con dê đực và 2 con dê cái để tạo sinh kế. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê của chị phát triển lên 10 con. Niềm vui tiếp nối với gia đình chị khi được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu năm 2025, gia đình chị Hay đã thoát nghèo.

Cũng trong năm 2023, gia đình chị Đinh Thị Kreh (làng Htăng, thị trấn Kbang) được hỗ trợ 3 con heo đen sinh sản để tạo sinh kế. Đến nay, gia đình chị đã nhân đàn lên đến 30 con.

Chị Kreh cho biết: Heo con nuôi 2-3 tháng thì đạt trọng lượng 5-8 kg, có thể xuất bán giống với giá khoảng 180-220 ngàn đồng/kg. Còn heo thương phẩm nuôi 12-15 tháng sẽ đạt trọng lượng 50-60 kg, giá bán 110-150 ngàn đồng/kg. Cuối năm 2024, chị xuất bán một lứa heo thương phẩm cộng với tiền bán heo giống thu được hơn 20 triệu đồng.

nho-duoc-ho-tro-mo-hinh-nuoi-heo-den-sinh-san-gia-dinh-chi-dinh-thi-kreh-lang-htang-thi-tran-kbang-da-vuon-len-thoat-ngheo.jpg
Nhờ được hỗ trợ mô hình nuôi heo đen sinh sản, gia đình chị Đinh Thị Kreh (làng Htăng, thị trấn Kbang) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: M.P

Theo ông Đinh Văn Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang: Thời gian qua, đơn vị phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội huyện xây dựng mô hình thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ xây dựng 2 mô hình nuôi bò và dê sinh sản tại xã Đông và Nghĩa An (15 triệu đồng/mô hình); 5 tổ chức chính trị-xã hội huyện triển khai 5 mô hình.

ong-dinh-van-hai-pho-chu-tich-uy-ban-mttq-viet-nam-huyen-den-tham-quan-mo-hinh-nuoi-heo-den-cua-gia-dinh-chi-dinh-thi-kreh-lang-htang-thi-tran-kbang.jpg
Ông Đinh Văn Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tham quan mô hình nuôi heo đen của gia đình chị Đinh Thị Kreh (làng Htăng, thị trấn Kbang). Ảnh: M.P

Ngoài ra, MTTQ và đoàn thể các xã, thị trấn cùng ban công tác Mặt trận khu dân cư triển khai thực hiện 116 mô hình với 1.556 hộ tham gia. Trong đó, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: nuôi bò, dê sinh sản; nuôi heo đen; trồng cây ăn quả...

“Thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ chọn một số mô hình hiệu quả để nhân rộng cho người dân học tập và làm theo. Đồng thời, vận động người dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo”-ông Hải nêu giải pháp.

Trong khi đó, ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung thì cho biết: Xã đã lồng ghép triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ giảm nghèo giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Năm 2024, xã đã hỗ trợ 28 con bò sinh sản cho 28 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 706 triệu đồng; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với kinh phí trên 687 triệu đồng cho 19 hộ nghèo, cận nghèo; triển khai các dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn; hỗ trợ việc làm.

Theo bà Đặng Ngọc Giàu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện: Năm 2024, huyện đã phân bổ gần 3,5 tỷ đồng hỗ trợ 12 dự án cho 536 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 10 xã, thị trấn. Các dự án tập trung hỗ trợ chăn nuôi, phân bón để chăm sóc hiệu quả diện tích cà phê, mắc ca; máy móc, công cụ sản xuất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

“Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đều được triển khai theo hình thức sinh kế cộng đồng, thông qua tổ hợp tác nên nội dung hỗ trợ cũng xuất phát từ nhu cầu nguyện vọng, đề xuất của người dân. Nhờ vậy, hầu hết dự án được người dân đồng tình ủng hộ và đóng góp đối ứng kinh phí để thực hiện”-ông Tình thông tin thêm.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Từ các nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân về vật nuôi, cây trồng, phân bón. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức làm ăn để chủ động vươn lên thoát nghèo.

Đến cuối năm 2024, toàn huyện còn 1.649 hộ nghèo, giảm 410 hộ so với năm 2023. Trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 1.490 hộ, giảm 4,32%. Với những kết quả đạt được, năm 2025, huyện đặt mục tiêu giảm 614 hộ nghèo, cận nghèo.

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

(GLO)- Sau gần 6 năm chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng ổi Ruby, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã có thu nhập ổn định. Với việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm ổi của chị cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những chuyển biến tích cực khi không để xảy ra cháy rừng và xuất hiện điểm “nóng” hay những vụ việc nổi cộm.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.