Ia Sao tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tập trung nguồn lực hỗ trợ sinh kế, nhà ở và tạo việc làm cho người nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội.

Hỗ trợ tối đa cho hộ nghèo

Xã Ia Sao có 78% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2023, xã còn 35 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo. Hầu hết hộ nghèo đều thiếu hụt tiêu chí về nhà ở, thiếu phương tiện sản xuất, nước sạch và vệ sinh môi trường. Với mục tiêu xóa hoàn toàn hộ nghèo trong năm 2024, xã tiến hành rà soát, phân loại để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp.

ia-sao-tap-trung-nguon-luc-giam-ngheo-ben-vung-bg-4180.jpg
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án, sự chung tay góp sức của người dân, diện mạo buôn H’Liếp ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: V.C

Theo đó, với nhóm hộ nghèo có khả năng lao động, xã huy động nguồn lực hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn vay vốn ưu đãi, cung cấp kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện cho lao động nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; phân công nhiệm vụ các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ hộ nghèo vươn lên.

Đối với nhóm hộ nghèo không có khả năng lao động thì vận động người thân, họ hàng đưa về cùng sống với gia đình... Nhờ được hỗ trợ đồng bộ từ các chương trình, nhiều hộ nghèo có cơ hội vươn lên, ổn định cuộc sống.

Gia đình chị Nay H’Nin (buôn Khăn) thuộc diện hộ nghèo. Do không thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vợ chồng chị sinh liền 4 đứa con trong vòng 8 năm sau khi cưới. Cả gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào mì nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2023, gia đình chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã trao tặng căn nhà tình nghĩa. Đầu năm 2024, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm 1 con bò sinh sản từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chị H’Nin biết cách trồng cỏ, tích trữ rơm khô làm nguồn thức ăn dự trữ cho bò. Anh chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại và bổ sung dinh dưỡng giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh.

Ngoài ra, chị H’Nin còn tham gia lớp xóa mù chữ do xã tổ chức. Từ chỗ không biết chữ, đến nay, chị đã viết được tên mình và làm các phép tính đơn giản. Chồng chị thì được Hội Nông dân xã giới thiệu đi làm phụ hồ cho một công ty xây dựng với thu nhập 250.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị dần ổn định. Vừa qua, khi rà soát, gia đình chị đã đảm bảo các tiêu chí để thoát nghèo.

2vc-6882.jpg
Chị Nay H’Nin (buôn Khăn) chăm sóc con bò được hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: V.C

Chị H’Nin phấn khởi chia sẻ: “Gia đình mình đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương. Bây giờ, mình phải thoát nghèo để nhường lại sự hỗ trợ cho các gia đình khác khó khăn hơn. Vợ chồng mình sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, không phụ sự giúp đỡ của mọi người”.

Cuộc sống của gia đình chị Nay H’Blăh (buôn H’Liếp) cũng chuyển biến tích cực khi được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ. Vợ chồng chị H’Blăh lấy nhau đã hơn 20 năm nhưng do sức khỏe của chị không đảm bảo nên đến giờ vẫn chưa có con. Bao nhiêu của cải gom góp đều dành để chữa bệnh. Căn nhà sàn dựng tạm khi ra ở riêng đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có điều kiện sửa chữa.

Biết được hoàn cảnh gia đình chị, năm 2024, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, xã hỗ trợ 44 triệu đồng giúp chị xây dựng căn nhà mới khang trang; đồng thời cấp 1 con bò sinh sản, 1 bồn chứa nước, giúp xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh.

Chị H’Blăh bộc bạch: “Giờ đây, vợ chồng tôi đã có căn nhà khang trang, có bò để phát triển chăn nuôi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm. Vợ chồng tôi sẽ chăm chỉ làm ăn để phấn đấu thoát nghèo trong năm nay”.

Ông Ksor Kráo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn H’Liếp-cho hay: Buôn có 179 hộ nhưng chỉ còn 7 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Với mục tiêu xóa 6 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo trong năm 2024, hướng tới xây dựng làng nông thôn mới, ngay từ đầu năm, buôn đã tiến hành rà soát hộ nghèo theo các tiêu chí, họp dân để lựa chọn đối tượng hỗ trợ, giúp hộ nghèo vươn lên. Buôn được hỗ trợ 2 căn nhà, 6 con bò sinh sản và 5 bồn nước cùng với công trình vệ sinh.

Hiện toàn buôn không còn nhà tạm, nhà dột nát. Bò sinh sản cấp cho hộ nghèo phát triển khỏe mạnh, công trình nước sạch phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cho bà con. Các chương trình được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo niềm tin và động lực cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ kịp thời, hiệu quả

Những năm qua, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền xã Ia Sao đặc biệt quan tâm. Hàng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, sát với tình hình thực tế địa phương; phân công các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân phụ trách giúp đỡ từng hộ gia đình; phân bổ chỉ tiêu cho từng thôn, buôn; rà soát nhu cầu cụ thể của từng hộ dân.

