Ia Ly: 20 năm cùng Tây Nguyên tỏa sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 4-11-1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công công trình thủy điện Ia Ly, đánh dấu hành trình chinh phục dòng sông năng lượng Sê San của những người làm thủy điện, biến dòng thác Ia Ly thành nguồn điện cho đất nước. Gần 7 năm sau, ngày 28-2-2000, Nhà máy Thủy điện Ia Ly được thành lập theo Quyết định số 10/2000/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). 
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, từ quản lý vận hành Thủy điện Ia Ly, đến nay, Công ty Thủy điện Ia Ly quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn trên hệ thống bậc thang sông Sê San gồm: Ia Ly, Sê San 3 và Plei Krông với tổng công suất 1.080 MW, sản lượng điện bình quân 5,31 tỷ kWh/năm.
Ý thức về nhiệm vụ mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao, các thế hệ cán bộ-công nhân viên (CB-CNV) Công ty Thủy điện Ia Ly với tinh thần đoàn kết, gắn bó đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong 20 năm qua, Công ty đã đạt được những thành tích, tạo dấu ấn tự hào trên các phương diện, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực Tây Nguyên nói chung, các tỉnh Gia Lai và Kon Tum nói riêng.
Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh internet
Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh internet
Nỗ lực sản xuất, cung ứng điện năng
Đến cuối năm 2019, tổng sản lượng điện sản xuất của 3 nhà máy do Công ty quản lý đạt trên 85 tỷ kWh điện (Ia Ly đạt 65,4 tỷ kWh, Sê San 3 đạt 15,7 tỷ kWh và Plei Krông đạt trên 4 tỷ kWh). Kết quả này góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh năng lượng và góp phần ổn định hệ thống điện quốc gia.
Đạt được sản lượng điện như trên là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu qua từng ngày, từng tháng, từng năm của từng thành viên Công ty, từ lãnh đạo cao nhất đến mỗi công nhân. Bởi 3 nhà máy do Công ty quản lý được đưa vào vận hành với khoảng thời gian cách xa nhau. Thủy điện Ia Ly khởi công ngày 4-11-1993 thì đến 12-5-2000, tổ máy số 1 phát điện hòa vào lưới điện quốc gia; đến ngày 12-12-2001, tổ máy số 4 mới phát điện. Thủy điện Sê San 3 thì 2 tổ máy phát điện vào các ngày 23-4 và 28-7-2006. Hơn 3 năm sau, vào ngày 12-5-2009, tổ máy số 1 Thủy điện Plei Krông phát điện; đến ngày 17-3-2010, tổ máy số 2 cùng hòa vào lưới điện quốc gia.
Giám đốc Công ty Đoàn Tiến Cường (bìa trái) chỉ đạo phương án xử lý tiếng gõ ổ đỡ của tổ máy H1 Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đ.Y
Giám đốc Công ty Đoàn Tiến Cường (bìa trái) chỉ đạo phương án xử lý tiếng gõ ổ đỡ của tổ máy H1 Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đ.Y
Bên cạnh đó, Công ty vừa tiếp nhận nhiệm vụ vận hành vừa phải xử lý các khiếm khuyết, hư hỏng của thiết bị trong giai đoạn đầu vận hành các nhà máy, sớm đưa các tổ máy vào hoạt động; chủ động trong công tác sửa chữa lớn, cải tạo hệ thống thiết bị làm việc kém tin cậy, điều tiết thủy văn liên hồ hợp lý… Trải qua quá trình nỗ lực phấn đấu, Công ty mới thật sự khai thác hiệu quả lượng nước phục vụ phát điện và đạt được sản lượng cao.
