Ia Rtô tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với việc huy động các nguồn lực xã hội và tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức tự vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đạt được những kết quả ấn tượng. Năm 2023, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2%, hộ cận nghèo 6% để hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

ƯHuy động nhiều nguồn lực xã hội

Xã Ia Rtô có 945 hộ, trong đó trên 70% là người dân tộc thiểu số. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương tập trung phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực xã hội, tranh thủ sự giúp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ cây-con giống, giúp hộ nghèo có thêm động lực vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để giúp đỡ đúng người, đúng việc, xã thành lập Tổ truyền thông giảm nghèo gồm 9 thành viên, trong đó có cán bộ tư pháp, văn hóa-xã hội, Mặt trận và các đoàn thể. Nhiệm vụ của Tổ là phối hợp với các thôn, buôn khảo sát tiêu chí thiếu hụt, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp.

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ayun Pa bàn giao nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình bà Nay H'Đom (buôn Phu Ma Nher 2, xã Ia Rtô). Ảnh: V.C

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ayun Pa bàn giao nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình bà Nay H'Đom (buôn Phu Ma Nher 2, xã Ia Rtô). Ảnh: V.C

Năm 2022, chính quyền địa phương kêu gọi xã hội hóa xây dựng 2 căn nhà, 11 nhà vệ sinh, hỗ trợ 2 con bò sinh sản cho hộ nghèo. Cuối năm 2022, xã có 11 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,52%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,35%. Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2023, xã tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà “Đại đoàn kết” và xây dựng nhà vệ sinh cho 11 hộ đăng ký thoát nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 2%, hộ cận nghèo xuống 6%. Đến thời điểm hiện tại, các công trình đang gấp rút thi công, phấn đấu bàn giao trong tháng 11-2023.

Niềm vui đến với gia đình bà Nay H'Đom (buôn Phu Ma Nher 2) vào cuối năm 2022 khi gia đình được Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã hỗ trợ 24 triệu đồng xây dựng nhà “Mái ấm tình thương”. Số tiền này do hội viên phụ nữ thị xã đóng góp với mức 5 ngàn đồng/hội viên/năm để giúp đỡ hội viên nghèo. Cùng với số tiền hỗ trợ, bà H'Đom còn vay mượn thêm để dựng căn nhà sàn vững chãi. “24 triệu đồng với vợ chồng tôi là cả một gia tài. Nhờ số tiền này, giấc mơ về căn nhà khang trang của gia đình đã trở thành hiện thực. Ở tuổi xế chiều, đây là niềm hạnh phúc lớn với chúng tôi. Hiện gia đình đã thoát nghèo. Từ nay, chúng tôi sẽ tích cực làm ăn, tham gia công tác Hội, có điều kiện thì giúp đỡ chị em còn khó khăn hơn”-bà H'Đom bộc bạch.

Còn với bà Ksor HYah (buôn Jứ Ama Nai), căn nhà xây kiên cố trị giá 75 triệu đồng cũng đang dần hoàn thiện thay thế căn nhà sàn xập xệ, xuống cấp. Nhà mới được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nhân buổi tọa đàm kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ thị xã nhằm hỗ trợ địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Bà HYah trải lòng: “Năm 2017, mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng tôi đã tình nguyện hiến hơn 200 m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Xã về đích nông thôn mới, người dân được hưởng lợi đầu tiên nên tôi phải chung tay góp sức, cũng không nghĩ tới việc sẽ được đền đáp nhiều như vậy”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Uyên, xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn xã hội. Giảm nghèo không chỉ về ăn, ở, nước sinh hoạt mà còn phải giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đời sống của người dân như: điện, đường giao thông, trường học, y tế, sinh hoạt văn hóa thể thao… Vì vậy, cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng, gắn đầu tư phát triển sản xuất với đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí. Từ năm 2022 đến nay, cùng với đảm bảo công tác an sinh xã hội, UBND xã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho 2 nhà sinh hoạt cộng đồng tại buôn Phu Ma Nher 1 và buôn Jứ Ama Nai; nâng cấp một số tuyến đường tại 3 buôn: Phu Ma Nher 1, Jứ Ama Nai, Phu Ma Miơng với tổng kinh phí 771 triệu đồng. Tất cả các công trình đều có 10% kinh phí do người dân đóng góp. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm, vai trò chủ thể của người dân với công tác giảm nghèo nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung.