3vc-1819.jpg
Chị Nay H’Nin (buôn Khăn) quyết tâm thoát nghèo sau khi được hỗ trợ con bò sinh sản từ chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Vũ Chi

Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều; phân loại hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo và hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội để có giải pháp hiệu quả; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Bà Ksor H’Yam-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khăn-cho biết: Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2022 đến nay, buôn được hỗ trợ 1 căn nhà, 13 con bò sinh sản, 6 công trình nước sạch và 3 bồn chứa nước.

Ngoài ra, 30 người dân trong buôn được tạo điều kiện học nghề điện dân dụng; 12 người tham gia lớp xóa mù chữ. Nhờ đó, đời sống hộ nghèo được cải thiện rõ rệt. Bà con không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và đồng thuận góp vốn, góp sức khi thực hiện chương trình.

“Trước đây, bà con nhổ 1 xe mì về bán lấy tiền chi dùng, hết lại đi nhổ tiếp thì nay thói quen ấy đã không còn. Người dân thu hoạch đồng loạt, kinh phí thu được một phần để trả nợ vật tư phân bón, phần còn lại sử dụng tiết kiệm, dành mua sắm thêm phương tiện sản xuất.

Trong 7 hộ nghèo của buôn có tới 6 hộ làm đơn xin thoát nghèo. Năm 2024, buôn phấn đấu có 6 hộ thoát nghèo và 4 hộ ra khỏi danh sách cận nghèo, giảm số hộ nghèo của buôn xuống còn 1 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội”-bà H’Yam phấn khởi cho hay.

Bà Nay H’Moan-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-nhận định: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cùng với việc thay đổi phương thức hỗ trợ đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo. Thay vì cho không như trước đây, các chương trình, dự án hỗ trợ hiện nay đều thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đối với chương trình nhà ở, Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, người dân đối ứng thêm 40 triệu đồng bằng cách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn đối với chương trình hỗ trợ bò sinh sản, người dân đối ứng bằng cách làm chuồng trại, công chăn thả, nguồn thức ăn…

Để các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời và phát huy hiệu quả, công tác rà soát, phân loại, bình chọn đối tượng thụ hưởng được các ban, ngành, đoàn thể xã và thôn, buôn triển khai đồng bộ, đảm bảo công khai, minh bạch. Sau khi hỗ trợ thì thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo phát huy hiệu quả. Nhờ đó, các chương trình hỗ trợ đều phát huy hiệu quả, tạo tâm lý phấn khởi, đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, xã Ia Sao hỗ trợ 4 căn nhà, cấp 72 con bò sinh sản, hỗ trợ 24 công trình nước sạch cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, Quỹ “Vì người nghèo” thị xã hỗ trợ 2 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Nhờ vậy, cuối năm 2023, xã còn 35 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo; giảm 21 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo so với đầu năm.

Bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao-thông tin: Thông qua các nguồn vốn, xã đầu tư toàn diện từ nhà ở, công trình phụ cho đến hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo. Để đạt mục tiêu xóa toàn bộ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội trong năm 2024 cũng như mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, xã tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; đồng thời, phát huy sức mạnh toàn xã hội, kêu gọi, huy động nguồn lực từ xã hội hóa, tạo sức mạnh tổng hợp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, coi đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững, không để tái nghèo.

Có thể bạn quan tâm

Phú Thiện đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Phú Thiện đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đạt được những kết quả ấn tượng, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Nghĩa tình nơi biên giới

Nghĩa tình nơi biên giới

(GLO)- Tôi có mấy người bạn thân từ Hà Nội và Quảng Ngãi lên thăm Gia Lai, nguyện vọng của họ là muốn lên biên giới, thăm những người lính Biên phòng. Vậy là mình lại có thêm cái cớ để ngược hướng biên cương.

Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

(GLO)- Sau hơn 15 năm thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Chư Sê, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã đoàn kết, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Gia Lai sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công tác dân tộc

Gia Lai sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công tác dân tộc

(GLO)- Ngày 29-4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 420/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 2 thủ tục hành chính (TTHC) sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Nông thôn làng Thơh Ga B ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Tấn

Chư Pưh: Đổi thay ở làng nông thôn mới Thơh Ga B

(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, diện mạo nông thôn của làng Thơh Ga B (xã Chư Don) đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhờ đó, làng đã được UBND huyện Chư Pưh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Nghĩa tình với người dân thôn Plei Hek

Nghĩa tình với người dân thôn Plei Hek

(GLO)- Ngày 29-4, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng, Công ty Thiên Phúc Farma, Công ty CPTM Natulife Việt Nam tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà bà con thôn Plei Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)-thôn kết nghĩa với Sở Y tế Gia Lai.

Đổi thay ở xã anh hùng

Đổi thay ở xã anh hùng Ia Phìn

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Cuối năm 2017, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

(GLO)- Chiều 28-4, đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Gia Lai do Phó Giám đốc Ksor Hiền-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho em Nêu (SN 2018, làng Kol, xã Trang, huyện Đak Đoa) mồ côi cả cha và mẹ.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.