Thành công trong xử lý, sửa chữa khiếm khuyết thiết bị
Hệ thống thiết bị, công nghệ tại 3 nhà máy khá phức tạp, đa dạng về chủng loại, xuất xứ, thời điểm sản xuất nên tính đồng bộ không cao. Thực tế vận hành nhà máy thủy điện Ia Ly đã dẫn đến một số hỏng hóc, sự cố lớn, đáng chú ý là sự cố phát nhiệt thanh dẫn 26 tổ máy H1 vào tháng 2-2004; đứt các gu-dong nắp turbine tổ máy H4 tháng 10-2017; xảy ra tiếng gõ tại khu vực ổ đỡ tổ máy H1 từ năm 2015, được xử lý tháng 5-2019; phóng điện thanh dẫn 41-42 tổ máy H3 vào tháng 1-2019. Hay Nhà máy Thủy điện Sê San 3 xảy ra sự cố cháy cầu nối 2 thanh dẫn 24-34 tổ máy H1 vào tháng 11-2007, hư hỏng 192 cầu nối mềm của vòng ngắn mạch phía trên, phía dưới roto máy phát tổ máy H2 cùng tháng 11-2007. 
Một số trường hợp điển hình cho thấy, những gian truân trong quản lý sửa chữa, khắc phục sự cố, khiếm khuyết thiết bị của Công ty. Để đảm bảo cung cấp điện cho toàn hệ thống, khai thác hiệu quả nguồn nước, lãnh đạo, CB-CNV Công ty đã tập trung nghiên cứu từng trường hợp để xử lý thành công, đưa các tổ máy vào vận hành an toàn, tin cậy, vừa chi phí thấp, vừa khai thác kịp thời nguồn nước.
Thành công trong công tác sửa chữa thiết bị và xử lý có hiệu quả hư hỏng không chỉ giúp CB-CNV từng bước trưởng thành, làm chủ hệ thống công nghệ mà còn là nền tảng để các cán bộ kỹ thuật của Công ty tự tin tham gia xử lý thành công những hư hỏng tại các nhà máy trong cả nước.
Thực hiện tốt vai trò nhà máy thủy điện đa mục tiêu
Là nhà máy thủy điện lớn nhất trên bậc thang thủy điện sông Sê San, Thủy điện Ia Ly đã thực hiện tốt vai trò của nhà máy đa mục tiêu: sản xuất điện, điều tiết thủy văn, cắt giảm lũ về mùa mưa lũ và cung cấp nước cho hạ du mùa khô. Đây đều là nhiệm vụ phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan do biến đổi về khí hậu, thời tiết, tình huống thiên tai thay đổi. Trong khi đó, yêu cầu tiên quyết là phải luôn đảm bảo an toàn hạ du, an toàn công trình, đặc biệt là an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, đồng thời phục vụ đủ nước tưới cho hạ du cũng như khai thác hiệu quả nguồn nước cho phát điện.
 Công nhân Nhà máy Thủy điện Ia Ly sửa chữa máy biến áp 500 kV. Ảnh: Đ.Y
Công nhân Nhà máy Thủy điện Ia Ly sửa chữa máy biến áp 500 kV. Ảnh: Đ.Y
Để làm được điều này, bên cạnh việc xây dựng các kịch bản ứng phó với thiên tai, CB-CNV Công ty luôn tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tiết liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng từng hạng mục công trình, huy động 100% lực lượng ứng trực trong mùa mưa lũ, liên lạc và báo cáo thường xuyên với Ban chỉ huy phòng-chống lụt bão Trung ương và địa phương. Vì thế, suốt 20 năm qua, công tác vận hành hồ chứa, điều tiết thủy văn của Công ty đảm bảo tuyệt đối an toàn.
20 năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao, Công ty luôn thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ đối với Nhà nước thông qua nộp thuế, phí đóng góp vào ngân sách địa phương mỗi năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Thời gian tới, Công ty sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức trước yêu cầu đổi mới toàn diện của ngành điện Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến doanh nghiệp trên mọi phương diện. Thực tế đó đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về quản trị doanh nghiệp cũng như cách thức quản lý vận hành các nhà máy. Tuy nhiên có thể tin tưởng rằng, thành công đạt được qua 20 năm hoạt động sẽ là nền tảng và động lực để toàn thể CB-CNV Công ty Thủy điện Ia Ly vững vàng cho những bước đi tiếp trên con đường cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tây Nguyên phát triển.
 ĐOÀN TIẾN CƯỜNG
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.