Ia Grai: Đá tặc hoành hành giữa khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 2 năm nay, núp bóng danh nghĩa cải tạo đất nông nghiệp, hàng nghìn mét khối đá thiên nhiên đã bị khai thác trái phép, chế biến thành sản phẩm công khai giữa lòng khu dân cư thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Dù nắm được tình hình, nhưng chính quyền địa phương và ngành Tài nguyên và Môi trường huyện chưa thể ngăn chặn.
Khai thác ngang nhiên trong lòng khu dân cư
Hồ Ia Rít, thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă, huyện Ia Grai đã khô cạn nhiều năm nay, có diện tích khoảng 8 ha, chứa tầng đá tự nhiên chỉ cách tầng đất mặt khoảng nửa mét nên không thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Dưới danh nghĩa giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương cải tạo đất nông nghiệp, từ năm 2015 đến nay, ông Lê Văn Nguyên (SN 1982, trú thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă) đã tổ chức khai thác đá hộc, chế biến thành phẩm đá xây dựng ngay tại chỗ. Tại hiện trường, có 2 máy múc đá, 2 xe tải chuyên chở và gần chục công nhân với các thiết bị xẻ, đục đá. 
Ảnh: Thảo Lăng
Ảnh: Thảo Lăng
Cùng với đó là hàng chục hố khai thác với thể tích lên tới hàng chục mét khối/1 hố khiến lòng hồ Ia Rít nham nhở như tổ ong. Hàng trăm khối đá nguyên liệu vuông vức được xếp thành nhiều đống, lộ thiên và trải dài tại khu vực lòng hồ Ia Rít. Điều này diễn ra ngay trong lòng khu dân cư thôn Chư Hậu 6, cách mặt đường chính 50 mét, cách trung tâm hành chính UBND xã chưa đầy nửa cây số, nhưng điều này đã trở nên bình thường và quen thuộc đối với người dân địa phương. Bà Trịnh Thị Nụ, 80 tuổi, người thôn Chư Hậu 6, có nhà ngay sát hồ Ia Rít cho biết: “Ngày xưa đất này là đất trồng lúa của bà con đồng bào, nhưng lúa không năng suất nên ông Nguyên thuê của họ để làm đá đã 2 năm nay”.
Ông Nguyễn Xuân Bổn-Chủ tịch UBND xã Ia Bă, huyện Ia Grai cho biết, ngay khi biết hoạt động khai thác đá trái phép của hộ ông Nguyên, chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính, đồng thời đình chỉ hoạt động khai thác tại đây. Đến nay, UBND xã vẫn chưa có văn bản nào báo cáo sự việc tới UBND huyện và ngành Tài nguyên và Môi trường. 
Mặt khác, khi phóng viên ngỏ ý muốn xem văn bản xử phạt hành chính tại đợt kiểm tra cách đây 1 năm, ông Bổn mới đặt bút ký và đóng dấu văn bản này. Theo ông, sở dĩ hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn diễn ra dù đã bị đình chỉ là vì chúng đều diễn ra ngoài giờ hành chính và cán bộ địa phương có nhiều việc phải lo, không riêng gì quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, ông Bổn cũng thừa nhận: “Xã quản lý đúng quy định thì họ không thể khai thác đá, và không thể đem đá ra ngoài địa bàn được. Thời gian đến, xã yêu cầu đình chỉ, yêu cầu không cho làm, chắc chắn không thể không quản lý được. UBND xã có đủ cơ sở để mình xử lý hoạt động khai thác cát trái phép này”. 
Ngành Tài nguyên và Môi trường khó quản lý
Tại đợt kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tháng 4-2017, Đoàn liên ngành của huyện Ia Grai phát hiện và xử phạt 5 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, với  số tiền 15 triệu đồng. Nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương trên thực tế phức tạp hơn nhiều. Lý giải điều này, ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai cho biết, địa phương có trữ lượng khoáng sản cát và đá khá dồi dào. Tuy nhiên, mới chỉ quy hoạch khai thác một phần. Khoáng sản nằm rải rác khắp nơi, đối tượng khai thác trái phép chủ yếu là người dân địa phương. 
Với sự việc tại xã Ia Bă, ông Tuấn cho biết, đơn vị có nắm được thông tin. Tuy vậy, khi tiến hành kiểm tra chỉ thấy hiện trường có dấu hiệu mới khai thác, nhưng không phát hiện người và phương tiện. UBND huyện Ia Grai đã có nhiều văn bản phân cấp, phân nhiệm quản lý đến UBND cấp xã trong việc quản lý khoáng sản. Vì thế, tình trạng khai thác đá trái phép, quy mô lớn tại xã Ia Bă là do chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo. Ông Thái Anh Tuấn nói cho biết: “Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND huyện nhiều văn bản và nhiều văn bản giao trách nhiệm quản lý khoáng sản là UBND xã, là người tại địa phương đó phải nắm bắt được, phải xử lý ngay, chứ không phải chờ đoàn liên ngành xuống. Vì có khi, xuống bắt được đối tượng này, đối tượng kia họ biết thông tin là họ nghỉ, mình phải về. Góc độ quản lý Nhà nước, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện xử lý nghiêm minh đối tượng này. Vừa là để đối tượng, thứ hai cho cộng đồng khu dân cư họ rút ra bài học, không vi phạm như đối tượng kia”.
Chính quyền cơ sở quản lý lỏng lẻo, thiếu kiên quyết, ngành chức năng thiếu sát sao đang khiến tài nguyên đá tại xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đang thất thoát từng ngày. Tình trạng này đặt ra vấn đề xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đồng thời ngành chức năng tỉnh Gia Lai cần điều chỉnh, mở rộng quy hoạch khai thác khoáng sản tại nhưng nơi có trữ lượng lớn, nhằm tránh thất thoát thuế và tài nguyên của địa phương.
Ngọc Thu-Thảo Lăng

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.