Huy động sức mạnh tổng hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chủ động bám nắm địa bàn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phối hợp với các đoàn thể cơ sở lồng ghép tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ là các giải pháp tổng hợp mà Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai và các địa phương đề ra nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Thời gian qua, lực lượng Công an huyện Phú Thiện tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông. Đồng thời, lực lượng Công an đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, đặc biệt là đối với thanh-thiếu niên. Nhờ đó, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT. Ảnh: Minh Phương

Lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT. Ảnh: Minh Phương

Riêng trong tháng 3, trên địa bàn xảy ra 1 vụ TNGT làm 1 người chết. So với tháng 2, TNGT giảm 3 vụ, giảm 1 người chết và giảm 1 người bị thương. Theo Đại úy Trần Văn Tiến-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Phú Thiện): Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an các xã, thị trấn đã lập danh sách trên 360 thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT để theo dõi, gọi hỏi răn đe; đồng thời phối hợp với các đoàn thể thôn, làng, tổ dân phố tổ chức tuyên truyền và yêu cầu gia đình ký cam kết phối hợp trong việc nhắc nhở, quản lý con em mình.

Tại huyện Kbang, để ngăn ngừa nguy cơ TNGT, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Công an huyện phối hợp cùng Công an các xã, thị trấn tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy. Trung tá Mạc Thế Nguyên-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Kbang) cho biết: “Ngoài việc tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi còn phối hợp với đoàn thể cơ sở trực tiếp đến nhà tuyên truyền, vận động các gia đình quản lý, giáo dục con em mình, không giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đối với các trường hợp không có giấy phép lái xe, ngoài việc xử phạt trực tiếp người điều khiển phương tiện, chúng tôi còn tiến hành xử phạt người giao xe”.

Tương tự, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục đến xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của người dân trên địa bàn huyện Mang Yang chuyển biến tích cực. Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban An toàn giao thông huyện Mang Yang-thông tin: “Qua công tác rà soát, thống kê danh sách thanh-thiếu niên hư hỏng, thường xuyên gây rối TTATGT hoặc điều khiển xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, tổ tuyên truyền lưu động của các xã, thị trấn đến từng nhà vận động, yêu cầu phụ huynh và thanh-thiếu niên ký cam kết. Bên cạnh đó, đề nghị phụ huynh cùng phối hợp với chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương để giáo dục con em không để tái phạm”.

Ban An toàn giao thông các huyện tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh. Ảnh: Minh Phương

Ban An toàn giao thông các huyện tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh. Ảnh: Minh Phương

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh-nhấn mạnh: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của UBND tỉnh và nỗ lực của các ngành, địa phương, TNGT trên địa bàn tỉnh trong quý I-2023 giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra ra 92 vụ TNGT, làm 67 người chết và 53 người bị thương (giảm 2 vụ, giảm 4 người chết và giảm 25 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022). Đặc biệt, TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy, do người dưới 18 tuổi gây ra và tai nạn xảy ra trên quốc lộ đều giảm.

Theo Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, kết quả này có được là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được đẩy mạnh, nhất là việc vận động cá biệt đối tượng thanh-thiếu niên, học sinh ở khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, công tác rà soát, xử lý vị trí tiềm ẩn TNGT trên các quốc lộ và đường tỉnh được chú trọng; việc tuần tra, kiểm soát được tăng cường với nhiều kế hoạch chuyên đề, cao điểm; việc triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT tại địa bàn cơ sở đã phát huy hiệu quả; việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đem lại kết quả tích cực.

“Việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở, các già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, người có uy tín để thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT ở cơ sở; đồng thời đánh giá và nhân rộng cách làm hay, mô hình tự quản tại địa bàn cơ sở, địa bàn phức tạp về TTATGT là các giải pháp hiệu quả nhằm kiềm chế TNGT trên địa bàn”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

(GLO)- Vi phạm trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, 3 cơ sở nha khoa trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa bị Sở Y tế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 142,5 triệu đồng.