Khơi dậy ý thức vươn lên của người dân

Xác định ý thức tự vươn lên của người dân có vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Huỳnh Thanh Thọ cho biết: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân được nâng lên đáng kể. Trước đây, người dân thường làm được bao nhiêu thì chi tiêu bấy nhiêu. Hiện nay, bà con đã biết tiết kiệm để mua bảo hiểm y tế, chăm lo cho con cái học hành và đầu tư phát triển sản xuất, tránh xa “tín dụng đen”. Các phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Thanh niên khởi nghiệp”… đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.

Người dân xã Ia Rtô ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Ảnh: V.C

Người dân xã Ia Rtô ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Ảnh: V.C

Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân cũng được nâng cao. Đến nay, trên 80% hộ dân đã xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; 100% hộ chăn nuôi di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, bà con tập trung dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Nhờ vậy, bộ mặt buôn làng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Chị Nay H'Kem (buôn Phu Ma Nher 2) phấn khởi nói: Trước đây, bà con mình nuôi heo địa phương thường thả rông gây ô nhiễm môi trường. Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, chị cũng như rất nhiều người dân đều nhận thức được việc nuôi nhốt mang lại nhiều lợi ích, vừa đảm bảo môi trường, vừa phòng trừ dịch bệnh, lại tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng. Đầu năm 2018, chị chủ động vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã 50 triệu đồng đầu tư làm chuồng trại và mua thêm con giống phát triển đàn vật nuôi. “Đến nay, tôi duy trì 3 con heo nái và 10 con heo thịt. Không chỉ trả hết nợ ngân hàng, tôi còn mua thêm 3 sào đất rẫy từ tiền tiết kiệm. Với 1 ha mì, 4 sào lúa nước và đàn heo, gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”-chị H'Kem chia sẻ.

Ông Đinh Văn Lích-Trưởng thôn Jứ Ama Nai-cho biết: Cuối năm 2022, buôn còn 4 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, song trong năm 2023, các hộ dân đã đồng thuận hiến đất để làm đường nội đồng có chiều dài 400 m, rộng 3,5 m, tạo thuận lợi cho việc đi lại. Nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, với vai trò trưởng thôn, thông qua các buổi họp thôn, ông thường xuyên giới thiệu những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên báo chí cũng như tại địa phương để người dân học tập kinh nghiệm; hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; phối hợp với ban, ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Năm 2023, buôn phấn đấu có thêm 1 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của buôn xuống còn 2,2%.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Long thông tin: Hàng năm, xã tiến hành rà soát thực trạng hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo để từ đó đề ra giải pháp giảm nghèo hiệu quả; phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cá nhân, tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm chuyển biến về hành động của cán bộ, đảng viên và người dân; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” đối với người nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo có sức khỏe, kinh nghiệm trong lao động sản xuất thực hành tiết kiệm, tận dụng cơ hội, sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ, chủ động vươn lên thoát nghèo.

“Điều đáng mừng là từ các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích gieo trồng toàn xã ước đạt 2.140 ha; tổng sản lượng lương thực ước đạt 3.163,9 tấn, đạt 100% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người là 43 triệu đồng/năm. Xã đang phấn đấu nâng cao các tiêu chí và về đích nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra”-Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Tết ấm cho người nghèo

Tết ấm cho người nghèo

(GLO)- Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhà ở, tặng quà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện đón một cái Tết ấm áp.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro

Điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt điều chỉnh Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 12-11-2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.