Ia Grai: Ô nhiễm vì bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tình trạng ô nhiễm môi trường từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra đáng lo ngại. Do vậy, từ năm 2017, UBND huyện Ia Grai đã tiến hành xây dựng bể chứa thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại các cánh đồng. Tuy nhiên, biện pháp này không mang lại hiệu quả như mong muốn. 
Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: Từ năm 2017, UBND huyện Ia Grai đã giao cho Phòng triển khai làm 377 bể chứa ở 12 xã và thị trấn với số vốn đầu tư 1,8 tỷ đồng; đồng thời ký kết với đơn vị thu gom với chi phí là 200 triệu đồng/năm. 
 Bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại xã Ia Dêr. Ảnh: H.P
Bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại xã Ia Dêr. Ảnh: H.P
Theo ghi nhận của P.V, dù khoản đầu tư này không hề nhỏ nhưng hiện tại các bể chứa vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Ông Nguyễn Đình Dương (làng Breng 1, xã Ia Dêr) cho hay: “Tôi thấy xã đặt mấy cái bể chứa này rất hữu ích nhưng một số người vẫn còn vứt vỏ bao bì, chai lọ lung tung ra môi trường gây ô nhiễm. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ em vì không biết có thể nhặt chơi hoặc giẫm phải”.  
Không chỉ trên địa bàn xã Ia Dêr mà các xã Ia Tô, Ia Pếch cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Trứ (thôn 5, xã Ia Tô) phản ánh: “Gia đình tôi có gần 3 ha cà phê. Từ khi chính quyền xây bể chứa, tôi thường xuyên thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bỏ vào bể chứa nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy vậy, nhiều người vẫn còn thói quen tiện đâu vứt đấy, góp ý rất khó”. Một thực tế phức tạp khác là những bể chứa đã ghi rõ chỉ chứa chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng nhiều người thấy tiện nên bao nhiêu rác thải sinh hoạt cũng tống hết vào. 
Trao đổi về những bất cập này, ông Tuấn chia sẻ: Mỗi năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường đều có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn thống kê khối lượng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật thu gom được và hướng xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen vứt loại rác nguy hại này xuống ao hồ, vệ đường. “Do vậy, chúng tôi đã tham mưu huyện tạm dừng đặt thêm bể, tiến hành khảo sát để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp rồi mới tiếp tục triển khai. Đồng thời hướng dẫn các xã lồng ghép tuyên truyền cho người dân trong các cuộc họp về tác hại của vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao ý thức và thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi”-ông Tuấn cho biết thêm.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm