Ia Pa khai thác hiệu quả công trình thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi. Nhờ nguồn nước đảm bảo, năng suất và sản lượng cây trồng luôn đạt cao, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển.

Trước đây, 2 ha đất sản xuất của gia đình ông Ksor Nai (buôn Ama Hlăk, xã Chư Mố) dù nằm gần mương thủy lợi nhưng vẫn thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô. Nguyên nhân chủ yếu là do ruộng nằm ở khu vực cao, hệ thống kênh nhánh chưa được xây dựng tới nơi. Gia đình ông Nai lúc đó chỉ trồng mì và đậu các loại, thu nhập không ổn định, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2018, khi huyện đầu tư xây dựng hệ thống kênh dẫn nước qua khu vực này, gia đình ông đã chủ động thuê xe san ủi đất để trồng lúa.

Ông Nai cho biết: “Có kênh dẫn nước về khu sản xuất, gia đình đã chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ, cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, vụ Đông Xuân 2022-2023, gia đình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ tham gia mô hình sản xuất giống lúa xác nhận TBR1, năng suất đạt trên 8 tấn/ha, trừ chi phí còn lãi gần 30 triệu đồng/ha”.

Nhờ có nguồn nước từ kênh mương thủy lợi, ông Ksor Nai (bìa trái, buôn Ama Hlăk, xã Chư Mố) đã tham gia mô hình sản xuất giống lúa xác nhận TBR1 cho năng suất cao. Ảnh: P.N

Nhờ có nguồn nước từ kênh mương thủy lợi, ông Ksor Nai (bìa trái, buôn Ama Hlăk, xã Chư Mố) đã tham gia mô hình sản xuất giống lúa xác nhận TBR1 cho năng suất cao. Ảnh: P.N

Tương tự, nhờ có hệ thống kênh mương thủy lợi đến tận chân ruộng, gia đình ông Nguyễn Mạnh Thùy (thôn 1, xã Kim Tân) đã cải tạo 1 ha đất trồng đậu các loại sang trồng lúa nước. Ông Thùy phấn khởi cho hay: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ tham gia mô hình sản xuất lúa Đài Thơm 8 theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ có nguồn nước tưới dồi dào, ruộng lúa được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên phát triển xanh tốt, hiện đang trổ đòng. Còn khoảng 1 tháng nữa, ruộng lúa sẽ cho thu hoạch. Ước giống lúa mới này cho năng suất đạt 8 tạ/sào, cao hơn các giống lúa trước đây khoảng 1 tạ/sào”.

Không chỉ có gia đình ông Thùy mà nhiều người dân ở xã Kim Tân cũng rất phấn khởi vì hệ thống kênh mương thủy lợi hàng năm được gia cố và mở rộng thêm, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã có trạm bơm Kim Tân 1 và Kim Tân 2 với năng lực tưới hơn 160 ha. Toàn xã hiện đã có gần 7,6 km kênh mương được đầu tư xây dựng kiên cố.

Ông Lê Hữu Hưng-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Đến nay, hệ thống kênh mương trên địa bàn xã đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất của người dân. Trước đây, bà con chỉ trồng được 1 vụ lúa thì nay đã tăng lên 2 vụ. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong xã cũng đã tham gia mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10 ha. Hiện toàn xã có trên 100 ha lúa nước 2 vụ, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha. Nhờ có hệ thống kênh mương điều tiết nước thuận lợi đã giúp người dân yên tâm sản xuất, góp phần tăng thu nhập.

Trên địa bàn huyện Ia Pa hiện có 1.400 ha lúa nước ở xã Ia Trok và Ia Ma Rơn nằm trong vùng tưới của công trình thủy lợi Ayun Hạ nên chủ động được nguồn nước tưới. Hơn 1.600 ha lúa nước còn lại ở các xã Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó và 4 xã phía Đông sông Ba (Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm) phải dựa vào nguồn nước của các trạm bơm điện. Để chủ động nguồn nước tưới cho diện tích này, huyện đã đầu tư làm 15 trạm bơm điện gồm 45 tổ máy có tổng năng lực tưới thiết kế là 3.367 ha; đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dài trên 216 km, trong đó có gần 196 km kênh mương đã được kiên cố, còn lại 20,4 km kênh đất.

Trạm bơm Kim Tân 2 (xã Kim Tân) luôn đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Phạm Ngọc

Trạm bơm Kim Tân 2 (xã Kim Tân) luôn đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Phạm Ngọc

Để phát huy năng lực của các trạm bơm điện, năm 2022, UBND huyện Ia Pa đã huy động nhiều nguồn kinh phí được 4 tỷ đồng để kiên cố hóa trên 2,8 km kênh mương và sửa chữa, thay thế tổ máy của 2 trạm bơm. Năm 2023, huyện tiếp tục huy động được 4,45 tỷ đồng để kiên cố hóa gần 3,8 km kênh mương nhằm chủ động nguồn nước tưới cho các cánh đồng lúa.

Ông Trần Minh Phương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Vụ Đông Xuân 2022-2023 và vụ mùa 2023, các trạm bơm trên địa bàn huyện đã vận hành hết công suất để cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây lúa. Trong đó, nhiều trạm bơm có năng lực tưới vượt cao hơn công suất thiết kế 30% như: trạm bơm Kim Tân 1 (xã Kim Tân), trạm bơm buôn Jứ (xã Ia Broăi), trạm bơm Ia Tul 2 (xã Ia Tul), trạm bơm Chư Mố 1 (xã Chư Mố)... Nhờ được cung cấp đủ nguồn nước nên năng suất lúa vụ Đông Xuân bình quân đạt trên 8 tấn/ha, dự kiến vụ mùa năm 2023 đạt 7,5 tấn/ha.

“Để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp của địa phương, những năm qua, huyện luôn chú trọng đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. Nhờ đó đã phát huy hiệu quả sử dụng đất, khắc phục tình trạng hạn hán tại nhiều cánh đồng. Hiện nay, tất cả 9 xã của huyện đã hoàn thành việc thực hiện tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để phát triển các công trình thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo hướng hiện đại, đồng bộ nhằm mở rộng diện tích cây trồng, góp phần tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp”-ông Phương thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.